Dân chúng Úc đã mất hơn 480 triệu đô la vì các vụ lừa đảo chỉ trong một năm, với số lượng khiếu nại tăng vọt, nhưng tác động tài chính tổng thể lại giảm.
Dịch vụ Scamwatch của Ủy ban về Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) đã nhận được 301,791 báo cáo lừa đảo trong năm 2023 (tăng 26% so với năm 2022), với tổng thiệt hại tài chính là 480.7 triệu đô la, giảm so với 569 triệu đô la của năm trước.
Dưới đây là một số vụ lừa đảo gây ảnh hưởng nặng nề nhất.
Lừa đảo việc làm lan tràn nhanh nhất
Scamwatch đã nhận được 4,824 báo cáo liên quan đến lừa đảo việc làm vào năm ngoái.
Thiệt hại tài chính lên tới 24.7 triệu đô la - tăng gần 155% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến nó trở thành loại hình lừa đảo lan tràn nhanh nhất vào năm 2023.
Scamwatch phát hiện ra rằng những người Úc trẻ tuổi, bao gồm cả sinh viên đang tìm việc làm bán thời gian và những người có nguồn gốc văn hóa và ngôn ngữ đa dạng, bao gồm cả những người không giữ visa thường trú, bị chiêu trò gian lận này lừa gạt nhiều hơn.
Nạn nhân có thể phản hồi các quảng cáo việc làm giả mạo trên mạng xã hội, khiến những kẻ lừa đảo liên lạc được với họ thông qua các ứng dụng được mã hóa như WhatsApp.
“Trò lừa đảo này hoạt động tương tự như một trò chơi trực tuyến, các nạn nhân báo cáo rằng họ bị ép phải tự bỏ ra số tiền vốn ban đầu cùng với các khoản thanh toán liên tục để được ‘lên cấp’ và nhận được thu nhập cao hơn, nhưng họ không bao giờ nhận được”. Phó Chủ tịch ACCC Catriona Lowe cho biết vào tháng 1.
"Nếu bạn nhìn thấy một quảng cáo trên mạng xã hội hứa hẹn thu nhập được bảo đảm và giờ làm việc linh hoạt, hoặc nếu bạn được liên hệ bất ngờ trên WhatsApp về cơ hội việc làm, hãy tự hỏi liệu đó có phải là một trò lừa đảo không."
Lừa đảo đầu tư
Tuy có ít báo cáo hơn (8,161 báo cáo) về các vụ lừa đảo đầu tư, Scamwatch nhận thấy rằng loại lừa đảo này gây ra khoản lỗ lớn nhất ở mức 293,2 triệu đô la (giảm 7,4% so với năm trước).
Thủ phạm của những trò lừa đảo này có thể dụ dỗ nạn nhân bằng những quảng cáo giả mạo hoặc những câu chuyện tin tức tuyên bố một người nổi tiếng ủng hộ một kế hoạch cụ thể có thể giúp họ kiếm được số tiền lớn.
Theo Scamwatch, nạn nhân có thể bị dẫn dụ nói chuyện với một cố vấn, người tuyên bố rằng họ không cần giấy phép dịch vụ tài chính của Úc và người này có thể cố gắng sử dụng các chiến thuật gây áp lực cao để khiến nạn nhân phải hành động.
Trang web Moneysmart của chính phủ liên bang cảnh báo những kẻ lừa đảo có thể nói rằng họ đang mang lại lợi nhuận đầu tư nhanh chóng và được bảo đảm, giao dịch ngoại tệ hoặc không có rủi ro, cùng những thứ khác.
Lừa đảo giả mạo
Có gần 109,000 báo cáo về lừa đảo liên quan đến các vụ giả mạo vào năm ngoái, với số tiền thiệt hại lên tới 26.1 triệu đô la (tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Các vụ lừa đảo này có thể ở dạng tin nhắn văn bản hoặc email, từ kẻ lừa đảo giả dạng một doanh nghiệp hợp pháp, nhằm cố gắng lấy thông tin nhận dạng hoặc tài chính của nạn nhân.
Mục tiêu của kiểu lừa đảo này là đánh cắp thông tin cá nhân để kẻ xấu có đủ thông tin truy cập vào tài khoản ngân hàng, tài khoản hưu bổng hoặc có thể mở tài khoản dưới tên của nạn nhân.
Còn trò lừa đảo nào khác?
Thiệt hại liên quan đến các vụ lừa đảo hẹn hò lãng mạn đã giảm 15%, xuống còn 34.4 triệu đô la, trong đó Scamwatch nhận được hơn 3,650 báo cáo.
Có 39,586 báo cáo về các vụ lừa đảo thanh toán, khi nạn nhân bất ngờ nhận được hóa đơn phải trả cho hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ chưa bao giờ đặt hàng hoặc trải nghiệm. Loại lừa đảo này gây thiệt hại lên tới 28 triệu đô la - tăng 12.8%.
Và có gần 9,000 báo cáo liên quan đến lừa đảo truy cập từ xa, khi nạn nhân bất ngờ bị kẻ lừa đảo liên lạc qua email, tin nhắn, hoặc phổ biến nhất là điện thoại. Kẻ lừa đảo sẽ tự nhận là từ một doanh nghiệp hoặc đại lý uy tín, dụ dỗ nạn nhân cho chúng truy cập máy tính từ xa, dẫn dắt nạn nhân trả tiền hoặc cài đặt phần mềm độc hại và đánh cắp danh tính của nạn nhân.
Tổng thiệt hại do kiểu lừa đảo từ xa gây ra trong năm 2023 là 15.6 triệu đô la (giảm khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái).