Các doanh nghiệp ở Melbourne cố gắng thích nghi với điều kiện COVID-19

Hamed Allahyari opened the Salama Tea House to support other asylum seekers

Hamed Allahyari opened the Salama Tea House to support other asylum seekers. Source: SBS/Abby Dinham

Các doanh nghiệp nhỏ ở Melbourne đang hồi hộp chờ đợi thông báo của chính phủ liên bang về tương lai của trợ cấp JobKeeper. Phải đối mặt với hạn chế giai đoạn ba trong ít nhất là 5 tuần nữa, các doanh nghiệp nhỏ đang chuyển đổi hoạt động để duy trì, nhưng lo sợ rằng họ sẽ không còn được tiếp tục hỗ trợ vào tháng Chín tới.


Mỗi tối thứ Hai, trong bếp của quán Salama Tea House ở phía tây Melbourne , ông Hamed Allahyari tổ chức một lớp học nấu ăn trực tuyến chuyên về các món của người Ba Tư. Nhờ cung cấp các bí quyết tạo nên hương vị độc đáo của ẩm thực Iran, các lớp học của ông rất thu hút, và các khóa học trong mười tuần đầu tiên đều đã kín chỗ.

Các lớp học đang giúp góp thêm thu nhập cho quán cà phê đã từng rất đông khách của ông, nhưng giờ đây lại phải tiếp tục hoạt động cầm chừng, chỉ có thể bán cho khách mang đi.

“Tôi nghĩ rằng hạn chế lần đầu tiên hồi tháng 3 còn đỡ hơn bây giờ, hạn chế lần thứ hai này nghiêm trọng hơn nhiều. Không khí mua bán rất trầm lắng, ngay cả việc bán thức uống mang đi, hoặc là bán trên mạng cũng không có nhiều đơn hàng.”

Ông đã mở quán Salama Tea House vào tháng 7 năm ngoái, đó là một doanh nghiệp nhỏ chỉ thuê người tị nạn và người mới nhập cư.

Là người xin tị nạn từ Iran đến Úc vào năm 2012, ông Allahyari là một đầu bếp có bằng cấp, nhưng do ông thiếu tiếng Anh và kinh nghiệm làm việc ở Úc nên không thể kiếm được việc làm có lương.

Ông nói rằng làm việc tại Salama Tea House sẽ giúp những người mới đến Úc bắt đầu hòa nhập vào thị trường việc làm Úc.

“Họ thiếu tự tin khi bước vào quán để mua cà phê, vì họ sợ là họ không biết nói tiếng Anh, họ sợ sẽ nói sai. Họ không có cảm giác là một phần của cộng đồng, họ vẫn cảm thấy bản thân là người xa lạ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi nên mở quán này để giúp đỡ họ.”

Khi lệnh hạn chế coronavirus ở Melbourne hồi tháng 3 buộc quán của ông chỉ được bán cho khách mang đi, doanh thu đã giảm đến 90% và ông Allahyari buộc phải cho thôi việc 7 nhân viên thời vụ. Chỉ còn một mình ông bán quán suốt bảy ngày một tuần, và ông dựa vào trợ cấp JobKeeper để có thu nhập cho mình, nhưng khi gói hỗ trợ kết thúc vào tháng 9, ông lo sợ sẽ không xoay sở nổi.

Thanh tra viên chuyên trách mảng Doanh nghiệp Nhỏ, bà Kate Carnell nói rằng các quán cà phê như Salama Tea House sẽ tồn tại sau đại dịch.

“Đó là nơi tạo ra việc làm và có sự cải tiến trong công việc, thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và trung bình, được chính phủ thúc đẩy tăng trưởng để giúp họ đủ tự tin đầu tư vào kinh doanh và thuê nhân công.”

Khi áp dụng phong tỏa lần thứ hai, chính phủ Victoria đã mở rộng Quỹ hỗ trợ kinh doanh, cung cấp 5000 Úc kim để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trong khi đó trên toàn quốc, chính phủ liên bang đã công bố một chương trình JobTrainer nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc đào tạo những người học nghề.

Các khoản thanh toán JobSeeker cho những người mất việc trong đại dịch đã tạm thời tăng lên, trong khi JobKeeper cung cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch với các khoản trợ cấp lương lên tới 1500 đô la mỗi hai tuần để giữ lại việc làm cho nhân viên.
Khoảng ba triệu rưỡi nhân công đã được hưởng lợi từ JobKeeper, nhưng khoản thanh toán này đang được Bộ Ngân khố xem xét và sẽ công bố kế hoạch cụ thể vào ngày 23 tháng 7 tới.
Bà Kate Carnell nói rằng các doanh nghiệp nhỏ chưa sẵn sàng để rời khỏi trợ cấp.

“Những gì chúng tôi cần làm là cung cấp các gói hỗ trợ tại chỗ cho đến khi nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại, cho đến khi không có sự ngưng trệ nào, và cho đến khi dịch COVID được kiểm soát.”

James Wood điều hành CNBSafe, một nhóm tư vấn về an toàn nơi làm việc. Ông mời các diễn giả có kinh nghiệm trực tiếp về tai nạn tại nơi làm việc để cung cấp các bài giảng về an toàn cho các doanh nghiệp.

Cả hai chân của ông Wood đã bị liệt trong một vụ tai nạn tại nơi làm việc hơn 20 năm trước, và phần lớn nhân viên của ông cũng sống trong tình trạng khuyết tật.

Trong làn sóng đầu tiên của đại dịch, tất cả các đơn đặt hàng của CNBSafe đã bị hủy, gây tổn thất khoảng 700.000 đô la. Khi các hạn chế được dỡ bỏ ở Victoria, ông đã có các đơn đặt hàng mới, nhưng sau đó thì hạn chế giai đoạn ba lại được áp dụng.

“Chúng tôi vừa mới bắt đầu nhận được một số cuộc gọi từ những người muốn đưa chúng tôi đến nơi làm việc của họ sau khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Sau đó làn sóng lây nhiễm thứ hai ập đến, và chúng tôi lại mất khách hàng.”

Công việc kinh doanh của ông Wood đã được đa dạng hóa, lấy thông điệp là an toàn trực tuyến, nhưng ông nói rằng sức mạnh của CNBSafe là sự tương tác cá nhân với các diễn giả đã từng gặp tai nạn tại nơi làm việc.

Con gái của ông là Annie cũng đã tung ra một loạt các video an toàn trực tuyến cho trẻ em.

Nhưng ông Wood hy vọng sẽ đưa các diễn giả của mình trở lại sớm nhất có thể, bởi vì những người bị khuyết tật chịu thiệt thòi hơn trong thị trường việc làm cạnh tranh.

“Tôi biết rằng chúng ta hiện có một sự bình đẳng tốt hơn, nhưng trong thực tế, nếu như một chủ nhân phải lựa chọn giữa một người thân thể lành lặn với một ai đó phải sử dụng xe lăn như tôi chẳng hạn, thì tôi nghĩ rằng rất nhiều nhà tuyển dụng sẽ không chọn người như tôi.”

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share