Hiện nay, hơn phân nửa số tù nhân Úc là những người khuyết tật hoặc là về thể chất hoặc về tinh thần.
Thế nhưng, một cuộc điều tra của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) đã phát hiện ra rằng hệ thống nhà tù của Úc hiện nay thiếu các cơ sở vật chất căn bản cho tù nhân.
"Trong một số trường hợp, những người bị khuyết tật có thể bị biệt giam trong nhiều năm,” Bà Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Úc
Nhà tù không dành cho người khuyết tật?
Một tù nhân đã kể lại rằng người này phải đi tiểu vào trong một cái chai bởi vì phòng vệ sinh không vừa cho xe lăn đi vào.
Giám đốc Tổ chức Giám sát nhân quyền Úc, Elaine Pearson cho hay một trong những trường hợp phiền toái nhất mà cuộc điều tra này khám phá ra đó là việc để các tù nhân bình thường chăm sóc cho các tù nhân khuyết tật.
"Điều này đẩy tù nhân đang được chăm sóc rơi vào một tình trạng rất dễ bị tổn hại bởi vì họ có thể bị các tù nhân khác đưa vào nhà vệ sinh hay đưa đi tắm rửa.”
“Việc này chúng tôi đã phát hiện ra ở một nhà tù tại Queensland. Sáu trong số tám tù nhân được phân công chăm sóc tù nhân khuyết tật thực sự đã bị kết tội liên quan đến tình dục, vì vậy việc này thật sự đẩy những tù nhân đang được chăm sóc vào một nguy cơ rất đáng lo ngại," bà Pearson nói.
Lạm dụng tình dục tù nhân
Một y tá cao cấp đã kể lại chuyện đã phát hiện ra một tù nhân khuyết tật đã bị hãm hiếp nhiều lần bởi chính người được chỉ định chăm sóc, sau khi y tá thấy những vết máu và vết bẩn trong một cuộc lục soát phòng giam.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền đã dấy lên mối quan ngại về mô hình chăm sóc tù nhân tại các trung tâm cải huấn, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mô hình cho tù nhân tự chăm sóc nhau.
Phần lớn nội dung bản phúc trình tập trung vào những điều mà bà Pearson nói là sự phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống biệt giam.
Một phương thức được các trung tâm cải huấn sử dụng để trừng phạt hoặc giữ an toàn cho cá nhân tù phạm.
“Tù nhân bị khuyết tật cũng bị biệt giam quá nhiều trong các phòng riêng cả vì mục đích trừng phạt hoặc giữ an toàn cho họ.”
“Về căn bản, họ bị đưa vào biệt giam trong 22 tiếng đồng hồ cho đến hơn một ngày, đây là mức độ không cân xứng với các tù nhân khác," bà Pearson nói.
Phòng biệt giam được sử dụng thường xuyên
Cần nói thêm là các phòng biệt giam thường nhỏ, có tường bọc đệm, không có cửa sổ và không ánh sáng 24/24 giờ.
Một cựu tù nhân được chẩn đoán bị mắc chứng lo lắng, trầm cảm và rối loạn tâm lý đã kể với nhóm điều tra về những gì ông ta trải qua ở một nhà tù tại Queensland.
"Riêng với cá nhân tôi, thì đã bị nhốt chặt trong một căn phòng chẳng có gì để mà làm cả.”
“Tất cả những gì mà biện pháp đó mang lại là để cho tôi thời gian suy nghĩ về mọi thứ và khiến cho mọi thứ chỉ tồi tệ hơn trong đầu của tôi mà thôi," cựu tù nhân nói.
Người tù này là một trong số 136 tù nhân mới được thả hoặc đang bị giam mà bị khuyết tật, được các chuyên gia điều tra phỏng vấn đưa vào một bản phúc trình dài 93 trang, với tựa đề "I Needed Help, Instead I Was Punished: Abuse and Neglect of Prisoners with Disabilities in Australia".
