Một lần nữa thế giới lại chú ý đến người Hồi giáo Uighur ở Trung Quốc, sau khi một phóng sự điều tra của BBC cáo buộc Trung Quốc đã tra tấn và hãm hiếp phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương.
Cô Terzohnai Diewooden đã không cầm được nước mắt khi kể cho phóng viên nghe cô bị nhiều quản giáo Trung Quốc hãm hiếp.
"Họ có 3 người, không phải 1 mà là 3 người đàn ông. Họ đã làm những gì bỉ ổi nhất và họ không chừa một khoảng trống da thịt nào trên cơ thể của tôi khiến tôi còn không dám nhìn vào những vết thương đó."
Dư luận thế giới đã cực lực lên tiếng với Anh và Mỹ dẫn đầu và những nước khác, kể cả Úc đã lên án những gì được tường thuật.
Nay một ủy ban điều tra độc lập sẽ xem xét 1,500 hồ sơ bằng chứng để xem Trung Quốc có phạm tội ác chống lại nhân loại hay không. Thương gia địa ốc Nicholas Vetch là một trong 8 thành viên của ủy ban điều tra thành lập tại Anh quốc.
"Chúng tôi không mặc định hay có thành kiến gì cả. Nhiệm vụ của chúng tôi là dựa trên những bằng chứng được cung cấp để đánh giá vấn đề."
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các cáo giác vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Năm ngoái cộng đồng người Uighur đã nhờ luật sư nhân quyền Geoffrey Nice tìm hiểu các cáo giác vi phạm nhân quyền kéo dài của Trung Quốc. Nay người luật sư nổi tiếng này là đồng chủ tọa của ủy ban điều tra độc lập.
"Chúng tôi dự trù gọi hơn 30 nhân chứng. Hai phần ba là nhân chứng trực tiếp kể cả các nạn nhân và những người cáo giác rằng họ là nạn nhân."
Chính phủ Anh đang chịu sức ép phải xem lại một đạo luật về lao động, qua đó cho phép chính phủ rút ra khỏi bất kỳ hiệp ước thương mại tự do với nước nào bị Tối Cao Pháp Viện phán quyết là phạm tội ác chống lại nhân loại.
Ông Nigel Adams, thứ trưởng ngoại giao đặc trách Á Châu cam kết chính phủ sẽ làm theo các khuyến nghị của ủy ban điều tra độc lập.
"Nếu về các biện pháp chôế tài chúng tôi đã các biện pháp thích hợp, và trực tiếp. Không ai nên hoài nghi về lập trường của Anh quốc trước những gì xảy ra ở Tân Cương. Chúng tôi đã cẩn thận cân nhắc thêm phản ứng của chúng tôi."
Trung Quốc đã áp đặt chế tài đối với các chính trị gia Mỹ sau khi cựu ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố rằng Trung Quốc phạm tội ác chống lại nhân loại, một quan điểm cũng được đương kiêm ngoại trưởng Anthony Blinken ủng hộ.
Các chính trị gia Mỹ bị chế tài vì theo Bắc Kinh họ gây ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc.
Thành viên Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Úc Nurgul Sawat, muốn thế giới có hành động thích ứng.
"Cộng cộng thế giới cần lên tiếng. Họ không thể giữ im lặng được nữa. Đứng yên im lặng nhìn những cảnh kinh khủng diễn ra ngày này qua ngày khác, thậm chí thêm người bị giết hại nữa, thì bạn cũng mang tội không khác gì những người gây ra tội ác đó."
Bà Sawat thúc giục các chính phủ nên áp đặt các biện pháp chế tài để trừng phạt Bắc Kinh.
"Hãy bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm cho tội ác này. Họ không thể được phép đàn áp không chỉ người Duy Ngô Nhĩ mà với các cộng đồng khác nữa như, Hồng Kông hay Tây Tạng. Chuyện này xảy ra đã khác lâu, bây giờ là lúc cần có hành động, hành động cứng rắn và thực tiễn."
Ủy ban điều tra độc lập ở Luân Đôn sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng Năm với các buổi điều trần chia làm hai đợt được tường trình trực tiếp trên mạng. Đợt thứ nhì diễn ra vào tháng Chín trước khi ủy ban đúc kết báo cáo vào cuối năm nay.