Theo Tổng cục khí tượng thủy văn Việt Nam, cơn bão Saudel đang di chuyển vào biển Đông .
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật lên cấp 11.
Lũ lụt vượt đỉnh lịch sử liên hoàn chồng lên nhau, đang đày đọa người dân miền Trung, khiến hàng trăm ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, hàng vạn gia đình trắng tay.
Thế nhưng, khủng khiếp nhất vẫn là những cái chết tập thể do sạt núi, vùi lấp cả chục người cùng lúc... như 17 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3, 13 binh sĩ, công chức ở trạm kiểm lâm 67, Thừa Thiên-Huế và 22 quân nhân Đoàn 337 ở Hướng Hóa, Quảng Trị.
Đó là chưa kể những cảnh tang tóc khắp nơi mà nhà báo Võ Đắc Danh kể lại như sau: ”Ở Quảng Trị, gia đình 6 người hai vợ chồng bốn đứa con bị đất lở chết hết, trong đó người mẹ đang mang thai. Một đoàn 7 đi làm rẫy cũng ở Quảng Trị cũng bị đất ở chôn vùi hết 7 người. Chính quyền cử một đoàn 7 người đi cứu hộ bị đất lở chết 6 người.
Nhà văn Phan Thúy Hà tối 20/10 cũng chia sẻ cảnh tượng đau lòng tại Quảng Bình: “Ở một vùng ven đường quốc lộ, người cha chở hai đứa con trai 1 và 6 tuổi bị nước cuốn chết. Cha đặt nó trên đường cái quan không có chỗ nào chôn. Đâu cũng người chết. Không chết thì cũng dở sống dở chết. Đến tối 19/10 nước vẫn cao hơn 2.5 m so với mặt đường.”
Tổng quan tình hình cứu trợ hiện nay
This aerial view shows a flooded village in Quang Tri province, Vietnam. Source: AAP Image/Ho Cau/VNA via AP
Ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được 105 tỷ tính đến tối 20/10. Trong mấy ngày qua cô cũng đã thân chinh ra tận vùng lũ để cứu trợ.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đang vận động và làm cầu nối cứu trợ cho khu vực Huế.
Luật sư Ngô Anh Tuấn – luật sư biện hộ cho vụ án Đồng Tâm cũng đã đứng ra vận động cứu trợ.
Nhà báo Võ Đắc Danh đang kẹt ở Mỹ mùa COVID từ đầu năm nay cũng là một cầu nối. Ông là người quyên góp xây cầu cho các vùng xa từ vài năm nay.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng và cô Phương Ngô hiện cũng đang có mặt ở vùng Quảng Trị, Quảng Bình.
Đức Cha Nguyễn Thái Hợp ở Giáo phận Hà Tĩnh đứng ra nhận tiền đóng góp để cứu trợ. Hình ảnh trên trang Tin Mừng Cho Người Nghèo cho thấy Đức Cha ngồi trên thuyền đi cho đồ cứu trợ đồng bào.
Ngoài ra tại Sài Gòn có Cha Lê Xuân Lộc (Paul Lộc) của Dòng Chúa Cứu Thế cũng đứng ra vận động.
Thầy An Trú ở chùa Thiên Hưng (Huế) cùng nhóm "Có Mặt Cho Nhau" đi cứu trợ từ 5 ngày nay từ Huế ra Quảng Trị đến Quảng Bình.
Hòa thượng Thích Nguyên Lý của Chùa Từ Hiếu quận 8 Sài Gòn cũng đang vận động.
Nhiều tổ chức tại Sydney và Melbourne, Úc cũng đang vận động cứu trợ.
Chính quyền Việt Nam đối phó với lũ lụt như thế nào?
