Hiện có hơn 2,8 triệu người sống chung với bệnh MS trên toàn thế giới, trong đó có hơn 25.600 người ở Úc. Tuổi trung bình bắt đầu bị bệnh MS là từ 16 đến 40.
Khi bệnh đang ở giai đoạn hoạt động, các thành phần của hệ thống miễn dịch tấn công các vỏ bảo vệ (myelin) bao quanh sợi thần kinh trong não và tủy sống. Điều này dẫn đến tình trạng viêm, gây ra sẹo hoặc tổn thương (xơ cứng) trong hệ thống thần kinh, khiến các dây thần kinh không thể gửi tín hiệu đến khắp cơ thể một cách chính xác.
Bệnh MS có thể gây ra các vấn đề liên quan đến thị lực, tê, ngứa, yếu cơ và những triệu chứng khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân của bệnh MS. Nhưng MS được coi là một căn bệnh tự miễn, và có liên quan các yếu tố di truyền hoặc môi trường. Nghĩa là nguy cơ phát triển bệnh MS của một người sẽ tăng lên 16 lần nếu họ có người thân mắc bệnh. Và bệnh phổ biến hơn ở người sống tại các khu vực xa đường xích đạo. Chẳng hạn như ở Úc, tỷ lệ mắc bệnh ở miền Bắc gần xích đạo thấp hơn ở miền Nam xa xích đạo.
Những triệu chứng của bệnh
Những triệu chứng đầu tiên của MS thường rất khó nhận thấy, bệnh có thể xuất hiện đột ngột bất cứ lúc nào và sau đợt bệnh thì các dấu hiệu biến mất, mặc dù người bệnh đã bị vết sẹo ở hệ thần kinh trung ương.
Có thể nói bệnh MS thường bắt đầu với các triệu chứng nhẹ có thể nặng hơn theo thời gian. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh ở mỗi người có thể rất khác nhau và khi bệnh tiến triển thì sẽ triệu chứng phụ thuộc vào sợi thần kinh bị ảnh hưởng.
Một số triệu chứng bệnh MS liên quan tới vận động như: Tê hoặc yếu ở tay chân, run hoặc mất thăng bằng, đi không vững...
Người bệnh có thể mệt mỏi và nhạy cảm với nhiệt độ nóng, thời tiết nóng bức hoặc tắm nước nóng, thậm chí uống một tách trà nóng cũng có thể làm cho các triệu chứng tệ hơn.
Các vấn đề về thị lực cũng phổ biến, bao gồm viêm dây thần kinh thị giác khiến mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn, thường ở một bên mắt tại một thời điểm.
Bệnh cũng có một số triệu chứng khác như nói lắp, chóng mặt, ngứa ran hoặc đau ở các bộ phận trên cơ thể, tiểu không kiểm soát, táo bón, thay đổi tâm trạng...
Chẩn đoán và điều trị
Một loạt các xét nghiệm có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh đa xơ cứng, bao gồm chụp MRI để phát hiện các tổn thương trong hệ thần kinh trung ương, khám sức khỏe để kiểm tra phản xạ và phản ứng, xét nghiệm máu, chọc dò thắt lưng và các loại xét nghiệm khác để đo hoạt động của dây thần kinh.
Một điều quan trọng để chẩn đoán sớm là bác sĩ có kinh nghiệm về bệnh MS nghe tiểu sử bệnh và nếu bác sĩ hướng sự nghi ngờ về bệnh MS sẽ cho bệnh nhân đi chụp MRI não để kiểm tra liệu có vết sẹo trên não hay không, từ đó sớm xác định được bệnh.
Về điều trị, hiện chưa có thuốc hoặc cách nào chữa khỏi được bệnh MS. Nhưng có các loại thuốc làm dịu các cơn co thắt cơ, đau, mệt mỏi, trầm cảm và các triệu chứng khác. Các phương pháp điều trị có thể giúp phục hồi nhanh sau các đợt bệnh và kiểm soát các triệu chứng.
Bên cạnh đó, những bài tập thể dục đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên điều trị bệnh MS có thể giúp giảm các triệu chứng và kiểm soát bệnh một các hiệu quả.
Giảm nguy cơ mắc bệnh MS
Lời khuyên y tế hiện nay để giảm nguy cơ mắc bệnh MS cũng tương tự các lời khuyên phòng bệnh khác, bao gồm giữ lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, duy trì hoạt động thể chất, bổ sung đủ vitamin D và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để có thể sớm phát hiện bệnh.
Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe Tiến sĩ Phú Hoàng, chuyên gia Vật lý trị liệu cấp cao về bệnh MS, trình bày những điều quan trọng cần lưu ý liên quan đến bệnh MS.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại