Di sản vĩ đại của Đức giáo hoàng Phanxicô: Khắc họa chân dung đa dạng và toàn cầu của Công giáo

Pope Francis holding his hand up

Pope Francis arrives for his weekly general audience in St. Peter's Square, at the Vatican, Wednesday, May 22, 2024. Pope Francis apologized Tuesday, May 28, 2024, after he was quoted using a vulgar term about gays to reaffirm the Catholic Church’s ban on gay priests. Vatican spokesman Matteo Bruni issued a statement acknowledging the media storm that erupted about Francis’ comments, which were delivered behind closed doors to Italian bishops on May 20. Source: AAP / Andrew Medichini/AP

Sự ra đi của Đức Giáo hoàng Phanxicô để lại nỗi tiếc thương sâu sắc trong các cộng đồng Công giáo trên toàn thế giới, với nhiều lời tri ân nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo đầy đổi mới và cam kết vì sự bao dung của ngài. Những nỗ lực ấy được thể hiện rõ qua việc ngài tiếp cận các cộng đồng tại Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ, cũng như việc bổ nhiệm hơn 20 hồng y đến từ những quốc gia trước đây chưa từng có vị chức sắc cao cấp nào.


Được mệnh danh là “Giáo hoàng của người dân”, ngài được ngợi ca bởi sự giản dị, khiêm nhường và lòng trắc ẩn dành cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Khi được bầu làm Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo La Mã vào năm 2012, Đức Phanxicô – sinh tại Buenos Aires với tên khai sinh Jorge Mario Bergoglio – là giáo hoàng không phải người Châu Âu đầu tiên trong gần 13 thế kỷ.
LISTEN TO
vietnamese_Pope Legacy_234.mp3 image

Di sản vĩ đại của Đức giáo hoàng Phanxicô: Khắc họa chân dung đa dạng và toàn cầu của Công giáo

SBS Vietnamese

07:03
Với vai trò lãnh đạo, ngài đã thay đổi cách Giáo hội nhìn nhận vai trò của phụ nữ, cộng đồng LGBTIQ+ và cách Giáo hội phản ứng trước các vấn đề như khủng hoảng khí hậu và xung đột quốc tế.

Nhưng có lẽ di sản sâu sắc nhất của ngài chính là nỗ lực chuyển hướng Giáo hội khỏi gốc rễ Châu Âu để phản ánh đúng hơn bộ mặt đa dạng và toàn cầu của Công giáo.

"Tôi rất vui khi có mặt giữa cộng đồng Kitô hữu này, một cộng đồng thể hiện rõ nét mặt 'Công giáo' của mình: một khuôn mặt phổ quát, một Giáo hội bao gồm những người đến từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Đây là sức mạnh của cộng đồng Kitô giáo. Chúng ta hãy cùng nhau trở thành những người gìn giữ và xây dựng sự hiệp nhất!".
Một trong những cách Đức Phanxicô xây dựng sự hiệp nhất đa văn hóa là qua các chuyến công du, như chuyến thăm lịch sử đến Timor-Leste vào tháng 9/2024.

Dù không phải là điểm đến quen thuộc của các giáo hoàng, Timor-Leste có tỷ lệ người Công giáo cao nhất thế giới ngoài Vatican, với 97% dân số theo đạo.

Chuyến thăm kéo dài ba ngày thu hút khoảng 600.000 người – được xem là sự kiện lớn nhất kể từ khi đất nước này giành độc lập khỏi Indonesia năm 2002.

Tổng thống Timor-Leste, ông Jose Ramos-Horta bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho vị lãnh đạo tinh thần:
Không chỉ riêng Giáo hội Công giáo, mà tất cả các tôn giáo và toàn thể nhân loại đều mất đi một nhân vật vĩ đại.
Tổng thống Timor-Leste, ông Jose Ramos-Horta
Chúng tôi vẫn nhớ chuyến thăm của ngài đến Timor-Leste vào tháng 9, trước khi lên máy bay trở về Rome, ngài nắm tay tôi lần cuối và nói: 'Hãy chăm sóc tốt cho người dân thân yêu này.

Đức Phanxicô cũng hiểu rằng phụng vụ Công giáo cần được linh hoạt để phù hợp với văn hóa các cộng đồng bản địa trên thế giới.

Tháng 11/2024, ngài phê duyệt những điều chỉnh trong nghi lễ để phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của các cộng đồng bản địa ở miền nam Mexico, vùng Amazon và các cộng đồng Thổ dân ở Giáo phận Broome, Úc.

