"Chúng ta đang chứng kiến một chính phủ Lao động đang từ bỏ các cộng đồng đa văn hóa, đang tấn công Hiến Pháp của chúng ta, cả vị thế của phán quyết của Tòa án Tối cao và thực sự tìm cách khơi dậy nỗi sợ hãi, qua việc khai thác tình cảm chống nhập cư với hy vọng rằng, điều đó có thể giúp họ giành được một số phiếu bầu trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới”, Kon Karapanagiotidis.
Đó là lời ông Kon Karapanagiotidis, Tổng giám đốc điều hành của Trung tâm Tài nguyên Người Tị Nạn, với một đánh giá gay gắt về bộ luật di trú của Lao Động, sẽ trao cho chính phủ những quyền hạn rộng lớn, bao gồm trục xuất những người không phải công dân đến các nước thứ 3 và ban hành lệnh cấm đi lại.
Trong khi đó Liên Đảng cho biết sẽ ủng hộ các dự luật.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ đối lập là James Paterson cho biết, họ đã làm việc với chính phủ để bảo đảm một số nhượng bộ.
"Đây là những cải cách quan trọng mà Liên Đảng đã đàm phán một cách thiện chí với chính phủ, vì sẽ không cho phép sự lộn xộn và bất tài của họ, khi nói đến an toàn cộng đồng và an ninh quốc gia, gây hại cho công chúng Úc nhiều hơn nữa”, James Paterson.
Được biết các dự luật này bao gồm 3 thay đổi riêng biệt, đối với đạo luật Di Trú do Đảng Lao động đưa ra trong suốt cả năm.
Đầu tiên là dự luật trục xuất gây tranh cãi được đưa ra vào tháng 3, cho phép Bộ Trưởng Di Trú ban hành chỉ thị về lộ trình trục xuất, buộc người không phải công dân phải hoàn thành đơn xin hộ chiếu, hoặc giấy tờ đi lại của họ.
Nếu một người không tuân thủ chỉ thị này, họ sẽ phải đối mặt với án tù tối thiểu 12 tháng.
Các luật này cũng cho phép chính phủ chỉ định cái gọi là, quốc gia có vấn đề trục xuất và áp dụng lệnh cấm toàn diện đối với các đơn xin thị thực từ quốc gia đó, với một số ngoại lệ hạn chế.
Quyền áp đặt lệnh cấm đi lại hiện tại, sẽ được xem xét lại sau 3 năm và sẽ yêu cầu Bộ Trưởng cung cấp danh sách các lý do, tại sao lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào, sau các cuộc đàm phán của Liên Đảng.
Phó giám đốc pháp lý tại Trung tâm luật nhân quyền là Josephine Langbien cho biết, điều này có thể làm tan vỡ các gia đình.
"Những luật này sẽ trao cho chính phủ, quyền chỉ định bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, phải chịu lệnh cấm đi lại theo kiểu Trump".
"Điều đó có nghĩa là, những người ở Úc có gia đình, bạn bè, người thân ở một trong những quốc gia đó, sẽ hoàn toàn không thể đoàn tụ với những người thân của họ”, Josephine Langbien.
Thế nhưng người ta không rõ, những quốc gia nào có thể phải chịu lệnh cấm đi lại.
"Chính phủ Úc từ chối tiết lộ những quốc gia mà họ định nhắm đến để cấm đi lại, vì vậy họ thực sự không thể làm bất cứ điều gì với những quyền hạn này, và Quốc Hội hầu như không có khả năng giám sát điều đó sau này”, Josephine Langbien.
Dự luật thứ hai được đưa ra, sau khi Tòa án Tối cao phán quyết rằng, việc buộc những người từng bị giam giữ vì lý do nhập cư, phải đeo vòng chân và tuân thủ lệnh giới nghiêm là bất hợp pháp.
Theo một nghĩa nào đó, dự luật này lập lại pháp luật chung quanh phán quyết đó, cho phép chính phủ áp dụng lại các điều kiện giám sát khi họ cho rằng, một người không phải công dân gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Dự luật cũng sẽ trao cho chính phủ khả năng trục xuất những người không phải công dân và đàm phán các thỏa thuận với các quốc gia thứ ba, trả tiền cho họ để họ chấp nhận những người bị trục xuất.
Bà Langbien cho biết, không có sự bảo đảm nào cho sự an toàn, của những người bị đưa đến các quốc gia thứ ba.
"Những người bị đưa đến một quốc gia thứ ba theo các thỏa thuận mới này, có thể chỉ đơn giản là bị bỏ lại đó trong suốt quãng đời còn lại của họ, mà hoàn toàn không có sự bảo vệ nào cho sự an toàn của họ, hoàn toàn không có sự bảo vệ nào cho các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu, mà họ cần phải nhận được".
"Mọi người có thể bị đưa đến các quốc gia, không phải là bên ký kết công ước về người tị nạn, hoặc các quốc gia có thể chọn giam giữ mọi người, trong suốt quãng đời còn lại của họ".
