Anh T. là một cựu du học sinh Việt Nam tốt nghiệp từ trường đại học Melbourne, ngành Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế. Anh qua Úc từ năm 2013, và hiện sống tại tiểu bang Victoria.
Là một người đồng tính và có bạn đời đến từ một nền văn hoá khác, anh T. chia sẻ với SBS Vietnamese về những khó khăn khi giao tiếp với người yêu, thổ lộ cùng gia đình, cũng như cảm tưởng về việc Úc hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính.
Tình yêu xuyên văn hoá
Khác biệt về thói quen nấu nướng đôi khi cũng là trở ngại trong một mối quan hệ tình cảm. Source: Tony Ching
Khi nói về sự khác biệt về văn hoá giữa hai người, anh cho biết trở ngại lớn nhất chính là ngôn ngữ.
"Vì cả hai không nói cùng một tiếng mẹ đẻ nên tụi anh đều dùng tiếng Anh trong giao tiếp. Tuy nhiên trình độ giao tiếp của cả hai không thật sự xuất sắc lắm nên lắm lúc phải bực mình mà đối phương không hiểu ý mình nói," anh nói.
"Giải pháp của anh khi người ta không hiểu là: kiên nhẫn, nói chậm thật chậm và dùng cách diễn đạt cơ bản, càng đơn giản càng tốt."
Bên cạnh đó, khác biệt về lối sống, từ những điều rất nhỏ nhặt như thói quen nấu nướng, cũng là một trở ngại không hề nhỏ đối với đôi bạn này.
"Vì bạn ấy quê ở Phúc Kiến nên khi nấu ăn dùng rất nhiều gia vị, các loại sốt, dầu hào làm cho món quá ngọt," anh T. chia sẻ.
"Còn mình anh thích ăn những món đơn giản hơn, và dùng nước mắm hơn. Nhưng sau nhiều lần nấu ăn chung thì bạn ấy cũng tập cho nước mắm vào, còn anh thì làm quen với các món chiên xào của bạn ấy."
Theo anh T., nhìn chung sự khác biệt về thói quen nêm nếm món ăn có thể giải quyết được, miễn là mình tôn trọng lựa chọn của bạn đời và có thiện chí làm quen với điều đó.
Thổ lộ với gia đình
Trong giới đồng tính, từ lóng "come out" có nghĩa là công khai giới tính thật của mình cho gia đình, bạn bè hoặc rộng hơn nữa là xã hội.
Anh T. "come out" với gia đình từ năm 2015, khi đang nằm bệnh viện vì một tai nạn giao thông. Anh kể rằng khi đó, lúc mới phẫu thuật xong cái chân bị gãy, tinh thần còn phấn chấn do thuốc giảm đau morphine, anh đã nhắn tin cho bố biết anh là người đồng tính.
Bố anh khá bối rối và nhắn lại rằng, "Đây là chuyện lớn, bố không nghĩ tới bao giờ," rồi im lặng suốt vài ngày. Còn mẹ anh thì không thèm nói chuyện hay gọi điện trong suốt vài tháng liền, gần như cắt đứt liên lạc hoàn toàn.
Sau này đôi ba lần mẹ cũng có hỏi bâng quơ, "Mày có thật sự không thích con gái không?", anh đều khẳng định rõ là không.
Sau khi anh T. từ bệnh viện về nhà, vết mổ còn đau nhức chưa phục hồi, mọi sinh hoạt phải nhờ bạn bè giúp đỡ. Không có bố mẹ chuyện trò, cộng thêm những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, anh đã bị trầm cảm nặng trong một thời gian dài.
"Trong thâm tâm anh nghĩ mẹ anh đã đoán trước chuyện này từ lâu rồi nhưng bà không, hoặc không muốn tin điều đó là thật. Vì thế khi anh nói ra là đã chạm vào nỗi đau đó," anh T. chia sẻ.
"Nếu là phụ huynh, thử tưởng tượng họ đã nuôi con em lớn thành người và kỳ vọng rất nhiều vào một tương lai êm ấm cho đứa con này. Khi ước mơ đó không thành dĩ nhiên họ không thể vào bình tâm được."
Em gái anh phải về quê nói chuyện, khuyên giải, và sau nhiều tháng thì mẹ anh mới thoải mái trở lại. Sau này đôi ba lần mẹ cũng có hỏi bâng quơ, "Mày có thật sự không thích con gái không?", anh đều khẳng định rõ là không.
Không có bố mẹ chuyện trò, cộng thêm những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, anh T. đã bị trầm cảm nặng trong một thời gian dài. Source: iStockphoto
Khác biệt giữa Úc và Việt Nam
Theo anh T., Úc có quan điểm cởi mở hơn về quan hệ đồng tính so với Việt Nam, xuất phát từ văn hoá tôn trọng tự do cá nhân.
"Còn Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển hoá từ xã hội truyền thống, vốn xem trọng mối quan hệ làng xã cộng đồng, sang lối sống hiện đại," anh cho biết thêm chi tiết.
"Vì vậy tiếng nói của người đồng tính & song tính chưa được coi trọng, và ở một số nơi, một số thành phần không có cái nhìn đầy đủ và khách quan về nhóm thiểu số giới tính này."
Tuy nhiên, anh T. cho rằng, các bạn trẻ LGBT Việt Nam đang ngày càng trở nên tự tin và mạnh dạn hơn trong việc khẳng định tự do giới tính của mình.
Nhiều nhóm bảo vệ cho quyền lợi người đồng giới và LGBT đã được thiết lập và họ đã lập ra nhiều chương trình thiết thực để giúp ổn định cuộc sống cho người LGBT.
Anh cũng nhận thấy nhiều bạn bè ở thế hệ anh đã kiếm được bạn đời và họ vẫn đang sống hạnh phúc với nhau.
Về kết hôn đồng tính tại Úc
"Anh cho rằng một việc đúng đắn và hợp lý như hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới lẽ ra phải nên thực hiện 10-15 năm trước rồi, chứ không phải đợi tới năm 2017 mới làm," anh T. nói.
"Về cá nhân anh rất ủng hộ việc này, và rõ ràng việc đó đã giúp khẳng định tự do , bình đẳng cho những người LGBT như anh, trong việc quyết định tương lai cho mình."
Anh T. cho biết anh và bạn trai vẫn chưa sẵn sàng cho việc kết hôn, vì dù sao đi nữa, kết hôn là một việc hệ trọng cả đời.
"Tụi anh sẽ sẵn sàng làm chuyện đó trong đôi ba năm tới, khi cuộc sống của cả hai ổn định hơn."
"Quan hệ đồng giới nếu là mối quan hệ thật sự vững bền, xuất phát từ tình yêu và nỗ lực từ cả hai phía vun đắp mà thành thì không khác gì so với mối quan hệ của những người khác giới."
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa quan hệ đồng tính và quan hệ dị tính, anh T. cho biết, "Quan hệ đồng giới nếu là mối quan hệ thật sự vững bền, xuất phát từ tình yêu và nỗ lực từ cả hai phía vun đắp mà thành thì không khác gì so với mối quan hệ của những người khác giới."
"Một khi đặt bút ký lên tờ đơn kết hôn, mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm với người kia trong suốt phần đời còn lại. Anh chỉ mong bất kỳ ai khi tiến tới mối quan hệ tình cảm và hôn nhân đối với ai, hãy thật sự nghiêm túc, và sống cho thật xứng đáng với đối tác của mình."
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại