Sức khỏe là Vàng: Ăn uống thế nào để tốt cho thận?

bell-pepper-g9d03ab46a_1920.jpg

Lượng kali trong rau quả có thể giảm khi ngâm trong nước nhiều giờ. Credit: Pixabay

Dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của thận. Người bình thường muốn bảo vệ chức năng của thận thì nên ăn uống như thế nào? Người bị bệnh thận ở các giai đoạn khác nhau cần điều chỉnh chế độ ăn ra sao? Nên lưu ý điều gì khi muốn dùng sản phẩm được cho là bổ thận?


Thận là cơ quan bài tiết chính trong hệ tiết niệu của con người. Mỗi người có hai quả thận với nhiều chức năng quan trọng như lọc máu và chất thải, bài tiết nước tiểu, duy trì cân bằng nước, dịch, chất khoáng...

Một khi chức năng của thận bị suy giảm, những chất thải độc hại trong máu sẽ không được lọc hiệu quả dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Điều đáng lưu ý là  phần lớn trường hợp, người mắc bệnh thận giai đoạn đầu hoàn toàn không có dấu hiệu rõ ràng, cho tới khi bị mất đến 90% chức năng thận thì mới nhận biết.

Cách duy nhất để phát hiện bệnh thận là làm xét nghiệm chức năng thận. Người từ 60 tuổi trở lên, người bị cao huyết áp hoặc tiểu đường, người có tiền sử gia đình bị suy thận là những người cần đặc biệt kiểm tra thận định kỳ hàng năm.

Ngoài ra, khi có một trong những dấu hiệu như tiểu đêm, tiểu có máu, nước tiểu có rất nhiều bọt thì nên đi kiểm tra sức khỏe để sớm phát hiện nguy cơ suy thận nếu có.

Dinh dưỡng và sức khỏe của thận

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ cơ thể, bao gồm thận. Ăn gì bổ thận, tốt cho thận là điều luôn được nhiều người quan tâm.

Người có sức khỏe bình thường muốn đề phòng bệnh thận, bảo vệ chức năng của thận thì nên có chế độ ăn với nhiều rau quả, uống nhiều nước, ăn ít muối. Kèm theo đó là lối sống thư giãn lành mạnh, ăn ngủ đầy đủ, thường xuyên tập thể dục.

Khi mắc bệnh thận mãn tính, chế độ ăn uống có thể là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Khuyến nghị về chế độ ăn uống của mỗi bệnh nhân có thể thay đổi theo thời gian nếu tình trạng thận hoặc phương pháp điều trị thay đổi.

Bệnh nhân suy thận ở giai đoạn đầu vẫn có thể duy trì lối sống lành mạnh như người bình thường, bao gồm nhiều rau quả, vận động thường xuyên, đồng thời phải kiểm soát tốt huyết áp bởi vì huyết áp cao sẽ làm tổn thương thận. Người bệnh cũng nên thử máu thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh.

Bệnh nhân suy thận ở giai đoạn sau, tức là gần đến mức phải lọc thận thì cần điều chỉnh cách ăn uống bao gồm:

- Không uống nhiều nước vì thận đã yếu không thể lọc nhiều nước, cơ thể sẽ giữ nước và bị tăng huyết áp. Lượng nước bệnh nhân uống mỗi ngày cần theo chỉ định của bác sĩ.

- Vẫn nên ăn ít muối. Ăn nhiều rau quả nhưng cần chế biến bằng cách ngâm rau quả tươi nhiều giờ trong nước (khoảng 8-12 tiếng), rau luộc thì cũng nên ngâm lâu trong nước luộc rồi vớt ra bỏ nước. Điều này nhằm giảm lượng kali đưa vào cơ thể từ rau quả.

- Tiếp tục kiểm soát huyết áp vì giai đoạn này huyết áp thường rất cao.

Riêng bệnh nhân trong giai đoạn lọc thận có thể ăn uống thoải mái hơn một chút, không quá kiêng khem so với giai đoạn ngay trước khi lọc thận, bởi vì cách lọc thận có thể được điều chỉnh để phù hợp tình trạng bệnh nhân.

Lưu ý khi sử dụng sản phẩm được cho là bổ thận

Khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào được cho là bổ thận, mỗi người cần hỏi ý kiến bác sĩ gia đình của mình. Và khi sử dụng các sản phẩm thì nên nhờ bác sĩ theo dõi chức năng thận, chức năng gan thường xuyên để xem có phản ứng gì khác thường hay không.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Michael Dũng Cao giải đáp các câu hỏi liên quan đến thận trong chương trình Sức khỏe là Vàng.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share