Theo báo Lao Động ngày 19/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định giao Bộ Tài chính xuất 4,000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để cấp miễn phí cho 4 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, mỗi tỉnh 1,000 tấn để cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ, đồng thời chỉ thị tạm cấp 500 tỉ đồng để hỗ trợ 5 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Không rõ số gạo và số tiền khiêm nhường này đã đến tay người dân hay chưa, nhưng cũng ngay trong ngày 19/10, Chính quyền Quảng Trị đã ra thông báo hỏa tốc rằng các nhóm cứu trợ phải thông qua họ, và dân chúng từ nay muốn nhận hàng cứu trợ cũng phải thông qua chính quyền.
Điều này khiến dân mạng ta thán: “62 tỷ hỗ trợ COVID-19 vẫn còn ở trên tivi mà nay chính quyền muốn gom luôn tiền cứu trợ bão lụt của dân chúng. Thật tội nghiệp người dân lũ lụt ở Quảng Trị khốn khổ!”
Trước đó, chính phủ đã thiết lập cả một Ủy ban Phòng chống bão lụt do một Phó thủ tướng đảm trách, đồng thời năm 2019, chính phủ đã dành khoảng 4.000 tỷ đồng cho Kho Dự Trữ Quốc Gia, trong đó Bộ Tài Chính quản lý gần 3/4 để mua sắm trang thiết bị và vật phẩm dự trữ cho những đợt thiên tai, dịch bệnh.
Thế nhưng việc cứu hộ chậm trễ và không hữu hiệu của chính phủ trong những ngày qua đã khiến người dân khốn đốn và thậm chí phải mất mạng vì không được sơ tán kịp thời, do thiếu các phương tiện và nhân lực cho việc di tản.
Cùng ngày 19/10, Ủy ban Nhân dân Hà Tĩnh ra văn bản báo động nguy cơ vỡ đập Kẻ Gỗ Hà Tĩnh và việc phải xả lũ. Toàn bộ văn bản chỉ đề cập đến việc bảo vệ công trình, không một dòng nói nào nhắc đến an nguy của người dân.
Vietnamese search and rescue personnel during an operation searching for missing people after landslides at a hydropower dam, in Hue, Vietnam. Source: AAP Image/EPA/STR VIETNAM OUT
Thay lời kết
Nhìn vào tình hình lũ lụt năm nay, nhà báo Nguyễn Đình Bổn nhận xét:
“Qua nhiều đợt cứu trợ, không nghi ngờ gì nữa, người Việt chúng ta, trừ những kẻ thuộc tầng lớp tha hóa, vẫn giữ trong tâm một tình yêu đồng bào sâu nặng. Không chỉ người có tiền, người ít tiền cũng góp công góp của vào việc cứu giúp những mảnh đời khốn khó khi gặp tai nạn, thiên tai.
“Nhưng tại sao họ có thể xông vào nơi hiểm nguy, bất kể sức khỏe tính mạng, hoặc sẵn sàng cho đi những đồng tiền ít ỏi của mình, nhưng họ lại ít khi nghĩ đến, nói lên khát vọng tự do cho bản thân, cho cộng đồng, cho dân tộc?
“Tôi thường xuyên suy nghĩ về điều này, đau buồn xiết bao cho một dân tộc thông minh, hào sảng lại phải chịu nhục nhằn. Phải chăng bởi vì yêu đồng loại là tình cảm tự nhiên, bản năng; còn yêu tự do, dám chết vì tự do thì cần phải học?
Còn Luật sư Trịnh Hữu Long, người đồng sáng lập trang Luật Khoa Tạp Chí với Phạm Đoan Trang đúc kết ra “Quy trình 6 bước ứng phó với lũ lụt Việt Nam” thì nhận định:
- Bước 1: Phá rừng
- Bước 2: Lũ về
- Bước 3: Huy động toàn dân chống lũ
- Bước 4: Kêu gọi toàn dân đóng góp
- Bước 5: Khen thưởng cán bộ
- Bước 6: Quay lại bước 1
Và có thể mượn câu nói đang lan truyền trên mạng xã hội để đúc kết về thiên tai lũ lụt tại Việt Nam như sau: “Lũ này còn thì năm nào cũng còn lũ.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại