Đảng PKK người Kurd sẽ giải tán, chấm dứt 40 năm đấu tranh võ trang

Selehattin Demirtas.jpg

Men hold portraits of Selehattin Demirtas (right), jailed ex co-leader of pro-Kurdish Peoples' Democratic Party and Abdullah Ocalan, Turkish-jailed founder of the Kurdistan Workers' Party (PKK). Source: AFP / Ilyas Akengin

Đảng Công nhân người Kurd P-K-K đã tuyên bố giải tán, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 40 năm với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một tuyên bố do hãng thông tấn A-N-F công bố, nhóm này cho biết họ đã quyết định giải tán cấu trúc tổ chức và chấm dứt phương pháp đấu tranh vũ trang.


Kể từ năm 1984, hơn 40.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và những nỗ lực hòa bình không liên tục trong nhiều năm, đã không ngăn chặn được bạo lực.
P-K-K bị Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh phương Tây, xem là một nhóm khủng bố.

Quyết định của PKK tại một đại hội tuần trước, có thể thúc đẩy sự ổn định chính trị và kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và khuyến khích các động thái nhằm giảm bớt căng thẳng ở Iraq và Syria, nơi lực lượng người Kurd liên minh với lực lượng Hoa Kỳ.
LISTEN TO
vietnamese-pkk disbanded-130525 image

Đảng PKK người Kurd sẽ giải tán, chấm dứt 40 năm đấu tranh võ trang

SBS Vietnamese

05:16
Phát biểu sau cuộc họp nội các tại Ankara, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết quyết định này là một bước quan trọng và coi động thái này là "ngưỡng quan trọng" hướng tới mục tiêu của Ankara là một quốc gia không có khủng bố.

"Với việc khủng bố và bạo lực hoàn toàn bị loại bỏ, cánh cửa của một kỷ nguyên mới trong mọi lãnh vực, cụ thể là củng cố chính trị và năng lực dân chủ, sẽ được mở ra".

"Những người chiến thắng sẽ là người dân và đất nước của chúng ta, thực tế là tất cả những người anh em của chúng ta trong khu vực của chúng ta".

"Cơ quan tình báo của chúng tôi và các cơ quan chức năng khác, sẽ theo dõi chặt chẽ tiến trình sắp tới, để tránh mọi tai họa và bảo đảm các lời hứa đã đưa ra được thực hiện", Tayyip Erdogan.
Thông báo đầy kịch tính của nhóm này được đưa ra, khi Erdogan tìm cách tận dụng những gì ông coi là, điểm yếu của lực lượng người Kurd liên kết ở Syria, sau khi cựu Tổng thống Bashar al-Assad bị quân nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, lật đổ vào tháng 12.

Sự việc này cũng diễn ra trong bối cảnh nhóm này ngày càng suy yếu về vị thế ở miền bắc Iraq, nơi họ đặt căn cứ, sau khi bị đánh bật khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và vượt ra khỏi biên giới nước này.

Theo Tự điển bách khoa toàn thư mở Wikimedia, Đảng Công nhân Kurd hay PKK theo tiếng Kurd là ‘Partiya Karkerên Kurdistanê’, là một tổ chức chính trị cánh tả và Cộng sản, có căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Kurdistan ở Iraq.

Từ năm 1984, PKK đã khởi đầu một cuộc đấu tranh vũ lực chống lại chính quyền Thổ, vì quyền về văn hóa và chính trị và quyền tự trị cho sắc tộc người Kurd ở Thổ, chiếm khoảng từ 18% cho đến 25% dân số, vốn đã bị đàn áp trong hàng chục năm.

Nhóm này được thành lập vào năm 1978 tại làng Fis gần Lice, thuộc tỉnh Diyarbakır bởi một nhóm sinh viên người Kurd cầm đầu bởi ông Abdullah Öcalan.

Ý thức hệ nguyên thủy của PKK, là sự phối hợp giữa chủ nghĩa Xã hội Cách mạng và chủ nghĩa Dân tộc Kurd, tranh đấu cho một nước Marxist–Leninist độc lập, mà được biết tới như là Kurdistan.

Tuy nhiên, từ khi bị bắt và bỏ tù vào năm 1999, lãnh tụ của PKK là ông Abdullah Öcalan đã hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin, dù vẫn thuộc phe xã hội chủ nghĩa và cánh tả.

Ông lãnh đạo đảng theo một chủ nghĩa mới của ông gọi là "Liên bang Dân chủ", ảnh hưởng nhiều bởi triết lý chủ nghĩa Xã hội Tự do cánh tả, trong khi ngưng kêu gọi chính thức việc thành lập một quốc gia xã hội chủ nghĩa mới, hoàn toàn độc lập và tự do.

Trong tháng 5 năm 2007, các thành viên cũ của đảng PKK hỗ trợ thành lập Nhóm các cộng đồng ở Kurdistan (KCK), một tổ chức bao gồm người Kurd từ Thổ, Iran, Iraq, và Syria.

Vào ngày 20 tháng 3 năm 2005, ông Öcalan mô tả sự cần thiết cho chủ nghĩa Liên bang Dân chủ và giải thích.

“Chủ nghĩa Liên bang Dân chủ Kurdistan không phải là một hệ thống nhà nước, nó là hệ thống dân chủ của một dân tộc không có một quốc gia".

"Nó lấy quyền lực từ dân tộc và uyển chuyển, để đạt được sự tự lập về mọi lãnh vực, cả về kinh tế”, Abdullah Öcalan.

Vào năm 2013, PKK tuyên bố một thỏa hiệp ngưng chiến và bắt đầu rút lui những chiến binh của họ sang vùng Kurdistan ở Iraq, như là một phần của quá trình giải quyết giữa chính quyền Thổ và dân tộc thiểu số Kurd mà lâu nay bị tước quyền.

Vào tháng 7 năm 2015, PKK tuyên bố cuộc ngưng chiến đã chấm dứt và nói là Ankara đã không giữ những lời hứa của họ về vấn đề người Kurd.

Vào tháng 8 năm 2015, PKK tuyên bố họ sẽ chấp nhận ngưng chiến với Thổ dưới sự bảo đảm của Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố chung với 9 tổ chức khác vào tháng 3 năm 2016, PKK cho biết mục đích của họ là để đạt được dân chủ và tương lai tự do cho các dân tộc chống lại chủ nghĩa đế quốc, Tư bản, chủ nghĩa Sô vanh, Phát xít và kỳ thị chủng tộc, bằng cách lật đổ chính phủ Phát xít cầm quyền AKP qua một cuộc cách mạng chủ yếu từ các cơ sở xã hội.

PKK bị đưa vào danh sách tổ chức khủng bố của nhiều quốc gia và tổ chức bao gồm NATO, Hoa Kỳ và EU.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia như Thụy Sĩ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Ai Cập không xem PKK như là một tổ chức khủng bố.

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay  

Share