Key Points
- Một YouTuber người Úc chuyên đi “lục thùng rác” nhận thấy ngày càng có nhiều người tìm kiếm đồ ăn thừa trong thùng rác của các siêu thị.
- Ông Brenden Rikihana lấy phần lớn thức ăn và một số đồ dùng trong nhà từ thùng rác.
- Ông cũng quyên góp thực phẩm thu gom được cho các tổ chức từ thiện.
Ông Brenden Rikihana là một người chuyên thu gom thức ăn thừa từ các thùng rác bên ngoài siêu thị tại Perth, và là người sở hữu kênh truyền thông xã hội Bin Living with Big B.
Kể từ khi , ông đã nhận thấy sự gia tăng số người tìm kiếm thức ăn thừa trong các thùng rác của siêu thị, đặc biệt là phụ nữ.
“Trong sáu tháng qua, số người đi lục thùng rác đã tăng vọt,” ông nói.
Mặc dù ông thừa nhận một số người có thể đã xem các video của ông và quyết định đi lục thùng rác để tìm vận may, nhưng với nhiều người thì họ không còn lựa chọn nào khác.
“Những người lao động nghèo, đang gặp khó khăn và vẫn có việc làm, thậm chí có thể hết tiền trước kỳ lương tiếp theo. Vì vậy, tôi thấy ngày càng có nhiều người trong số này đi lục thùng rác,” ông nói.
“Giờ đây, việc lục thùng rác đã trở thành một nguồn thực phẩm thực sự.”
Brenden Rikihana shares his dumpster diving exploits on his 'Bin Living with Big B' social media accounts. Source: Supplied / Facebook via Bin Living with Big B.
Ông thường chuyển đồ ăn cho những người cao tuổi và các gia đình tại địa phương, và nói rằng họ rất biết ơn và cảm thấy nhẹ nhõm khi giảm bớt được một chút áp lực tài chính.
Ông cũng quyên góp thực phẩm cho một nhà thờ để làm từ thiện, và đã từng đóng góp cho Foodbank trong quá khứ.
Những vật phẩm “còn xài được” từ thùng rác
Bên cạnh thức ăn, ông Rikihana thường tìm thấy đồ chơi, đồ dùng nhà bếp và đồ nội thất bị vứt bỏ.
Sau mỗi chuyến đi lục thùng rác, ông thường trở về nhà với một xe ô tô chất đầy các mặt hàng thực phẩm, nhiều món trong số đó vẫn còn hạn sử dụng và còn nguyên bao bì.
Các thức ăn ông lấy được bao gồm bánh mì, sô cô la, nước ngọt, nho, táo, hạt hạnh nhân, khoai tây chiên, sữa chua và thịt nguội.
Ông thường bỏ qua thịt gà và hải sản, nhưng sẽ lấy thịt heo và thịt bò nếu bắt gặp.
Đối với thực phẩm quyên góp cho từ thiện, ông luôn bảo đảm rằng chúng vẫn còn hạn sử dụng.
Vì sao ông Rikihana quyết định “lục thùng rác”?
Khi làm việc trong ngành nhà hàng khách sạn, ông Rikihana đã rất ngạc nhiên về lượng thức ăn mà ông thường xuyên được yêu cầu vứt bỏ.
Ông biết rằng những thực phẩm đó vẫn an toàn để ăn – chỉ là không đạt tiêu chuẩn của nhà hàng mà thôi.
“Vì vậy, tôi không đổ tất cả thức ăn ra ngoài, mà chỉ đặt nó vào trong thùng rác,” ông nói.
Sau ca làm việc, ông Rikihana quay lại lấy thức ăn và bắt đầu tìm kiếm các thùng rác khác trong khu vực.
Sở thích “lục thùng rác” của ông cũng bắt đầu từ đó.
Việc lấy đồ từ thùng rác siêu thị có hợp pháp không?
Những người thực hiện hành vi “lục thùng rác” có thể bị xem là “xâm phạm tài sản tư nhân”, hay thậm chí là “trộm cắp”.
Thế nhưng ông Rikihana nói rằng cảnh sát có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết hơn là “cảnh cáo ai đó vì lấy đồ từ thùng rác”.
Ông thường nhắm vào những thùng rác ở khu vực công cộng, và thường đi vào ban đêm để tránh gặp mặt nhân viên.
Ông Rikihana cho biết ông chưa bao giờ gặp vấn đề gì với lực lượng thực thi pháp luật, và luôn giữ thái độ tôn trọng khi gặp cảnh sát hoặc nhân viên bảo vệ.
“Tôi đã gặp cảnh sát rất nhiều lần, tất cả đều rất dễ chịu và chuyên nghiệp, họ còn biết tên tôi nữa,” ông nói.
“Tôi nói với họ chính xác những gì tôi đang làm, tôi mang theo một cái đèn rất sáng và đôi khi mặc áo dạ quang, vì vậy tôi không hề cố tỏ ra lén lút.”