"Chúng ta hoàn toàn không biết điều gì sẽ xảy ra, với những người sau khi họ bị lưu đày đến các quốc gia thứ 3 này”, Josephine Langbien.
Được biết biện pháp này có thể được áp dụng cho một nhóm người rộng lớn, khi các viên chức Bộ Nội vụ đã trả lời một cuộc điều tra rằng, có tới 80 ngàn người có thị thực bắc cầu, bị giam giữ vì lý do nhập cư, hoặc bị giam giữ trong cộng đồng có thể bị trục xuất.
Điều này cũng khiến chính phủ được miễn trừ khỏi các vụ kiện dân sự, liên quan đến việc trục xuất một người, hoặc cách đối xử của họ ở một quốc gia thứ ba.
Ông Karapanagiotidis cho biết, điều đó thật đáng lo ngại.
"Tại sao chính phủ lại tìm kiếm quyền miễn trừ pháp lý từ nơi họ gửi người đến, nếu họ có bất kỳ sự tự tin nào vào những gì họ sắp làm”, Kon Karapanagiotidis.
Còn ông Paterson cho biết họ đã được bảo đảm rằng, các luật sẽ không được sử dụng theo cách vi phạm luật pháp quốc tế.
"Các viên chức Bộ Nội vụ đã giải quyết những câu hỏi này và chúng tôi tin vào lời họ nói rằng, họ không có ý định trục xuất bất kỳ ai, vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi".
"Bất kỳ chính phủ nào, Liên Đảng đều sẽ có nghĩa vụ theo dõi chặt chẽ một cách nhất quán”, James Paterson.
Được biết cả hai dự luật cũng mở rộng khả năng của Bộ trưởng Di trú, trong việc xem xét lại các quyết định bảo vệ.
Một số nghị sĩ thuộc các đảng nhỏ khác, đã chỉ trích hành động này của các đảng lớn.
Thượng nghị sĩ đảng Xanh là David Shoebridge cho biết, đó là luật hết sức nghiêm khắc.
"Đây thực sự là một biện pháp luật định cực đoan nhất mà Úc từng chứng kiến, kể từ khi Chính sách Nước Úc Da Trắng, bị bãi bỏ vào đầu những năm 1970”, David Shoebridge.
Phần cuối cùng của hệ thống là dự luật về các mặt hàng bị cấm, cho phép các cảnh sát tịch thu các mặt hàng mà họ cho là nguy hiểm, như điện thoại di động đối với những người trong trại giam giữ người nhập cư.
Đây là sự hồi sinh của dự luật của Liên Đảng năm 2020, được đưa ra do lo ngại rằng, những người bị giam giữ đang phạm tội trong các cơ sở, mà đảng Lao Động trước đó đã bỏ phiếu bác bỏ.
Trong khi đó Thượng nghị sĩ độc lập là Kylea Tink cho biết, những người nhập cư bị giam giữ không nên bị đối xử như tù nhân.
"Các trung tâm giam giữ không phải là nhà tù, do đó những người điều hành chúng không nên hoạt động như cảnh sát".
"Nếu có tội phạm xảy ra trong trại giam, thì việc rút lực lượng cảnh sát và để hệ thống pháp luật, xử lý những người đó là đúng đắn”, Kylea Tink.
Trong khi đó những người ủng hộ đã cảnh báo rằng, điện thoại thường ghi lại các điều kiện thực tế bên trong trại giam và biện pháp này có thể cắt đứt các đường dây liên lạc quan trọng, cũng như tăng cường giám sát.
Dự luật có điều khoản bảo vệ, nêu rõ những người bị giam giữ phải được cung cấp "phương tiện liên lạc thay thế", để được tư vấn pháp lý hoặc liên lạc với gia đình.
Trong khi đó ông Behrouz Boochani là một nhà văn, đã bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Đảo Manus trong 7 năm.
Mặc dù điện thoại bị cấm trong cơ sở này, nhưng ông đã lén mang một chiếc vào, rồi sử dụng nó để ghi lại những trải nghiệm của mình, cũng như nói chuyện với các nhà báo, tổ chức nhân đạo và gia đình.
Ông nói rằng lệnh cấm sẽ khiến những người xin tị nạn, không được công chúng chú ý.
"Hệ thống giam giữ của Úc được thiết kế để kiểm soát hoàn toàn và một phần của nó là phương tiện truyền thông".
"Bạn biết đấy, hệ thống được thiết kế để khiến người tị nạn không được nhìn thấy và không được nghĩ đến”, Behrouz Boochani.
Và điều đó có thể khiến mọi người, mất tất cả mọi thứ một lần nữa.
"Hầu hết những người tị nạn đã sống trong xã hội như những người tự do và đã ổn định cuộc sống trong cộng đồng của riêng mình".
"Họ đã cống hiến cho xã hội trong nhiều năm và giờ đây chính quyền lại muốn đưa họ vào trại giam một lần nữa”, Behrouz Boochani.