Có lẽ nhạc sĩ Phạm Duy nếu còn sống, ông cũng không nghĩ rằng bản nhạc Ngậm ngùi mà ông phổ thơ của nhạc sĩ Huy Cận lại có sức sống mãnh liệt và lay động tâm hồn của người yêu nhạc Việt đến thế (kể cả với giới trẻ Việt nam ngày nay).
Hai mươi năm sau ngày nhà thơ Cù huy Cận sáng tác bài thơ này, nhạc sĩ Phạm Duy mới mang bài thơ ra phổ nhạc và thoạt dầu cũng chỉ là sự rung động của một trái tim nhạy cảm với tình yêu đôi lứa vì trái tim của nhạc sĩ dường như cũng đang lạc nhịp bởi những bóng hồng trẻ trung xinh đẹp đang che mát cho con đường sáng tác âm nhạc của ông vào lúc này.
Thêm bốn mươi năm nữa để vào một ngày đẹp trời, nhà thơ và nhạc sĩ được trùng phùng, cuộc gặp dĩ nhiên là rất xúc động vì những thanh niên tài hoa năm nào, giờ đã trở thành những ông lão tóc bạc da mồi và lắm lúc theo vận nước nổi trôi đã thành đối địch của nhau ở hai bên bờ chiến tuyến.
Nắm tay nhạc sĩ, nhà thơ bùi ngùi cám tạ bản nhạc phổ thơ của mình rồi lặng theo dòng hồi tưởng của mình, Huy Cận khẽ khàng kể cho Phạm Duy về những mất mát của mình vì không được về nhà đưa tiễn em gái của mình ra đi vào lòng đất mẹ. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng vỡ òa xúc động và cũng đã kể cho nha thơ việc ông chọn giọng "oán" khi phổ nhạc bài thơ này như một "linh cảm" về những ẩn khuất trong "mối tình" mà nhà thơ đã gửi gắm vào những câu thơ "bàng bạc" và "man mác buồn" này.
Bài thơ lục bát "Ngậm ngùi" của thi sĩ Huy Cận mang hơi hướm của Đường thi thật xúc động và lấp lánh trong từng câu từng chữ, trong từng hình ảnh đẹp, gợi cảm mà "mênh mông" buồn. Mảnh vườn hoang lắng chìm trong bãi cát dài, lơ thơ những hàng dương liễu rũ buồn trong tiếng rì rào của những bãi bờ lao xao của một miền sơn cước vào một chiều hoen nắng.
Ắt hẳn những hình ảnh trong bài thơ như :.."Nắng chia nửa bãi""..xếp đôi lá rầu...","sợi buồn", "nghe nặng trái sầu rụng rơi..." đã mang lại một nỗi buồn khó tả trong lòng người yêu thơ huống hồ một nhạc sĩ tài hoa và có tâm hồn quá mẫn cảm, một trực giác bén nhạy như nhạc sĩ Phạm Duy... thì việc lựa chọn cung oán để đặt bài thơ này vào những giai điệu đồng điệu ẩn náu sâu thẳm trong tâm hồn của nhạc sĩ cũng giống như việc nhà nông đã cần mẫn chọn giống, ươm mầm rồi cày xới chăm bón chuẩn bị đất để đươc một mùa vụ bội thu vào mùa đến.
Giai điệu của bản nhạc Ngậm ngùi có lẽ là một trong những bản nhạc mà nhạc sĩ Phạm Duy ít phải dụng công nhất căn bản là vì trong tâm hồn của nhạc sĩ Phạm Duy dường như đã có sẵn một mỏ ca dao và lục bát thấm sâu và quyện chặc trong đó, vì thế với bài thơ lục bát tha thiết và tuyệt vời này của Huy Cận thì bản nhạc Ngậm ngùi của Phạm Duy phổ thơ dĩ nhiên sẽ cho cây lành trái ngọt và thời gian chỉ còn làm một nhiệm vụ là minh chứng cho nhận định đó.