Tạm dịch là "Tôi cần giúp đỡ, Thay vào đó tôi lại bị trừng phạt: Tình trạng Lạm dụng và Bỏ bê Tù nhân khuyết tật tại Úc".
Tù nhân này kể tiếp.
"Mọi người đều lo sợ sẽ bị giam trong đó vì sợ cách họ đối xử với anh. Họ sẽ nhét anh vào một chiếc áo chống tự tử trong tình trạng không mảnh vải che thân. Họ lấy hết xà bông và dao cạo của anh.”
“Với ai cũng như vậy, không gọi điện thoại, chẳng thư từ vẽ vời gì hết. Một khi bị đưa vào phòng biệt giam thì họ tước bỏ hết,” cựu tù nhân nói.
Hiện nay bà Elaine Pearson đang kêu gọi chấm dứt việc biệt giam các tù nhân khuyết tật.
"Trong một số trường hợp, những người bị khuyết tật có thể bị biệt giam trong nhiều năm.”
“Điều đó cũng gần giống như kiểu cả hệ thống trại giam bỏ bê tù nhân, họ biện hộ là tù nhân đó quá tệ nên biệt giam là cách duy nhất để quản lý hành vi của anh ta. Chúng tôi nghĩ đó không thể là giải pháp được.”
“Đúng là nhân viên trại giam họ có quyền trong việc bảo vệ an toàn cho các quản giáo và các tù nhân khác, nên họ có quyền cách ly tù nhân có nguy cơ bạo lực. Thế nhưng, chúng tôi quan ngại việc sử dụng các phòng biệt giam quá nhiều," bà Pearson nói.
Nhà tâm lý học cao cấp tại Trung tâm Cải huấn danh cho Nữ ở Brisbane, bà Emily Reedy cho hay nhà tù là môi trường đầy thách thức với những người gặp vấn đề về tâm thần.
“Đôi khi có mối lo ngại cho các tù nhân gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là những người cần chăm sóc đặc biệt, họ có thể dễ bị tấn công hoặc bị bắt nạt trong tù.”
“Tôi không nghĩ rằng nhân viên quản giáo được trang bị để đối phó với tình trạng sức khoẻ tâm thần phức tạp và với các hành vi khác của người khuyết tật, họ sẽ gặp nhiều khó khăn với một số trường hợp ở đó,” bà Reedy nói.
Được biết, bản phúc trình tập trung điều tra 14 nhà tù ở Tây Úc và Queensland.
Tài liệu này ghi nhận rằng Thổ dân và dân đảo Torres Strait chiếm 28% số người trưởng thành bị giam giữ tại Úc và những người khuyết tật trong nhóm dân này thậm chí còn có nhiều khả năng phải sống cảnh tù tội.
"Trong quá trình làm việc ở đây tôi nhận thấy rằng có nhiều địa chỉ sẵn sàng giúp đỡ các phụ nữ Thổ dân và Torres Strait Islander nếu có những lo lắng về sức khoẻ tâm thần.”
“Đúng là họ cần sự hỗ trợ đặc biệt mà đôi khi không có sẵn, họ cần sự can thiệp đôi khi khá nhạy cảm về mặt văn hoá mà đôi khi chúng tôi chưa thực sự có khả năng cung cấp được," bà Reedy nói.
Mặc dù Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) ủng hộ các biện pháp thay thế cho việc biệt giam, trong đó bao gồm cả việc đào tạo thêm cho nhân viên trại giam, nhưng bà Mary Russell, một người giám sát các phòng biện giam tại Trung tâm Cải huấn danh cho Nữ giới ở Brisbane, nói rằng nếu chỉ riêng các viên coi ngục thì không giải quyết được vấn đề.
"Không chỉ là là việc đào tạo, mà vấn đề còn nằm ở những người cùng làm việc với chúng tôi. Ví dụ như chúng ta cần đến các nhà tâm lý học, chuyên viên giáo dục và các chuyên gia khác hợp tác với chúng tôi ở đó,” bà Reedy nói.