Sức khỏe là Vàng: Biến chứng ở mắt do bệnh tiểu đường

eye-care-5016057_1920_Paul Diaconu _ Pixabay .jpg

Credit: Pixabay/Paul Diaconu

Gần một nửa số người Úc bị bệnh tiểu đường mà không kiểm tra mắt thường xuyên, khiến không ít người bị biến chứng và bị mất một phần hoặc toàn bộ thị lực. Làm sao để tránh nguy cơ này?


Bệnh nhân tiểu đường có thể bị biến chứng ở mắt ngay từ giai đoạn tiền tiểu đường. Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần lưu ý những bất thường về mắt để phát hiện và điều trị kịp thời, ngăn chặn nguy cơ mất thị lực.

Biến chứng ở mắt là hậu quả của những tổn thương do đường huyết tăng cao kéo dài. Khi đường huyết tăng cao, các mạch máu nhỏ trong mắt dễ bị tắc nghẽn hoặc vỡ, cùng với lượng thủy dịch trong mắt thay đổi, gây ra các vấn đề về mắt.

Biến chứng ở mắt do tiểu đường thường không làm mất thị lực ngay mà thị lực sẽ suy giảm từ từ, khiến nhiều người nhầm lẫn với tình trạng mờ mắt do tuổi tác.

Biến chứng ở mắt do bệnh tiểu đường bao gồm: bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Trong đó, bệnh võng mạc do tiểu đường là nguyên nhân gây mất thị lực phổ biến nhất.

Triệu chứng của bệnh võng mạc do tiểu đường (diabetic retinopathy)

Triệu chứng đầu tiên là tầm nhìn chính giữa mắt bị mờ, dù thay đổi kính nào thì vẫn không nhìn thấy rõ.

Triệu chứng thứ hai là bị nổ đom đóm, tức là thấy nhiều bóng đen di chuyển trong tầm nhìn.

Triệu chứng thứ ba là ở giai đoạn bị bong võng mạc, thị lực bị mất hoàn toàn.

Nhưng thông thường bệnh ở giai đoạn sớm thì không có triệu chứng nào.

Thời gian định kỳ đi khám mắt cho bệnh nhân tiểu đường

Người bị tiểu đường loại 1 (tiểu đường loại 1 thường ảnh hưởng đến trẻ em hoặc thanh niên) thì lần khám mắt đầu tiên là 5 năm sau khi phát bệnh. Sau đó mỗi năm đều đi khám mắt định kỳ.

Người bệnh tiểu đường loại 2 thường được bác sĩ gia đình gởi đi khám mắt lần đầu tiên ngay sau khi vừa được chẩn đoán bệnh. Sau đó, thời gian khám mắt định kỳ sẽ tùy thuộc vào việc kiểm soát lượng đường trong máu. Nếu lượng đường thấp thì 2 năm mới đi khám mắt một lần. Nếu kiểm soát đường không tốt thì mỗi năm phải đi khám một lần. Nếu võng mạc bị ảnh hưởng do tiểu đường thì thời gian khám định kỳ có thể rút ngắn chỉ còn 6-9 tháng/.

Phòng bệnh
Giữ gìn sức khỏe tổng quát tốt thì sức khỏe mắt cũng sẽ tốt.
Bác sĩ Châu Võ Thiếu Sơn
Bác sĩ Châu Võ Thiếu Sơn cho biết, quan trọng nhất là bệnh nhân phải liên lạc với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa mắt để đi khám mắt định kỳ. Lời khuyên của bác sĩ là giữ sức khỏe tổng quát tốt, bao gồm:

- Bảo đảm dinh dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ;

- Kiểm soát huyết áp tốt và trị bệnh cao mỡ máu nếu có.

- Tránh hút thuốc.

- Chú ý đến những thay đổi của thị lực để kịp thời phát hiện bệnh nếu có.

- Giữ lối sống lành mạnh, cân nặng phù hợp, tập thể dục đều đặn thường xuyên.

Kính mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Châu Võ Thiếu Sơn –Bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật mắt - trình bày về những biến chứng ở mắt do bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share