Sự nhận thức rằng tương lai của Giáo hội không nằm ở Châu Âu mà ở các quốc gia đang phát triển cũng thể hiện trong các quyết định bổ nhiệm hồng y.

Trong nhiều thế kỷ, phần lớn các hồng y đều là người Ý, điều chỉ bắt đầu thay đổi dưới thời Giáo hoàng Phaolô VI vào thập niên 1960 và tăng tốc dưới thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II người Ba Lan – vị giáo hoàng không phải người Ý đầu tiên sau 455 năm.

Đức Phanxicô đã bổ nhiệm hơn 20 hồng y từ các quốc gia chưa từng có đại diện, hầu hết đến từ các nước đang phát triển như Rwanda, Bangladesh, Cabo Verde, Tonga, Myanmar, Mông Cổ và Nam Sudan hoặc từ các nước có số lượng người Công giáo rất ít như Thụy Điển.

Tại Nam Sudan, tín đồ và nhà hoạt động Jacob Chol bày tỏ sự tiếc thương dành cho một người luôn cổ vũ cho hòa bình tại đất nước mình:

"Hôm nay là ngày rất buồn với tất cả chúng tôi ở Nam Sudan và Sudan, bởi chúng tôi mất đi một anh hùng vĩ đại – người đã nỗ lực vì hòa bình.
Chúng tôi nhớ khoảnh khắc các lãnh đạo đất nước đến Rome, nơi ngài quỳ hôn chân họ và nói một thông điệp rất quan trọng: Khi quay về, hãy mang lại hòa bình cho người dân.
Nhà hoạt động Jacob Chol
Khi bổ nhiệm các hồng y, ngài thường bỏ qua những vị trí trống tại các thành phố lớn của Châu Âu – nơi vốn được coi là truyền thống và thay vào đó tập trung vào những khu vực ngài cho rằng Giáo hội có tiềm năng phát triển hơn, trái ngược với phương Tây đang dần suy giảm.

Chẳng hạn như việc bổ nhiệm ba hồng y ở Philippines – quốc gia có dân số Công giáo lớn nhất Châu Á.

Hồng y Luis Antonio Tagle của Philippines, một ứng viên sáng giá kế nhiệm Đức Phanxicô, nếu được bầu sẽ là giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Á.

"Việc là thiểu số không có nghĩa là Giáo hội đã chết. Chúng tôi tin rằng Chúa Giêsu vẫn sống, Ngài được sinh ra, giảng dạy và sống lại tại Châu Á."

Trong những năm cuối đời, Đức Phanxicô tiếp tục lên tiếng vì các Kitô hữu trên toàn thế giới, kêu gọi hòa bình tại Ukraine và đặc biệt quan tâm đến người Công giáo Palestine đang chịu đau khổ tại Gaza.

Một số nhà thờ cổ nhất thế giới tại đây đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel trong cuộc chiến với Hamas.

Cha Gabriel Romanelli – linh mục quản xứ nhà thờ Công giáo ở Gaza – bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vì những cuộc gọi hỗ trợ hàng ngày của Đức Giáo hoàng cho đến tận ngày cuối đời.

"Hôm nay là ngày rất đặc biệt và rất buồn với chúng tôi, vì Giáo hoàng Phanxicô đã qua đời. Ngài như người cha của chúng tôi. Trong suốt cuộc chiến khủng khiếp này, hơn một năm rưỡi qua, ngày nào ngài cũng gọi để cầu nguyện, để ban phước lành cho toàn thể người dân Gaza và toàn thể người Palestine."

Thành công của Đức Phanxicô trong việc dẫn dắt một Giáo hội Công giáo bao trùm, đa văn hóa có thể thấy rõ qua sự tiếc thương trải dài trên toàn thế giới.

Tổng thống Mexico, bà Claudia Sheinbaum nói rằng đất nước bà và phần lớn thế giới sẽ luôn nhớ về ngài như một người đấu tranh không ngừng cho hòa bình:

"Đức Giáo hoàng Phanxicô là một con người nhân văn, khiêm nhường, luôn gần gũi với những người nghèo. Ngay cả hôm qua, thông điệp của ngài vẫn là vì hòa bình. Đây là một mất mát đau đớn.

Cầu nguyện cho ngài an nghỉ. Xin gửi vòng tay yêu thương đến toàn thể thế giới và đặc biệt là cộng đồng Công giáo tại Mexico."

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ 

Share