Đối với nhiều người Úc, các tiệm bán đồ cũ, hay còn gọi là “op shop”, là nơi để quyên góp các mặt hàng từ thiện, cũng như tìm kiếm các món đồ còn xài được với giá hời.
Nhưng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, ngay cả các cửa hàng này cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về mức giá “quá cao”.
Trong một video thu hút hơn 39.000 lượt thích và 1.200 bình luận trên TikTok, một người dùng mạng xã hội này đã nói rằng:
“Với trào lưu mua đồ cũ ngày càng trở nên phổ biến, một số sản phẩm đang được bán với giá nực cười.
“Mặc dù [những chiếc áo khoác lông thú này] trông rất đẹp và vẫn còn tốt, nhưng tôi không hiểu tại sao chúng lại được bán với giá từ $200 đến $300.
“Để tôi nhắc cho bạn nhớ, các cửa hàng bán đồ từ thiện không phải trả bất kỳ chi phí nào để có được những món hàng này.”
Thế nhưng lời chỉ trích trên có hợp lý hay không?
LISTEN TO
Op Shop: Cửa hàng đồ cũ, giá hời đang thay đổi cuộc đời của người Úc
SBS Vietnamese
14/08/201906:09
Đại diện của một số cửa hàng từ thiện lớn nói với SBS News rằng giá trung bình của các mặt hàng của họ vẫn ở mức thấp.
Một phát ngôn nhân của Hội Hồng thập tự Úc, với 162 cửa hàng trên khắp cả nước, cho biết họ “phụ thuộc vào lòng hảo tâm của các nhà tài trợ, những người cung cấp cho chúng tôi những sản phẩm chất lượng mà họ mong muốn có mức giá hợp lý”.
“Chúng tôi tôn trọng ý muốn hỗ trợ Hội Hồng thập tự của họ, đồng thời làm hài lòng các khách hàng của chúng tôi bằng những sản phẩm có giá tốt.”
Mức giá trung bình của mỗi mặt hàng tại đây là $8,58, và doanh thu của các cửa hàng sẽ được dùng để hỗ trợ Hội Hồng thập tự Úc “thực hiện các chương trình nhân đạo của mình”.
The customer base at Salvos Stores has shifted over the years as the "stigma" around shopping second-hand has dissipated. Source: AAP / AAP
“Có rất nhiều căng thẳng tài chính đang xảy ra trong cộng đồng tại Úc, và dĩ nhiên, các tổ chức từ thiện cũng phải đối mặt trực tiếp với điều đó,” ông nói.
“Bạn biết đấy, tiền thuê nhà của chúng tôi tăng lên, chi phí xử lý rác thải của chúng tôi tăng lên, tất cả những thứ cần thiết để vận hành doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực.”
Ông Davis nói rằng mặc dù giá của một mặt hàng trung bình được mua tại các của hàng Salvos Stores vẫn được duy trì ở mức thấp trong nhiều năm – khoảng $5 – nhưng “người mua hàng hoàn toàn đúng khi nhận thấy rằng một số sản phẩm đã có giá cao hơn”.
“Nếu có một mặt hàng thực sự đáng giá, thì chúng tôi sẽ đưa ra mức giá cao hơn để hỗ trợ hoạt động từ thiện,” ông nói.
Trước đây, việc mua đồ từ một cửa hàng op shop là điều mà mọi người tránh đề cập tới, nhưng điều đó đã thay đổi.
“Bây giờ chúng tôi biết rằng 95% khách hàng của chúng tôi có đủ khả năng mua sắm đồ mới, nhưng họ chọn mua đồ cũ vì lý do đạo đức, môi trường, và tác động xã hội,” ông nói.
“Vì vậy, chúng tôi có các nhóm khách đa dạng hơn, và có khả năng tuyệt vời để gây quỹ cho các sứ mệnh từ thiện.”
Ông Davis khẳng định Salvation Army vẫn “cam kết giúp đỡ những người đang gặp khó khăn”, và mỗi năm đều trao tặng miễn phí số sản phẩm trị giá 3 triệu đô la.
Cô Leeyong đã mua đồ cũ trong 30 năm và vẫn còn yêu thích điều đó
Cô Leeyong Soo, một người đam mê thời trang tái chế, đã mua sắm tại các cửa hàng đồ cũ trong hơn ba thập niên.
Bí quyết săn được những “món hời” của cô là ghé thăm những cửa hàng này một cách thường xuyên. Mỗi tuần cô thường đi đến 4 cửa hàng đồ cũ.
Cô nói rằng các cửa hàng nhỏ và do tư nhân điều hành nằm ở vùng ngoại ô thường có nhiều món hời hơn.
Cô Soo thường đăng lên Instagram những món quần áo cũ do cô mua về và sửa sang lại.
“Tôi thích chia sẻ những thứ khác biệt không có ở các cửa hàng bình thường. Vì tôi biết phong cách của mình không dành cho tất cả mọi người,” cô nói.
Leeyong Soo has been obsessed with op shops since she was in high school. Credit: Leeyong Soo/Supplied
“Tôi để ý thấy các cửa hàng đã tăng giá trong nhiều năm. Tôi không nghĩ chuyện đó chỉ mới xảy ra gần đây,” cô nói.
“Tôi nghĩ ban đầu các cửa hàng này được mở ra để phục vụ những người không có đủ tiền và họ phải vào đó để mua quần áo. Đó là khi có sự kỳ thị về việc mua sắm tại các cửa hàng đồ cũ, bởi vì thật xấu hổ khi phải vào một cửa hàng op shop và mua quần áo cũ. Trong khi đó, bây giờ, tôi không nghĩ có bất kỳ sự kỳ thị nào đối với việc mua sắm đồ cũ như trước đây.
“Chắc chắn có một số cửa hàng mà tôi hiếm khi bước chân vào, bởi vì chúng trông giống như những cửa hàng bình thường, và tôi không hứng thú với điều đó.
“Tôi thích lục lọi. Tôi thích sự lộn xộn, ngẫu nhiên và những cửa hàng đó có lẽ là lựa chọn hoàn hảo cho những người không thường mua sắm ở các cửa hàng đồ cũ, tôi cho là như vậy.”
Niềm yêu thích kéo dài hàng thập niên của cô Soo đối với các cửa hàng bán đồ từ thiện được thúc đẩy bởi cảm giác hồi hộp khi “tìm thấy thứ gì đó thực sự thú vị với giá rẻ”, đồng thời ủng hộ hoạt động từ thiện và “hạn chế việc vứt bỏ mọi thứ”.
“Bạn không biết mình sẽ tìm thấy gì. Tôi nghĩ đó có lẽ là điều hấp dẫn tôi nhất,” cô nói.