Key Points
- Cơ quan thời tiết của Liên Hiệp Quốc cho biết sự gia tăng nhiệt độ đại dương là “gần như không thể đảo ngược”.
- Nhiệt độ trung bình đã đạt mức cao nhất trong 174 năm được ghi nhận với mức chênh lệch rõ ràng.
- Có “khả năng cao” các kỷ lục nhiệt độ mới sẽ được thiết lập vào năm 2024.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hồi tuần trước cho biết mọi kỷ lục lớn về khí hậu toàn cầu đã bị phá vỡ vào năm ngoái, và năm 2024 có thể sẽ còn tồi tệ hơn, đồng thời bày tỏ lo ngại đặc biệt về nhiệt độ đại dương và băng biển đang thu hẹp.
Cơ quan thời tiết của Liên Hiệp Quốc cho biết trong báo cáo thường niên về khí hậu toàn cầu rằng nhiệt độ trung bình đã đạt mức cao nhất trong 174 năm được ghi nhận với mức chênh lệch rõ ràng, tăng 1,45 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Theo WMO, nhiệt độ đại dương cũng đạt mức ấm nhất trong 65 năm, với hơn 90% các vùng biển đã trải qua các đợt nắng nóng trong năm, gây tổn hại cho hệ thống thực phẩm.
“Cộng đồng WMO đang đưa ra cảnh báo đỏ cho thế giới,” Tổng thư ký WMO Celeste Saulo nói.
“Những gì chúng ta chứng kiến vào năm 2023, đặc biệt là với sự ấm lên chưa từng có của đại dương, sự thu hẹp của sông băng và sự mất đi băng ở biển Nam Cực, là nguyên nhân gây ra mối lo ngại đặc biệt.”
Bà Saulo nói với các phóng viên rằng sức nóng của đại dương đặc biệt đáng lo ngại vì nó “gần như không thể đảo ngược” và có thể phải mất hàng thiên niên kỷ mới có thể hồi phục.
“Xu hướng thực sự rất đáng lo ngại và đó là do đặc tính của nước giữ nhiệt lâu hơn khí quyển,” bà nói.
World Meteorological Organisation secretary-general Celeste Saulo said: "2023 set new records for every single climate indicator". Source: Getty / Fabrice Coffrini
Người đứng đầu bộ phận giám sát khí hậu của WMO, ông Omar Baddour, nói với các phóng viên rằng “có khả năng cao” kỷ lục nhiệt độ mới sẽ được thiết lập vào năm 2024, đồng thời cho biết sau năm xảy ra El Niño, nhiệt độ thường sẽ ấm hơn.
Báo cáo cho thấy lượng băng biển ở Nam Cực sụt giảm mạnh, với mức cao nhất đo được là thấp hơn kỷ lục trước đó 1 triệu km2 – một khu vực gần tương đương với diện tích của Ai Cập.
Xu hướng đó, kết hợp với sự nóng lên của đại dương khiến nước giãn nở, đã góp phần làm tăng hơn gấp đôi tốc độ mực nước biển dâng trong thập niên qua so với giai đoạn 1993-2002.
Báo cáo cho biết nhiệt độ đại dương tập trung ở Bắc Đại Tây Dương với nhiệt độ trung bình cao hơn mức trung bình 3 độ C vào cuối năm 2023. Nhiệt độ đại dương ấm hơn ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển mỏng manh và nhiều loài cá đã chạy trốn khỏi khu vực này về phía bắc để tìm kiếm nhiệt độ mát hơn.
Bà Saulo cũng là một nhà khí tượng học đến từ Argentina, từng hứa tăng cường hệ thống cảnh báo toàn cầu về thảm họa khí hậu. Bà hy vọng báo cáo này sẽ nâng cao nhận thức về “nhu cầu thiết yếu phải tăng cường tính cấp bách và tham vọng của hành động vì khí hậu”.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi nói về báo động đỏ vì chúng tôi phải quan tâm đến người dân và họ sẽ phải chịu đựng những sự kiện thời tiết thường xuyên hơn, khắc nghiệt hơn,” bà nói.
“Nếu chúng ta không hành động, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn và đó sẽ là trách nhiệm của chúng ta.”