New Zealand: Quốc kỳ mới ư? Không ạ!

site_197_Vietnamese_482317.JPG

Trong cuộc trưng cầu dân ý về việc thay đổi quốc kỳ, 57% cử tri Tân Tây Lan đã biểu quyết giữ nguyên lá cờ hiện nay của họ. Tại sao người bạn láng giềng của chúng ta không lựa chọn sự thay đổi và liệu trong tương lai gần, việc thay đổi ấy có thể xảy ra không?


Kết quả vòng thứ nhì của cuộc trưng cầu dân ý về lá quốc kỳ là 56.6 % cử tri ủng hộ việc giữ nguyên lá cờ hiện nay; 43.2% muốn thay đổi đã chọn mẩu cờ có hình lá dương xỉ màu xanh và đen do Kyle Lockwood vẽ; 0.20 % số phiếu bất hợp lệ.

Lá quốc kỳ hiện nay của NZ  là hình Union Jack, tức lá cờ Anh quốc ở góc trái bên trên và 4 ngôi sao màu đỏ của chòm sao Nam Tào, tượng trưng cho vị trí của NZ trong vùng Nam Thái Bình Dương.

Sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố, Thủ Tướng John Keys bày tỏ sự thất vọng của ông. 

"Rõ ràng là đương nhiên tôi hơi thất vọng rằng lá cờ không thay đổi từ đêm nay. Chúng tôi đã gửi phiếu về cho 2 triệu 200 ngàn cử tri Tân Tây Lan.

"Khi phiếu đã được kiểm, thì trên 1 triệu người dân Tân Tây Lan bầu cho mẫu quốc kỳ mới. Điều này chứng tỏ nó được ủng hộ mạnh mẽ. Đó là kết quả gần hơn cả dự đoán của mọi người nữa."

Nhưng tiến sĩ Paul Moon, một sử gia thuộc Dại học Kỹ thuật Auckland nói ông không ngạc nhiên về kết quả này.
"Quan trọng nhất là người dân không tha thiết muốn có sự thay đổi", Paul Moon
"Đây là điều hoàn toàn có thể tiên đoán được. Các cuộc thăm dò ý kiến từ gần một năm trước, trước khi tiến trình này xảy ra, đều cho thấy phần lớn người dân Tân Tây Lan không muốn thay đổi lá cờ. Kết quả những cuộc thăm dò vẫn nhất quán trong suốt thời gian đó và rồi cuộc trưng cầu dân ý chỉ khẳng định lại điều ấy.

"Trong hầu hết các trường hợp, những nước muốn thay đổi quốc kỳ thường bởi vì các nước ấy trải qua biến động lớn lao về chính trị hoặc xã hội. Đó có thể là một cuộc cách mạng, chiến tranh hoặc một điều gì tương tự như thế. Tân Tây Lan không ở vào bất cứ trường hợp nào như vậy.

"Không có mẫu cờ thay thế nào thu hút được sự chú ý của người dân; toàn bộ quá trình lựa chọn có khiếm khuyết sai lầm. Căn bản mà nói thì cái gì có thể hỏng đã đi vào chổ hỏng. Và quan trọng nhất là người dân không tha thiết muốn có sự thay đổi.

"Vụ này là do  một vài chính khách cố áp đặt lên dân chúng, chứ không phải bắt nguồn từ nguyện vọng của quần chúng."

Mặc dù chuyện thay đổi quốc kỳ không được dân chúng tán thành, nhưng theo Thủ tướng John  Keys, đây vẫn là một tiến trình hữu ích. 

'Với tư cách một quốc gia, chúng ta đã có một cuộc thảo luận rộng rãi trên cả nước về lá cờ của chúng ta, về tính cách của đất nước chúng ta, về những gì chúng ta bảo vệ, và tôi nghĩ rằng đó là một cuộc thảo luận quan trọng mà  chúng ta không những cần có, mà phải luôn luôn có.

"Tôi cho rằng chúng ta không nên tránh né việc bàn luận về những vấn đề có thể gây tranh cãi chỉ vì tự bản chất chúng là những vấn đề dễ gây tranh cãi."

Tuy nhiên tiến sĩ Paul Moon cho rằng với kinh phí 26 triệu đô la Tân Tây Lan, tương đương 23 triệu Úc kim, đáng lẽ chỉ nên tiến hành cuộc trưng cầu dân ý khi nào có đông đảo người ủng hộ việc thay đổi hơn .

"Nếu các cuộc thăm dò ý kiến là đúng và rõ ràng là chúng đã đúng, thì dân chúng không muốn thay đổi. Thiệt không thể tưởng tượng rằng người ta  có thể bỏ ra 26 triệu đô la cho một kết quả đã biết  trước."

Lý do khiến nhiều người không tán thành chuyện đổi quốc kỳ là vì phí tổn của việc thay đổi lá cờ thì cao, mà lá cờ mới trông chẳng khác gì mấy so với lá cờ cũ. Một số khác thì  không thích mẫu cờ mới được đề nghị .

Vẫn lời Thủ tướng John Keys: "Trong hai ba tháng qua, tôi đã gặp nhiều người nói với tôi rằng họ muốn thay đổi nhưng sẽ không bỏ phiếu cho một mẩu quốc kỳ nào đó.

"Cũng tương tự vậy, tôi cho rằng có rất nhiều người đã cầm lá phiếu lên, nhìn vào hai mẫu cờ thay thế và nói họ sẽ bỏ phiếu tán thành sự thay đổi. Sự quen thuộc chắc chắn cũng là một yếu tố trong quyết định chọn lựa của nhiều người.

"Tôi nghĩ có nhiều người ngắm lá cờ tung bay, thầm nghĩ: trông cũng bảnh đấy chứ!"

Và Thủ tướng NZ không bác bỏ hẳn ý kiến cho rằng trong tương lai chuyện thay đổi lá cờ vẫn có thể xảy ra, mặc dù là phải mất nhiều năm nữa.
"Sự quen thuộc chắc chắn cũng là một yếu tố trong quyết định chọn lựa của nhiều người", John Keys
Còn tiến sĩ Paul Moon nói phải có một lý do nào đó thật mạnh mẽ thì việc thay đổi mới hy vọng thành công trong tương lai.

"Gần đây, có lập luận nói rằng chúng ta cần phải có một lá cờ mới để phản ánh chúng ta là ai. Chúng ta đa văn hóa hơn, độc lập hơn, năng động hơn; tất cả những lời lẻ sáo mòn đó được tuôn ra.

"Cái khái niệm được đưa ra là: vì nay chúng ta đã tiến hóa, trưởng thành hơn, chúng ta cần có một lá cờ mới. Nói như vậy chẳng khác nào nói: vì nay chúng ta đã lớn lên, con người  mình đã thay đổi thì chúng ta cần phải đổi tên đi, bởi vì mình đã trưởng thành hơn trước rồi mà.

"Người ta không thay đổi những thứ như lá quốc kỳ chỉ vì đất nước mình đã tiến hóa phát triển. Thực ra, đó càng là lý do tốt để giữ lại lá cờ.'

Được biết, kết quả chính thức chung cuộc của cuộc trưng cầu dân ý sẽ được công bố vào ngày 30/3; nhưng có lẽ sẽ không khác gì mấy với kết quả được loan báo hôm qua.

 


Share