Trong hoàn cảnh hiện tại, chủng ngừa cúm là cách tốt nhất để phòng bệnh. Đối với những đối tượng có nguy cơ cao, việc chủng ngừa là hoàn toàn miễn phí, còn lại chi phí cho một mũi vắc-xin phòng cúm từ $10 - $25 (cộng thêm phí tư vấn GP nếu có). Một số nơi còn cho phép chích ngừa cúm tại nhà thuốc.
Các loại virus khác nhau và vắc-xin phòng cúm
Có 4 loại virus cúm: hai loại virus cúm A có tên A/H1N1 và A/H3N2, và hai loại virus cúm B có tên gọi B/Yamagata và B/Victoria. Và 4 loại này đều gây ra triệu chứng cúm tương tự.
Tùy mỗi mùa cúm mà sẽ có một loại virus thống trị, như vào năm ngoái ở Úc và Mỹ, dịch cúm do virus A/H3N2 gây ra, trong khi virus B/Yamagata chủ yếu lây lan ở châu Á.
Virus A/H3N2 gây nhiều dịch bệnh nghiêm trọng hơn và tác động lên toàn bộ dân số từ già đến trẻ. Trái lại virus loại B và virus A/H1N1 thường chỉ gây bệnh cho trẻ em.
Để có được sự bảo vệ tốt nhất, chúng ta phải chích ngừa cúm mỗi năm. Mất khoảng 2 tuần để vắcxin kích thích sản sinh kháng thể, và sẽ giúp bảo vệ cơ thể trong khoảng thời gian 6 tháng.
Mùa cúm năm 2017 đặc biệt nghiêm trọng trên cả nước trừ Tây Úc. Bệnh bắt đầu sớm hơn mọi năm và có nhiều trường hợp bị cúm được báo cáo hơn năm ngoáI, đặc biệt bùng phát tại các viện dưỡng lão.
Những ai dễ bị lây bệnh nhất?
Ai cũng có khả năng bị cúm, nhưng có một số nhóm người sau đây có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn:
- Người trên 65 tuổi
- Trẻ dưới 5 tuổi, và đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi
- Phụ nữ đang mang thai
- Người Thổ dân và đảo Torres Strait
- Người bị hen suyễn nặng hoặc có những bệnh kinh niên như bệnh tim, phổi, kháng thể kém hoặc tiểu đường.
Mùa cúm năm nay có gì mới?
Có 2 thay đổi chính
- Những tiểu bang sau đây cung cấp dịch vụ chủng ngừa miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi: Tasmania, Victoria, NSW, Queensland, Tây Úc và ACT.
- Các loại vắc-xin ‘mạnh’ hiện đã có cho những người trên 65 tuổi, lý do là những vắc-xin ngừa cúm thông thường không có hiệu quả đối với người lớn tuổi.
Hai sản phẩm hiện đã được phát triển để cải thiện hệ miễn dịch: một là vắc-xin liều cao có tác dụng gấp 4 lần vắc-xin tiêu chuẩn, và loại thứ hai là vắc-xin ‘bổ trợ’ có tác dụng tăng cường miễn dịch phản ứng lại vắc-xin.
Những vắc-xin này hiện đã có ở nhiều quốc gia nhưng nay mới xuất hiện ở Úc.
Nếu vẫn bị cúm thì phải làm sao?
Dù đã chủng ngừa nhưng bạn vẫn có khả năng bị nhiễm cúm.
Tác dụng của vắc-xin ngừa cúm sẽ cho kết quả khác nhau tùy cơ thể, thông thường khoảng 40% - 50%, nhưng vắc-xin năm ngoái chỉ có tác dụng khoảng 33% vì vắc-xin không có hiệu quả đối với virus A/H3N2.
Nếu đã bị cúm, hãy đến gặp bác sĩ gia đình (GP) để được cung cấp thuốc ngăn ngừa lây lan. Loại thuốc này có hiệu quả nếu như được dùng trong vòng 2 ngày sau khi bị bệnh và chỉ có tác dụng đối với virus cúm. Đối với những virus gây bệnh hô hấp khác, loại thuốc này không có tác dụng.
Cúm là loại bệnh lây nhiễm thông qua tiếp xúc bằng đường hô hấp (như ho hoặc hắt xì), hoặc tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm khuẩn. Nếu bị cúm, hãy ở nhà để tránh lây cho người khác.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại