Sức khỏe là Vàng: Khi nào huyết áp thấp cần phải cấp cứu?

cdc-LbUOh89q4Es-unsplash.jpg

Credit: Unsplash/CDC

Một số người có mức huyết áp thấp hơn bình thường mà không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, một số trường hợp huyết áp thấp có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, té ngã hoặc thậm chí nguy hiểm tính mạng.


Những điểm chính:
  • Hạ huyết áp, hay huyết áp thấp, nghĩa là áp lực máu lưu thông khắp cơ thể thấp hơn bình thường.
  • Huyết áp thấp chỉ đáng lo ngại nếu nó ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể và gây ra các triệu chứng.
  • Một số nguyên nhân gây hạ huyết áp bao gồm mất máu, mất nước và một số loại thuốc như thuốc chống tăng huyết áp.
Hạ huyết áp, hay huyết áp thấp, có nghĩa là áp suất máu lưu thông khắp cơ thể thấp hơn bình thường.

Một người bị huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp ở mức 90 / 60mmHg hoặc thấp hơn.

Huyết áp thấp có thể gây ra vấn đề gì?

Đối với một số người, huyết áp thấp là dấu hiệu của sức khỏe tốt, thường là những người khỏe mạnh và có mạch đập chậm.

Thông thường, những người bị huyết áp thấp có thể sống lâu hơn.

Nhưng đối với những người khác, huyết áp thấp là đáng lo ngại. khi nó gây ra các triệu chứng khiến họ có nguy cơ té ngã cao hơn.

Huyết áp hạ đột ngột cũng có thể liên quan đến các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp.

Triệu chứng của huyết áp thấp có thể bao gồm: choáng váng hoặc chóng mặt, yếu ớt, mờ mắt, da nhợt nhạt, toát mồ hôi, buồn nôn, ói, mệt mỏi, ngất xỉu...

Những triệu chứng này có thể xảy ra khi người bệnh không làm gì cả, hoặc khi thay đổi tư thế, chẳng hạn như đột ngột đứng lên.

Tuy nhiên, huyết áp thấp thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện trong quá trình khám sức khỏe định kỳ hoặc trong quá trình điều tra một số bệnh tiềm ẩn khác.

Huyết áp thấp có thể nghiêm trọng hơn ở những người lớn tuổi có bệnh nền hoặc có nguy cơ té ngã.

Nguyên nhân gây ra huyết áp thấp có thể do thời tiết nóng, mất nước, do tắm nước nóng, thiếu hụt dinh dưỡng, có quá ít máu lưu thông, chảy máu nhiều, đang mang thai, đang dùng thuốc ảnh hưởng đến huyết áp.

Cũng có trường hợp huyết áp thấp do bị dị ứng, nhiễm trùng nặng, một số bệnh tim, rối loạn hệ thần kinh hoặc hệ thống nội tiết.

Ngoài ra còn có loại huyết áp thấp khá phổ biến, được gọi là 'hạ huyết áp theo tư thế', khi đang ngồi mà đột ngột đứng lên, gây chóng mặt hoặc choáng váng. Điều này cũng có thể xảy ra khi đứng quá lâu mà không di chuyển.

Khi nào huyết áp thấp cần được cấp cứu?

Các trường hợp hạ huyết áp đột ngột, nặng ngực, tim đập nhanh và đập loạn xạ, yếu một bên chân hoặc tay, mờ một bên mắt, là những dấu hiệu cần được cấp cứu.
Đặc biệt, những trường hợp hạ huyết áp liên quan đến tim mạch, phổi, não, cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Bác sĩ Brian Cung
Nếu có các triệu chứng huyết áp thấp, tốt nhất nên đi gặp bác sĩ để loại trừ bất kỳ tình trạng bệnh tiềm ẩn nào và tránh nguy cơ té ngã, đặc biệt ở người cao tuổi.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Brian Cung trình bày những điều cần lưu ý về huyết áp thấp.

Thông tin trong bài chỉ mang tính tổng quát. Quý vị hãy gặp GP hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn cụ thể cho tình trạng sức khỏe của quý vị.


Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay 

Share