Vụ xả súng khiến 49 người thiệt mạng vào ngày 12/6 vừa qua tại Orlando, Florida (Mỹ) được cho là một hành động thù hằn nhắm vào cộng đồng những người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới (gọi tắt là LGBTI).
Đây là vụ xả súng hàng loạt mới nhất trong lịch sử nước Mỹ mà mức độ nghiêm trọng của nó đã vượt xa vụ xả súng khiến 32 người thiệt mạng ở Virgina Tech từng làm chấn động thế giới năm 2007.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo trên thế giới nhấn mạnh rằng vụ thảm sát ở Orlando vừa qua là một hành động mà họ cho là vừa khủng bố vừa thù hận.
Các nhà lãnh đạo của Úc như Thủ tướng Malcolm Turnbull và lãnh tụ đối lập Bill Shorten đều công nhận rằng những người đồng tính đã bị nhắm làm mục tiêu trong vụ tấn công này.
“Rõ ràng là vụ thảm sát này được thực hiện bởi một người ghét đồng tính”, Thủ tướng Malcolm Turnbull nói.
"Tôi xin gửi lời chia buồn của mình đến cộng đồng đồng tính, những người đã phải chịu thêm nhiều đau đớn”, lãnh tụ đối lập Bill Shorten bày tỏ.
Steve Spencer đã tổ chức một đêm tưởng niệm ở Melbourne, nơi mọi người cúi đầu và dành 50 giây mặc niệm tất cả các nạn nhân trong vụ thảm sát này.
Ông nhấn mạnh những ai đã bị nhắm đến trong những vụ xả súng.
“Các chính trị gia, giới truyền thông và các nhà bình luận xã hội cần phải liên tục nhìn nhận mối liên hệ này: đó là một tội ác nhằm vào cộng đồng đồng tính và chuyển giới", ông Steve Spencer nói.
"Hành động đó là khủng bố thì rõ ràng rồi, nhưng nó còn là một tội ác nhằm vào giới đồng tính. Và các chính trị gia nào nhờ đó mà ghi điểm thật sự đáng xấu hổ”.
"Đó là một tội ác nhằm vào cộng đồng đồng tính và chuyển giới", Steve Spencer
Michael Barnett cũng có mặt để tham dự đêm tưởng niệm này:
“Nỗi đau trước những gì đã diễn ra, dù ở quá xa Melbourne, nhưng lại dường như rất gần. Là một thành viên cuả cộng đồng, tôi cảm thấy đồng cảm khi thấy có quá nhiều người bị giết hại một cách vô tội vạ.
"Đó cũng là điều có thể diễn ra cho tôi, bạn bè tôi hoặc gia đình tôi ở bất cứ đâu trên thế giới này”.
Một người phụ nữ tại đây cho biết bà đã định sẽ đi làm nhưng cuối cùng đã đổi ý và đến tham dự đêm tưởng niệm.
“Tôi cảm thấy buồn vô cùng vì những gì đã xảy ra. Tôi thấy mình cần đến với cộng đồng của mình, và thể hiện niềm đau xót của mình theo một cách nào đó.
"Vì vậy, khi nghe nói về đêm trắng này, tôi định là sẽ đi làm nhưng tôi đã nghĩ lại rằng “Không, tôi cần phải đến đây và dành một chút thời gian cho cộng đồng của mình”, người phụ nữ này cho biết.
Một người đàn ông sinh ra tại Mỹ đã diễn thuyết trong buổi tưởng niệm này.
“Thách thức mà tôi đặt ra cho tất cả các bạn ngày hôm nay là: Hãy nhẫn nại, dù người khác ít khi nhẫn nại với chúng ta; Hãy yêu thương, dù chúng ta ít khi được bày tỏ.
"Hãy cho mọi người thấy rằng chúng ta tốt hơn những gì họ mô tả, chúng ta tốt hơn những gì họ nghĩ. Cho họ thấy rằng chúng ta được yêu thương, ộng đồng chúng ta là hiện thân của tình yêu thương và sự tôn trọng.
"Và, hy vọng rằng trong tương lai, những chuyện như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa”, người đàn ông nói.
Theo BBC, những buổi tưởng niệm tương tự cũng đã diễn ra tại nhiều nước khác trên thế giới. Tại Anh, một buổi tưởng niệm đã được tổ chức tại Soho, Luân Đôn, là một trung tâm của cộng đồng người đồng tính.
Tại đây, người ta đã thả lên trời 49 quả bóng bay để tưởng nhớ 49 người tử nạn.
Trong khi đó, tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp cũng được thắp sang bằng đèn màu cầu vồng và màu cở của Mỹ trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả sung ở Florida.
Còn ở Berlin, Đức, hơn 100 người tụ tập bên ngoài Tòa đại sứ Mỹ để thắp nến, đặt hoa và vẫy cờ màu cầu vồng để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số.
Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh treo cờ rủ trên các tòa nhà liên bang cho đến chiều thứ Năm 16/6.