Đã tìm ra thủ phạm vụ rơi máy bay MH 17?

Computerised video of missile launch from Joint Investigation Team

Computerised video of missile launch from Joint Investigation Team Source: AAP

Sau hai năm điều tra, các công tố viên quốc tế thụ lý vụ rơi máy bay MH17 đã xác nhận phi cơ này bị bắn hạ bởi một hỏa tiễn do Nga sản xuất, khai hỏa từ khu vực do phiến quân kiểm soát ở Ukraine.


Nhóm công tố viên phụ trách điều tra vụ bắn hạ phi cơ MH17, bao gồm đại diện của các nước Úc, Hà Lan, Mã Lai, Bỉ và Ukraine, đã nghiên cứu hàng ngàn cuộn băng, hình ảnh, lời khai nhân chứng và xét nghiệm pháp y.

Ông Wilbert Paulissen, một thành viên của tổ điều tra, đã trình bày những phát hiện mới nhất như sau.

"Dựa trên kết quả của cuộc điều tra hình sự, chúng tôi kết luận rằng chuyến bay MH17 đã bị bắn hạ vào ngày 17 tháng 7 năm 2014, bởi một hỏa tiễn 9M38, phát ra từ hệ thống Buk. Hệ thống hỏa tiễn này đến từ lãnh thổ Liên bang Nga, và sau khi khai hỏa, đã được đưa trở lại lãnh thổ Liên bang Nga."

Các điều tra viên cho biết hệ thống hỏa tiễn Buk dùng để bắn hạ phi cơ MH17, được vận chuyển từ Nga vào Ukraine, sau đó được gửi trả về Nga ngay trong đêm đó.

Vào thời điểm xảy ra vụ án, nhóm ly khai thân Nga đang giao chiến với quân đội Ukraine trong khu vực. Chiếc Boeing 777 đã tan thành từng mảnh trong không trung, và rơi xuống khu vực do phiến quân chiếm đóng.

Chuyến bay có tổng cộng 38 công dân và thường trú nhân Úc.

Ngoại trưởng Julie Bishop cho biết Úc đang cân nhắc các lựa chọn truy tố, và kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ quá trình điều tra thủ phạm.

Phát biểu trên kênh ABC, Phó thủ tướng Barnaby Joyce kêu gọi hành động từ phía Nga.

"Tôi nghĩ người đầu tiên nên phản ứng trong trường hợp này là Nga. Nhiều công dân Úc cũng như các nước khác đã thiệt mạng, hay nói đúng hơn là bị sát hại, và chúng tôi trông đợi câu trả lời chính thức từ phía Nga, rằng họ dự định sẽ làm gì."
"Nhiều công dân Úc cũng như các nước khác đã thiệt mạng, hay nói đúng hơn là bị sát hại, và chúng tôi trông đợi câu trả lời chính thức từ phía Nga." - Barnaby Joyce
Trong khi đó, Nga bác bỏ kết quả điều tra, và cho rằng nhóm công tố viên do Hà Lan điều phối có đầy thành kiến và bị dẫn dắt bởi động cơ chính trị.

Nga khẳng định, dữ liệu radar cho thấy phi cơ không hề bị tấn công bởi một hỏa tiễn bắn đi từ lãnh thổ do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine.

Phát ngôn nhân của điện Kremlin, Dmitry Peskov cho rằng không hề có bằng chứng nào để buộc tội Nga cả.

"Chúng tôi không chấp nhận những gì họ nói như là sự thật. Và tôi đoan chắc là quý vị chưa hề thấy bất kỳ bằng chứng nào để chống lưng cho lập luận ấy. Chúng ta phải rất cẩn trọng. Đây là một bi kịch khủng khiếp, và chúng ta không thể chỉ xét đoán dựa trên lời nói - dù có mạnh miệng tới đâu - mà không có bằng chứng chi tiết.

"Chúng ta đều biết các chi tiết rất quan trọng, và điều đáng tiếc là, chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều chi tiết để đưa ra kết luận đúng đắn, để chắc chắn rằng vũ khí đó được phát hỏa từ vị trí này và theo phương hướng này, hoặc theo phương hướng khác."

Điều tra viên độc lập Eliot Higgins, mặt khác, lại chất vấn lý luận của Nga.

"Điều lý thú nhất về buổi họp báo đó là, nó hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố của họ vào ngày 21/7. Chẳng hạn, vào ngày 21/7, họ nói rằng phi cơ MH17 đã chuyển hướng đột ngột, và điều đó chưa bao giờ xảy ra - dựa trên thông tin mới nhất.

"Họ cũng tuyên bố rằng không có chiến đấu cơ nào bay gần chiếc MH17 cả, và chứng cứ gần đây của chính họ thì lại cho thấy điều ngược lại. Vì vậy, chứng cứ thực sự cho thấy hoặc Nga đã nói dối trong buổi họp báo đầu tiên, hoặc là bây giờ họ đang nói dối."
"Chứng cứ thực sự cho thấy hoặc Nga đã nói dối trong buổi họp báo đầu tiên, hoặc là bây giờ họ đang nói dối." - Eliot Higgins
Gia đình các nạn nhân vụ rơi máy bay đã hoan nghênh kết quả điều tra. Ông Elmar Giemulla, một luật sư đại diện cho những gia đình người Đức, cho biết:

"Câu hỏi của gia đình các nạn nhân, rằng ai là kẻ thủ ác, có manh mối nào về thủ phạm hay không, đã bị bỏ qua. Mặc dù câu trả lời đã rõ như ban này. Nếu một hỏa tiễn được gửi từ Nga sang Ukraine chỉ trong một ngày, thì rõ ràng đã có quyết định từ phía trên, và quyết định đó không thể nào do một binh lính đưa ra được."

Phát ngôn nhân của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết phúc trình này là một bước tiến quan trọng trong quá trình tìm kiếm công lý cho các nạn nhân.

"Chúng tôi tin rằng kết luận cuối cùng của cuộc điều tra hình sự, kết hợp với những chứng cứ kỹ thuật do Ủy ban an toàn Hà Lan xác định nguyên nhân máy bay rơi, sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc đưa các thủ phạm ra trước công lý."

Hiện tại các công tố viên vẫn chưa thể tiến hành khởi tố, nhưng người thân của các nạn nhân hy vọng kết quả điều tra sẽ dẫn họ đến gần khả năng đó hơn.

Chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở Ukraine khi đang trên đường từ Amsterdam đến Kuala Lumpur vào ngày 17/7/2014, khiến 298 người thiệt mạng, hầu hết là người Hà Lan. Nga từ lâu đã bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào đến vụ rơi máy bay này.


Share