Một nghiên cứu gần đây của Choice phát hiện rằng, người tiêu thụ sẽ khó biết được sản phẩm nào có lợi cho sức khỏe của họ hơn, khi không có hệ thống xếp hạng ngôi sao sức khỏe (Health Star Rating – HSR).
Tổ chức này hiện kêu gọi chính phủ bắt buộc các nhà sản xuất thực phẩm đóng hộp phải gắn sao cho tất cả sản phẩm của mình.
“Chúng tôi phát hiện rằng các ngôi sao sức khỏe giúp mọi người dễ dàng lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn, và khi một số sản phẩm có gắn sao còn một số sản phẩm khác lại không, thì điều này sẽ khiến cho người tiêu thụ bối rối,” bà Linda Przhedetsky thuộc Choice cho biết.
Một trong những sản phẩm được chọn để tham gia nghiên cứu này là thanh ngũ cốc Carmen's Oat Slice. Mặc dù không có nhãn dán ngôi sao sức khỏe, nhưng khi đánh giá theo các tiêu chuẩn công nghiệp, thì sản phẩm này chỉ xếp hạng 1,5 sao trên tổng số 5 sao.
Khi những người tiêu thụ nhìn thấy nhãn dán này, chỉ 41% cho rằng Oat Slice là một sản phẩm tốt cho sức khỏe. Nhưng khi loại bỏ nhãn dán, con số này đã tăng lên gần 75%.
Tương tự với sản phẩm bánh gạo hiệu Table of Plenty. Theo HSR, sản phẩm này chỉ được xếp 1 sao. Nhưng khi loại bỏ xếp hạng ngôi sao sức khỏe, có đến 43% người tiêu thụ bị đánh lừa.
Nhìn chung, khi không có xếp hạng ngôi sao sức khỏe, hai phần ba người tiêu thụ chỉ biết tin vào lời quảng cáo của nhà sản xuất mà thôi.
Theo bà Przhedetsky, điều này cho thấy hệ thống xếp hạng ngôi sao sức khỏe là rất quan trọng đối với người tiêu thụ.
Ngôi sao sức khỏe là cách nhanh chóng và dễ dàng để biết được một sản phẩm có lợi cho sức khỏe như thế nào.
“Dĩ nhiên còn có bảng thông tin dinh dưỡng ở mặt sau sản phẩm, nhưng nếu bạn không có thời gian, hoặc muốn so sánh nhanh chóng các sản phẩm với nhau, thì ngôi sao sức khỏe là một cách rất tốt để làm điều này.”
Chỉ có 30% sản phẩm tại Úc được xếp hạng ngôi sao sức khỏe
Source: AAP
Các sản phẩm được đánh giá từ nửa sao đến 5 sao, tùy thuộc vào lượng chất dinh dưỡng cũng như các yếu tố rủi ro cho sức khỏe.
Những sản phẩm chứa nhiều năng lượng, chất béo bão hòa, đường và muối sẽ bị trừ điểm, trong khi những sản phẩm chứa nhiều rau quả, chất đạm và chất xơ sẽ được chấm điểm cao.
Theo tổ chức Choice, có đến 3/4 người sử dụng hệ thống xếp hạng ngôi sao sức khỏe tin tưởng vào hệ thống này.
Hệ thống Health Star Rating hiện có mặt trên 30% thực phẩm đóng hộp, nhưng một bản dự thảo đánh giá hệ thống này hiện khuyến nghị gắn sao cho 70% sản phẩm trước năm 2023.
Choice thậm chí còn muốn Chính phủ đi xa hơn nữa. Bà Przhedetsky nói:
Chúng tôi muốn hệ thống ngôi sao sức khỏe trở thành bắt buộc, bởi vì hiện nay không có động cơ thực sự nào để các nhà sản xuất gắn sao cho sản phẩm của họ, và không có hậu quả nào nếu họ không làm vậy.
Các bộ trưởng y tế và nông nghiệp từ các tiểu bang, lãnh thổ và New Zealand sẽ họp vào thứ Sáu tuần này với Chính phủ Liên bang trong một diễn đàn về quản lý thực phẩm, và đưa ra quyết định chính thức về hệ thống xếp hạng ngôi sao sức khỏe.
Hội đồng Thực phẩm và Tạp hóa Úc (AFGC) bác bỏ lời cáo buộc rằng các công ty đang “gian lận” hệ thống này.
Giám đốc điều này Tanya Barden cho rằng còn quá sớm để bắt buộc dán nhãn ngôi sao sức khỏe cho mọi sản phẩm.
“Mặc dù AFGC ủng hộ mục tiêu 70% về mặt nguyên tắc, cần phải có sự rõ ràng hơn về việc những loại sản phẩm đóng hộp nào sẽ được bao gồm,” bà nói.
“Chẳng hạn, việc đánh giá các sản phẩm như trà, vốn không có giá trị dinh dưỡng, là hoàn toàn vô nghĩa.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại