Cứ 26 người thì có một người mắc chứng động kinh.
Có khoảng 70 triệu người trên toàn thế giới mắc chứng bệnh này.
Giáo sư thần kinh học Patrick Kwan, từ Đại học Monash, nói rằng việc phát hiện ra tình trạng bệnh có thể là một cú sốc.
"Đối với nhiều người phát triển chứng động kinh, hoặc bị chẩn đoán mắc bệnh động kinh, đó là một trải nghiệm làm thay đổi cuộc sống. Họ không biết làm thế nào để cuộc sống trở lại bình thường."
Bản thân việc điều trị có thể là một chuyến tàu lượn siêu tốc cho bệnh nhân.
Cô Gail Williams là một y tá làm việc tại một tổ chức hỗ trợ có tên là Epilepsy Action Australia.
Bản thân cô cũng là một bệnh nhân, thử nhiều loại thuốc khác nhau trước khi tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với mình.
"Tôi là một y tá chuyên môn, nhưng cũng là một người mắc chứng động kinh khi trưởng thành. Tôi rất hiểu tác động đầu tiên của việc trải qua các chu kỳ thử nhiều loại thuốc khác nhau."
Cô Williams nói rằng bất kỳ quá trình thử và sai nào cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
"Khi bệnh nhân đang sử dụng thuốc và bị co giật liên tục, họ thường mất thời gian ở nơi làm việc, tăng chi phí mua thuốc và thiếu sự tham gia vào cộng đồng.
Chúng tôi thấy rằng bệnh nhân có thể khá lo lắng trong giao tiếp xã hội bởi vì họ cảm thấy mệt mỏi."
Giáo sư Kwan nói rằng cách tiếp cận ngẫu nhiên, theo kiểu vừa làm vừa đoán chính là điều mà các bác sĩ muốn tránh.
Ông vừa công bố kết quả của một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Neurology về một mô hình mới sử dụng trí thông minh nhân tạo để loại bỏ một số phỏng đoán.
"Những gì chúng tôi đã phát triển là một mô hình cho phép chúng tôi áp dụng phương pháp tiếp cận 'cá nhân hóa'."
Quy trình này tính đến các đặc điểm của bệnh nhân, sau đó mô hình có thể đưa ra dự đoán cơ hội bệnh nhân đáp ứng với một số loại thuốc khác nhau. Vì vậy, chúng tôi có thể có được loại thuốc phù hợp trong lần thử đầu tiên.
Mô hình sử dụng thông tin lâm sàng của dưới 1800 bệnh nhân trên khắp thế giới, tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe từ Úc, Malaysia, Trung Quốc và Anh quốc.
Phó giáo sư Zongyuan Ge đã dẫn đầu nhóm trí tuệ nhân tạo y tế của trường đại học trong cuộc nghiên cứu.
"Về cơ bản nó hoạt động bằng cách lấy đầu vào từ các báo cáo y tế lâm sàng và cả các biến số lâm sàng như tuổi, giới tính, tiền sử bệnh và cả những loại thuốc họ đã sử dụng trong vài năm qua. Chúng tôi cũng nhận được tín hiệu rằng loại thuốc này có tác dụng với nhóm bệnh nhân này hay không."
Giáo sư Kwan nói rằng họ đã có những kết quả đáng khích lệ cho đến nay.
Bước tiếp theo là thử nghiệm lâm sàng.
Điều đó sẽ bắt đầu vào năm tới nhờ khoản tài trợ 2,46 triệu đô la từ Hội đồng Nghiên cứu Y tế Sức khỏe Quốc gia.
"Đây sẽ là một nghiên cứu đa trung tâm trên tất cả sáu tiểu bang ở Úc, vì vậy nó rất thú vị. Tất cả các trung tâm điều trị động kinh lớn sẽ tham gia."
Các nhà nghiên cứu cảnh báo không nên coi công nghệ này là một giải pháp dễ dàng cho bệnh động kinh.
Việc phát triển trí thông minh nhân tạo để các bác sĩ sử dụng hiệu quả nhất có thể sẽ mất một thời gian.
Giáo sư Kwan nói rằng nó sẽ không bao giờ thay thế các bác sĩ chuyên khoa và lời khuyên y tế.
"Các nhà thần kinh học lo ngại rằng điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ của họ. Ý tưởng là nó có thể hoạt động như một công cụ hỗ trợ quyết định, để hỗ trợ các bác sĩ thần kinh đưa ra quyết định cùng với bệnh nhân."
Nhưng đối với các nhân viên y tế và những bệnh nhân cũ như Gail Williams, công nghệ này là một bước đi đúng hướng.
"Vẫn còn rất nhiều người ngoài kia không biết về các lựa chọn điều trị có sẵn cho bệnh động kinh. Vì vậy, chắc chắn việc nâng cao nhận thức sẽ mang lại lợi ích."
LISTEN TO
Sức khỏe là Vàng (74): Sức khỏe người cao niên
SBS Vietnamese
26/07/201716:05