Khoảng 15% phụ huynh được phỏng vấn bởi Trung tâm Castan về Luật Nhân quyền của Đại học Monash nói rằng, họ gặp khó khăn khi đăng ký cho con em của mình vào học tại một trường công ở Victoria.
Một tỉ lệ tương tự cho biết họ bị gây áp lực phải xin thôi học cho con em của mình, ngay cả khi đã được trường nhận vào trước đó.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên các cuộc phỏng vấn với gần 100 phụ huynh, học sinh, giáo viên và nhiều người khác.
Kết quả cho thấy nhiều lãnh đạo nhà trường đã không khuyến khích phụ huynh đăng ký cho con em bị khuyết tật của mình vào học, với lý do là nhà trường không phù hợp với các em, hoặc không có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của các học sinh này.
Điều này thường xuyên diễn ra mà không có bất kỳ sự phân tích kỹ lưỡng nào về các nhu cầu của đứa trẻ, cũng như những thay đổi hợp lý mà nhà trường có thể đề ra.
Bản phúc trình cũng tiết lộ rằng, ngay cả khi nhập học, nhiều học sinh khuyết tật cũng không nhận được những điều chỉnh thích hợp cho bài học của mình. Thay vào đó, các giáo viên chỉ giao cho họ những bài tập đơn giản đến mức ngô nghê.
“Một trong những thân chủ của tôi đang theo học trung học, và trong khi cả lớp tìm hiểu về lịch sử thời Trung cổ, giáo viên lại yêu cầu thân chủ của tôi xây mô hình lâu đài với những chiếc que kem,” một nhà hoạt động vì người khuyết tật cho biết.
Nhà hoạt động này nói thêm là thân chủ của họ bị mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn ngôn ngữ nghiêm trọng, nhưng là một đứa trẻ khá thông minh. “Và sau đó, trong giờ Địa lý, khi mọi người học giáo trình địa lý, thì thân chủ của tôi lại được yêu cầu tô màu các quốc gia bằng bút chì màu.”
Các nhà nghiên cứu cho biết, nhiều vấn đề xuất phát từ các sai sót trong chương trình tài trợ. Theo một đánh giá năm 2016, trong khi 15% học sinh tại Victoria cần được hỗ trợ do khuyết tật, thì chỉ có 4% học sinh nhận được tài trợ từ chính phủ.
Source: NSW Government
Áp lực từ nhà trường
Nhiều phụ huynh cũng tiết lộ với nhóm nghiên cứu rằng họ bị nhà trường gây áp lực phải tự chi trả các hỗ trợ cho con của mình.
Một người mẹ tên là Jemma kể rằng trong thời gian chờ đợi con bà hội đủ điều kiện để nhận tài trợ chính phủ, “tôi cảm thấy một mặc cảm tội lỗi và áp lực to lớn từ nhà trường bởi các nhu cầu của con tôi khiến cho nhà trường phải tốn tiền.”
Một người mẹ khác là Mel Spencer có ba đứa con bị mắc chứng tự kỷ, nói rằng bà phải tự trả tiền điều trị và các hỗ trợ khác cho đứa con trai đang đi học tại trường công.
“Khả năng nhận thức của con trai tôi quá cao so với trường dành cho trẻ tự kỷ, nhưng lại không hội đủ tiêu chuẩn để nhận tài trợ trong các trường công lập, vì thế chúng tôi phải tự bỏ ra một khoản tiền lớn để gửi con đi học,” bà Spencer nói.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh phản ảnh rằng con cái của họ đã bị cô lập khỏi các bạn cùng lớp, chẳng hạn như bị xếp chỗ ngồi ở một khu vực riêng trong lớp hoặc ở một căn phòng khác.
Giám đốc Trung tâm Castan, bà Sarah Joseph, cho biết mặc dù chính phủ Victoria đã có những tiến bộ trong những năm gần đây liên quan đến việc cải thiện kết quả học tập cho học sinh khuyết tật, họ tiếp tục đối mặt với những trở ngại và có khả năng vi phạm quyền trẻ em theo luật nhân quyền và luật chống phân biệt đối xử của Khối thịnh vượng chung.
“Trẻ em khuyết tật có quyền tiếp cận một nền giáo dục chất lượng giống như những người bạn không khuyết tật của chúng,” Giáo sư Joseph nói.
“Chính phủ Victoria — và các trường công lập — chịu trách nhiệm pháp lý về việc thực thi các quyền này — thế nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hệ thống giáo dục thường xuyên khiến cho các học sinh và phụ huynh phải thất vọng.”
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chính phủ từ lâu đã giao phó trách nhiệm cho các trường học về vấn đề giáo dục đặc biệt, và không đặt ra bất kỳ hậu quả nào nếu các trường không đáp ứng nghĩa vụ của mình.
“Chúng tôi nghĩ rất nhiều bậc phụ huynh sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng Bộ Giáo dục và Huấn nghệ không hề có bất kỳ hệ thống toàn diện nào nhằm bảo đảm rằng tất cả các trường đều làm điều đúng đắn đối với trẻ em khuyết tật,” đồng tác giả bản phúc trình Eleanor Jenkin cho biết.
Trách nhiệm của Bộ Giáo dục
Bản phúc trình đưa ra một số khuyến nghị, bao gồm việc cải tổ mô hình tài trợ cho các học sinh khuyết tật, đào tạo bắt buộc về giáo dục đặc biệt cho đội ngũ nhân viên nhà trường, và cải thiện khả năng tiếp cận thông tin về quyền trẻ em, cũng như các hỗ trợ dành cho học sinh khuyết tật.
Một phát ngôn nhân của Bộ Giáo dục và Huấn nghệ cho biết họ đã hành động phù hợp theo nhiều khuyến nghị của bản phúc trình, và sẽ xem xét cẩn thận những bài học từ nghiên cứu này.
“Chúng tôi nhận ra rằng có nhiều việc mà Bộ phải làm, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc nhằm cải thiện kết quả cho các học sinh khuyết tật,” phát ngôn nhân này cho biết.
“Bộ thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý của mình nhằm đối xử không phân biệt đối với tất cả học sinh, liên quan đến việc ghi danh và tham gia lớp học.
“Chúng tôi khuyến khích bất kỳ ai nghĩ rằng họ đã bị đối xử không công bằng bởi trường học địa phương, hãy liên lạc với Bộ thông qua hệ thống khiếu nại của trường.”
Thêm thông tin và cập nhật Like
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại