Úc không được mời phát biểu tại Hội nghị Khí hậu LHQ

UN chief Antonio Guterres has urged action to avert a climate change ‘catastrophe’.

UN chief Antonio Guterres has urged action to avert a climate change ‘catastrophe’. Source: AAP

Trong số các nước mà Tổng thư ký Liên hiệp quốc hy vọng sẽ cam kết thêm cho việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ không có Úc. Các lãnh đạo thế giới đang tề tựu về New York sau khi có những số liệu mới cho thấy dấu hiệu và tác động của biến đổi khí hậu đang tăng tốc.


Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết tại cuộc họp thượng đỉnh, 60 quốc gia dự trù sẽ đưa ra những cam kết mới cho hành động đối phó với tình trạng ấm nóng của địa cầu.

"Cuộc họp thượng đỉnh sẽ giúp các nước hiểu rằng họ cần phải làm nhiều hơn những gì đang làm bởi vì chúng ta cần phải đánh bại biến đổi khí hậu khi mà nó đang qua mặt chúng ta. Chúng ta đã thấy hậu quả của những trận bão kinh khủng hơn, chúng ta thấy hậu quả của băng cực tan chảy, chúng ta thấy tình trạng sức khỏe của dân chúng đi xuống, chúng ta thấy hậu quả của những đợt nóng và những căn bệnh mới. Chúng ta cần có sự hợp tác toàn cầu để đánh bại biến đổi khí hậu."

Ông Guterres nói ông muốn thấy các nước hãy cam kết cho những mục tiêu cụ thể, như là tăng chỉ tiêu cắt giảm khí thải, chấm dứt xây dựng các nhà máy phát điện chạy bằng than đá.

"Chúng tôi muốn thấy có thêm các nước đến đây cam kết cho mục tiêu phi thải khí thải từ năm 2050, và cắt giảm khí thải nhiều nữa. Mục tiêu của chúng ta trong những năm tới là cắt giảm 45% khí thải. Các nước hãy đóng góp cho Quỹ Khí Hậu Xanh và 100 tỉ đôla chúng ta cần mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu."

Số liệu mới cho thấy những dấu hiệu và tác động của tình trạng ấm nóng địa cầu đang gia tăng tốc độ. Phúc trình của Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO cho thấy 5 năm từ 2014-2019 là những năm có nhiệt độ cao kỷ lục.

Tổ chức này cho biết nhiệt độ địa cầu đã tăng 1,1 độ C kể từ giai đoạn tiền kỹ nghệ, và từ nay đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ địa cầu có khuynh hướng sẽ tăng từ 2,9 đến 3,4 độ C.

Phó Tổng thứ ký LHQ, Amina Mohamed nói rằng thế giới cần gia tăng hết sức nỗ lực cắt giảm khí thải.

"Kế hoạch hiện nay của các nước không thấm tháp vào đâu để giới hạn nhiệt độ địa cầu dưới 2 độ. Thực ra với kế hoạch hiện nay nhiệt độ địa cầu sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn thế. Điều đó sẽ là thảm họa. Chúng ta không thể yên tâm dự đoán tương lai của nhân loại trong tình trạng này. Từ nay đến năm 2020 là thời điểm quan trọng. Đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta có thể thay đổi cục diện thế giới."

Phúc trình của WMO cũng cho biết trong khoảng 5 năm từ 2014-2019, mực nước biển đã tăng 5mm mỗi năm, so với chỉ có 3mm trong khoảng từ năm 1997-2006.

Leena Srivastava là phó tổng giám đốc phụ trách khoa học của Viện Nghiên cứu Khoa học Ứng dụng IIASA nói những số liệu mới rất đáng quan ngại.

"Chúng ta đang có nguy cơ vượt qua nhiều giới hạn quan trọng trong thái dương hệ. Và tôi nghĩ cộng đồng khoa học đã nhìn nhận rằng các tác động của biến đổi khí nghiêm trọng hơn và xảy đến nhanh hơn là những gì chúng ta dự đoán cách đây gần 10 năm trước."

Chủ tịch của Dự án Khí thải Toàn cầu, Rob Jackson, nói rằng lượng CO2 trên toàn cầu trong năm 2018 đã tăng khoảng 2,1 phần trăm, nhiều nhất trong khoảng 5 năm qua, và lượng khí thải ra trong năm nay 2019, dự đoán cũng sẽ nhiều cho dù thế giới đã bắt đầu khai thác các loại năng lượng tái sinh.

"Năng lượng tái sinh gia tăng trong 5 năm qua, vào khoảng 14%, tức gấp đôi trong vòng 5 năm qua, điều đó thật đáng kể khi giá thành hạ giảm và tốt cho môi trường. Nhưng năng lượng tái sinh vẫn chưa thay thế được năng lượng từ than đá. Chúng ta đưa vào một kỹ nghệ mới nhưng chúng vta cần phải kết hợp hiệu quả hơn để có thể đóng cửa các nhà máy chạy bằng than đá hoặc sẽ không xây dựng thêm nhà máy chạy bằng than đá nào nữa thì mới được."

Giáo sư Lesley Hughes từ Hội đồng Khí hậu Úc nói rằng những con số trong phúc trình của WMO thật đáng sơ cho nước Úc vì là một trong nước phát triển mong manh nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu.

"Queensland trước đây chưa bao giờ phải lo sợ cháy rừng, so với các tiểu bang ở miền nam. Vậy mà chúng ta đang thấy những đám cháy rừng lớn và không kiểm soát được ở Queensland trong vài tuần qua. Điều chưa từng xảy ra nữa là những đám cháy đang thiêu rụi những khu rừng nhiệt đới."

Giáo sư Hughes nói mực nước biển dâng cao sẽ tác động đến nhiều cơ sở hạ tầng ở Úc bởi vì dân chúng đa số sinh sống dọc theo duyên hải.

"Mực nước biển dân sẽ có 2 tác động. Đương nhiên là nó sẽ lấn dần vào đất liền, và đó là vấn đề lớn vì duyên hải của chúng ta thấp, và càng nghiêm trọng cho những hòn đảo thấp. Nhưng mực nước biển dâng sẽ khuếch đại sức tàn phá của bão, cho nên bao nhiêu nước dưới biển và trên trời sẽ đổ ập hết lên đất liền."

Giáo sư Huges nói thật xấu hổ khi Úc không được quyền phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh của LHQ về khí hậu vì là một trong những nước ủng hộ việc khai thác và sử dụng than đá.

"Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói ông chỉ muốn nước nào có kế hoạch cắt giảm khí thải thì mới được lên phát biểu. Úc không được mời phát biểu có nghĩa là cộng đồng quốc tế cũng biết Úc không có kế hoạch nào mới."

Ngoại trưởng Marise Payne sẽ đại diện Úc, còn Thủ tướng Scott Morrison mặc dù đang viếng thăm chính thức Hoa Kỳ nhưng sẽ không tham dự cuộc họp của Liên hiệp quốc.


Share