Victoria sẽ là nơi đầu tiên trên thế giới loại bỏ hoàn toàn ung thư cổ tử cung

Close up of cancer cells in the cervix

Close up of cancer cells in the cervix Source: Getty

Một nghiên cứu mới công bố cho thấy tỷ lệ của căn bệnh gây tử vong cao này đã giảm gần phần nửa trong 40 năm qua nhờ vào sự hiệu quả chương trình tầm soát và chích ngừa. Nghiên cứu cho thấy trong vòng 10 năm tới, Victoria có thể xóa sổ hoàn toàn căn bệnh này.


Cách đây 10 năm Philipa Ross được chẩn đoán là bị ung thư cổ tử cung ở dạng hiếm, lúc đó cô Philipa nghĩ rằng mình sẽ mất khả năng sinh nở.

"Khi nghe kết quả chẩn đoán thì trong tôi tất cả chỉ còn câu hỏi "tôi còn có khả năng có con không?" Với tôi lúc đó tôi sống sót mà không thể sinh con thì không còn mấy ý nghĩa.”

Lúc đó là cô 33 tuổi, và những cuộc hóa trị và xạ trị khiến cô không còn khả năng thụ thai.

Nhờ gởi trứng và mô buồng trứng vào ngân hàng mô đông lạnh, cô có được một đứa con trai qua người mang thai hộ.

Cô Ross nói viễn cảnh loại bỏ hoàn toàn ung thư cổ tử cung giúp nhiều người tránh được những khổ nạn từ căn bệnh này thật là một điều tuyệt vời.

"Cách nay 10 năm tôi được chẩn đoán mình bị ung thư cổ tử cung, kể từ đó cứ mỗi năm qua tôi lại mừng vì mình sạch mầm ung thư thêm một năm nữa và năm nay là năm thứ 10. Vì vậy, nghĩ tới viễn cảnh trong 10 năm tới Victoria hoàn toàn loại bỏ ung thư cổ tử cung thì thật là một cảm giác tuyệt vời.”

Một nghiên cứu mới từ Hội Đồng Ung thư cho thấy đó là tương lai rất khả thi của người dân Victorians mà họ không cần phải tưởng tượng để mơ ước.

Tỷ lệ ung thư cổ tử cung tại tiểu bang đã giảm đến 48%, gần một nữa tính từ năm 1982 cụ thể cứ 100 ngàn người chẩn đóan thì chỉ có 4.8 người bị so với trước đây là 9.4 người.

Giám đốcĐiều hành Hội Đồng Ung thư Úc Todd Harper nói rằng ung thư cổ tử cung hiện nay được coi như một dạng hiếm của ung thư nói chung, và vì vậy nó có thể sớm bị loại bỏ khỏi vấn đề sức khỏe cộng đồng.

"Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi đã đầu tư tốt cho các chiế n dịch ngăn ngừa, chương trình tầm soát sớm cũng như chích ngừa nhờ vậy mà chúng ta mới có được kết quả đáng khích lệ như ngày hôm nay.”

Dự báo cũng cho thấy tiểu bang Victoria đang đi đúng hướng với lộ trình của Tổ Chức Y Tế Thế giới về loại bỏ căn bệnh ung thư cổ tử cung vào năm 2030.

"Với thành công hiện nay của Victoria có thể thấy trước rằng trong tương lai thành tích này sẽ tiếp tục. Chúng tôi muốn mình chính thức trở thành nơi đầu tiên trên thế giới hoàn toàn loại bỏ ung thư cổ tử cung và tôi nghĩ chúng tôi có thể làm được điều đó.”

Tiến trình này nằm trong chương trình chích ngừa papillomavirus (HPV) .

Papillomavirus gọi tắt là HPV là loại virus ẩn chứa trong DNA có thể gây nên các khối u hay mụn cóc. Ung thư cổ tử cung gây nên bởi loại virus HPV này.

Thuốc chủng ngừa loại virus này đã được tiêm cho các học sinh lớp bảy cả nam và nữ trong các trường phổ thông nhằm ngăn ngừa các em nhiễm phải hay truyền cho người khác.

Tuy nhiên tiến trình này hiện đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Rất nhiều học sinh trung học chưa nhận được mũi chích ngừa HPV vaccine thứ hai và tỷ lệ khám tầm soát ung thư thường kỳ cũng đã giảm hẳn.

Sue Evans, Giám đốc trung tâm ghi nhận ung thư Victroria (Victorian Cancer Registry) nói rằng tỷ lệ xét nghiệm ung thư đã giảm đến 13% trong thời gian đại dịch.

"Đó là một con số đáng báo động, sự sụt giảm này cho thấy nhiều người đã không đi tái khám thường kỳ. Và điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là hậu quả kéo theo của nó là tái phát bệnh và khả năng sống sót khó hơn.”

Mặc dù có những tiến bộ trong việc giảm thiểu ung thư cổ tử cung trong cộng đồng, nhưng Hội đồng Ung thư cho biết người bản địa và một số phụ nữ nhập cư chiếm tỷ lệ cao trong số liệu thống kê.

Người Thổ dân ở Victoria có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao gấp đôi, trong khi phụ nữ sinh ra ở khu vực Thái Bình Dương, Vương quốc Anh và Ireland, một số vùng của Châu Âu và Đông Bắc Á cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với các giống dân khác sống tại tiểu bang.

Giám đốc Trung tâm Tầm soát của Hội đồng Ung thư Kate Broun cho biết việc thiếu nhận thức về chuyện đi tầm soát cùng với một số rào cản văn hóa dẫn tới nhiều trường hợp sẽ khi được phát hiện là đã quá muộn.

"Đó là một dạng làm sinh thiết, cách làm khá nhanh và dễ dàng tuy nhiên do rào cản văn hóa một số nhóm dân ngần ngại đi thử. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải làm việc rất chặt chẽ với các dịch vụ xét nghiệm để bảo đảm có sự thông hiểu về văn hóa và để sự ngộ nhận không trở thành rào cản khiến người ta không chịu đi kiểm tra.”

Hôm nay tỷ lệ những người sống sót khỏi căn bệnh ung cổ tử cung thư sau 5 năm đã lên xấp xỉ 70% tăng thêm 2% so với năm năm trước đó.

Điều này có nghiã rằng các bệnh nhân sống sót khỏi căn bệnh ung thư có thể hoạch định một tương lai và cuộc sống gia đình sau khi điều trị.


Share