Những điểm chính
- Sỏi thận hình thành do sự kết tinh của các chất thải trong nước tiểu, thường liên quan đến mất nước hoặc mất cân bằng hóa học.
- Một số trường hợp sỏi thận có thể bị đau dữ dội. Nguyên nhân gây ra sỏi thận khác nhau tùy theo loại sỏi.
- Uống đủ nước mỗi ngày và ăn uống hợp lý là cách đơn giản mà hiệu quả để ngăn ngừa sỏi thận.
Thận có chức năng lọc máu và loại bỏ chất thải và nước thừa, sau đó thải ra ngoài dưới dạng nước tiểu.
Nước tiểu chứa nhiều chất thải hóa học, đôi khi có thể tạo thành các tinh thể kết tụ lại trong thận, được gọi là sỏi thận hay sạn thận.
Sỏi thận có nhiều kích thước và hình dạng khác nhau, từ nhỏ như hạt cát đến quả bóng gôn. Sỏi thận có thể chặn dòng nước tiểu, gây nhiễm trùng và tổn thương thận, có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng máu.
LISTEN TO

Sức khỏe là Vàng: Những điều cần lưu ý về sỏi thận
SBS Vietnamese
21:41
Nguyên nhân gây sỏi thận
Mất nước là nguyên nhân phổ biến, đặc biệt ở người uống ít nước, sống ở vùng nóng hoặc ra nhiều mồ hôi.
Ngoài ra, sỏi thận còn do mất cân bằng các chất trong nước tiểu như canxi, oxalat, cystine hoặc axit uric. Tình trạng này có thể xuất phát từ các bệnh lý nền (như nhiễm trùng tiết niệu, viêm ruột, cường cận giáp…), dùng thuốc điều trị bệnh thận, ung thư, HIV, hoặc chế độ ăn nhiều muối.
Một số triệu chứng của sỏi thận
Đau thường là dấu hiệu đầu tiên của sỏi thận. Cơn đau thường bắt đầu khi viên sỏi rơi vào đường tiết niệu. Đó là cơn đau nhói ở lưng, ngay dưới xương sườn. Cơn đau có thể lan ra phía trước cơ thể và đôi khi lan về phía háng.
Một số triệu chứng khác của sỏi thận bao gồm:
- trong nước tiểu có máu
- buồn nôn và nôn
- ớn lạnh, đổ mồ hôi và sốt, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi nếu bị nhiễm trùng
- trong nước tiểu có sỏi axit uric nhỏ, trông giống như sỏi đá.
- cảm giác mắc tiểu gấp.
Chẩn đoán và điều trị
Một số xét nghiệm có thể xác nhận tình trạng sỏi thận, bao gồm: chụp CT, chụp Xray bao gồm chụp thận tĩnh mạch IVP, siêu âm.
Sau khi xác nhận sỏi thận, bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm nước tiểu và máu để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và lập kế hoạch điều trị.
Hầu hết sỏi thận sẽ tự đào thải trong vòng ba đến sáu tuần. Thuốc giảm đau được dùng trong thời gian này nếu cần. Đôi khi, cơn đau có thể nghiêm trọng đến mức phải nhập viện và dùng thuốc giảm đau mạnh hơn.
Nếu sỏi không tự đào thải và bắt đầu chặn dòng nước tiểu, gây chảy máu hoặc nhiễm trùng, bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách như tán sỏi thành các mảnh nhỏ bằng sóng siêu âm, mổ lấy sỏi thận qua da, mổ nội soi lấy sỏi.
Một số cách phòng ngừa sỏi thận
Uống đủ nước là biện pháp phòng ngừa quan trọng. Cần uống đủ nước để đi tiểu ít nhất 2,5 lít nước tiểu mỗi ngày. Tăng lượng nước tiểu có thể giúp làm sạch thận.
Nếu sỏi liên quan đến mức citrate thấp, nước ép citrate có trong các loại trái cây họ cam quýt có thể giúp ngăn ngừa hình thành sỏi.
Ăn thực phẩm giàu oxalat ở mức độ vừa phải và giảm lượng muối và protein động vật nạp vào cơ thể cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc sỏi thận.
Chỉ giảm lượng thực phẩm chứa canxi, bao gồm sữa, sữa chua và phô mai nếu bác sĩ yêu cầu, vì giảm canxi trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ xương yếu và loãng xương.
Người đã từng bị sỏi thận hoặc có nguy cơ bị sỏi thận, hãy trao đổi với bác sĩ và thảo luận về các phương pháp phòng ngừa tốt nhất.
Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Brian Cung trình bày những điều cần lưu ý về sỏi thận.
Thông tin trong bài chỉ mang tính tổng quát. Quý vị hãy gặp GP hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn cụ thể cho tình trạng sức khỏe của quý vị.