Sức khỏe là Vàng: Cao huyết áp - Đừng đợi có triệu chứng mới quan tâm

pexels-pavel-danilyuk-7108344.jpg

Source: Pexels/Pavel Danilyuk

Cao huyết áp là bệnh phổ biến, thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Quan tâm đúng mức, kiểm tra thường xuyên và kiểm soát tốt huyết áp là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe.


Những điểm chính
  • Người có huyết áp thường xuyên cao sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các vấn đề y tế khác cao hơn.
  • Một số người cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giữ huyết áp ở mức khỏe mạnh.
  • Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao bằng chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động.
Cao huyết áp, hay tăng huyết áp, là một bệnh mãn tính xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao.

Huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số:
  • Chỉ số cao hơn là huyết áp tâm thu (Systolic blood pressure) hay áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp đẩy máu vào hệ thống mạch máu.
  • Chỉ số thấp hơn là huyết áp tâm trương (diastolic blood pressure) hay áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra đón nhận máu trở về.
Thông thường huyết áp cao là khi chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương lần lượt trên 130/80mmHg.

Ngoài ra, trên máy đo huyết áp còn có chỉ số nhịp tim, thể hiện số lần tim đập trong một phút. Nhịp tim thường ở mức 60-100 nhịp/phút. Trên 100 nhịp/phút được gọi là nhịp tim nhanh (Tachycardia)

Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim...

Hai loại cao huyết áp chủ yếu là:
  • Cao huyết áp vô căn: không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp;
  • Cao huyết áp thứ phát: Liên quan đến một số bệnh ở thận, động mạch, van tim và một số bệnh nội tiết.
Các yếu tố nguy cơ cao huyết áp thường bao gồm: tuổi tác, lối sống ít vận động, hút thuốc, béo phì, chế độ ăn nhiều muối, uống nhiều rượu, mức cholesterol trong máu cao, tiền sử gia đình bị huyết áp cao, bệnh tiểu đường.

Tại sao cần kiểm tra huyết áp?

Việc đo huyết áp rất quan trọng, vì nếu huyết áp quá cao mà không được kiểm soát, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận mãn tính, bệnh về mắt và các vấn đề khác.

Các triệu chứng của cao huyết áp

Hầu hết những người bị huyết áp cao không có triệu chứng và vẫn cảm thấy khỏe mạnh, cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn rất nghiêm trọng.

Một số ít trường hợp huyết áp cao có thể bị đau đầu, chóng mặt, khó thở, hoặc các tác động đột ngột của các bệnh về động mạch như đau ngực hoặc đột quỵ.

Điều trị vào kiểm soát cao huyết áp

Bên cạnh việc thay đổi lối sống lành mạnh hơn, một số người cần dùng thuốc để giúp huyết áp xuống mức bình thường.

Nếu huyết áp rất cao hoặc gây ra các triệu chứng như đau đầu, hoặc nếu mắc bệnh tim hoặc tiểu đường, người bệnh có thể cần điều trị khẩn cấp bằng thuốc để đưa huyết áp xuống mức bình thường.

Điều quan trọng là bệnh nhân cao huyết áp cần đi khám định kỳ, theo dõi huyết áp thường xuyên và tuân theo lời dặn của bác sĩ để kiểm soát huyết áp.

Có cách nào để ngăn ngừa huyết áp cao?

Một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý và tránh hút thuốc, kiểm soát tốt các bệnh mãn tính, có thể giúp giảm nguy cơ bị huyết áp cao.
Nếu được chẩn đoán bị cao huyết áp, chúng ta nên theo lời khuyên của bác sĩ một cách nghiêm túc, và theo dõi cho đến khi huyết áp ổn định ở mức bình thường, để có thể ngừa được những biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Brian Cung
Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Brian Cung trình bày những điều cần lưu ý về cao huyết áp.

Thông tin trong bài chỉ mang tính tổng quát. Quý vị hãy gặp GP hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn cụ thể cho tình trạng sức khỏe của quý vị.

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ 

Share