Lãnh đạo các tôn giáo tụ tập về Sydney để lên tiếng về mối nguy của tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sự sống còn của các gia đình và cộng đồng trên toàn nước Úc.
Chủ tịch Hội đồng Tôn giáo vì Biến đổi Khí hậu, Thea Ormerod, nói rằng mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ hành tinh này cho nên các tôn giáo cũng sẽ góp phần.
"Chúng ta có thể có niềm tin khác nhau nhưng có một chuyện chúng ta thống nhất với nhau là hành động vì biến đổi khí hậu bởi vì chúng ta đều có những giá trị giống nhau đó là tinh thần trách nhiệm, sống vì người khác, vì công lý, và không chỉ theo đuổi đời sống vật chất và giàu sang.”
Ký tên vào lá thư ngỏ gởi đến Thủ tướng Scott Morrison là hơn 150 lãnh đạo tôn giáo trên khắp nước Úc, Hội đồng Tôn giáo vì Biến đổi Khí hậu kêu gọi chính phủ hãy ngưng toàn bộ việc khai thác than đá và khí đốt, kể cả mỏ than của công ty Adani ở tiểu bang Queensland.
Thầy Do thái giáo Jonathan Keren-Black cho biết họ muốn thấy chính phủ đầu tư nghiêm túc cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió, với mục tiêu tối hậu là từ nay đến năm 2030 chuyển hoàn toàn qua năng lượng tái tạo.
"Chúng ta đã khai thác năng lượng gió và mặt trời trên khắp nước Úc và ở Queensland cung cấp hàng ngàn việc làm và duy trì một kỹ nghệ năng lượng tái tạo, cho nên sẽ tốt hơn rất nhiều thay vì khai thác thêm than đá từ các mỏ than của Adani."
Nữ tu Công giáo Libby Rogerson nói nhiều cộng đồng thiểu số đang chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiên liệu từ than đá làm dâng mực nước biển, và gây ra cường triều trong eo biển Torrests làm cho nhiều người trở thành vô gia cư.
Biến đổi khí hậu cũng gây ra hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống của dân chúng ở thôn quê.
Nữ tu Rogerson nói chúng ta cần có hành động dứt khoát để ngăn chặn tình trạng suy thoái vì biến đổi khí hậu.
"Chỉ nói rằng Úc không gây tác động lớn trên bình diện toàn cầu là không đủ. Là những công dân có lương tâm và trách nhiệm của trái đất, chúng ta phải có hành động, hành động ngay hôm nay chứ không chờ đến ngày mai."
Giới lãnh đạo tôn giáo thúc giục chính phủ không chỉ cắt giảm khí thải mà Úc còn phải làm gương cho thế giới.
Thầy Hồi giáo Ahmed Abdo cho biết nhiều đền hồi giáo tại Úc đã chuyển qua sử dụng năng lượng sạch.
"Tính đến nay chúng tôi đã lắp đặt hàng trăm tấm pin mặt trời trên mái nhà của nhiều ngôi đền và trung tâm Hồi giáo. Chúng tôi cũng đang áp dụng chương trình tái chế và đó chỉ là một phần của các nỗ lực của chúng tôi để bảo đảm giữ gìn hành tinh của chúng ta cho các thế hệ tương lai."
Nhưng chính phủ liên bang không muốn nâng mục tiêu cắt giảm khí thải, vốn đã tăng đáng kể sau khi thuế khí thải được hủy bỏ cách đây 5 năm.
Thủ tướng Scott Morrison nói rằng chính phủ sẽ làm việc với các tiểu bang và lãnh thổ để hoàn thành chỉ tiêu năng lượng tái tạo là 26 phần trăm trước năm 2030, mặc dù mục tiêu này được đề ra cách đây đã 14 năm rồi.
Một phúc trình của Hội đồng Khí Hậu Úc châu tìm thấy thời tiết khắc nghiệt ngày càng thêm lên cao và thường xuyên hơn, trong khi 4 năm vừa qua là 4 năm nóng nhất kỷ lục về nhiệt độ trên bề mặt địa cầu.
do Hội đồng Khí hậu soạn thảo đã tìm thấy, năm 2018 là năm nóng kỷ lục trên các đại dương của chúng ta.
Chủ tịch Hội đồng Khí Hậu Úc châu là bà Amanda McKenzie cho biết, trong 4 năm qua các hiện tượng nầy ngày càng gia tăng về tính chất khắc nghiệt và thường xuyên hơn.
“Khi nạn ô nhiễm gia tăng trong không khí do than đá, dầu hỏa và khí đốt, chúng ta thấy lượng khí nầy giữ lại hơi nóng trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu vốn gia tăng từng năm một. Việc nầy khiến dẫn đến cá sự kiện thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu”.
Theo phúc trình công bố hồi tháng 2 năm nay, trong 10 năm qua thì có đến 9 năm nóng kỷ lục tai Úc, kể từ năm 2005.
Tại các lục địa khác thời tiết trong những năm trở lại đây cũng khắc nghiệt không kém, với các trận cháy rừng ngày càng gia tăng tại California, một cơn lạnh giá khủng khiếp tại nhiều nơi ở Hoa kỳ cùng một luồng hơi nóng gây chết người thổi qua khắp lục địa Âu châu.