Trong trận lụt vừa qua nhìn thấy cảnh chiếu trên TiVi các bến phà bị nước cuốn đi, rồi ngay cả một cái cần trục xây cất cũng trôi lềnh bềnh trên sông Brisbane, thì có phải vì kiến trúc xây dựng của những chổ đó không đủ tiêu chuẩn hay không?
Nguyên tắc trong thiết kế là phải bảo đảm bốn yếu tố: Kinh tế - Bền vững (an toàn) – Thẩm Mỹ - Khả Thi. Phải có sự hài hòa cân đối giữa bốn yếu tố này.
Hơn nữa, tiêu chuẩn thiết kế sẽ luôn cập nhật theo thời gian và phương tiện thi công cũng ngày càng tiến bộ, cho nên bản thân người kiến trúc sư, kỹ sư phải luôn cập nhật hóa kiến thức của mình.
Để được giải thích một cách chi tiết hơn, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm sau đây giữa Hưng Việt và ông Phạm Thanh Tân, một kỹ sư với gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng cầu đường, bến cảng ở Brisbane.
Hưng Việt: Dạ kính chào anh Tân
Tân Phạm: Dạ kính chào anh Việt và quý thính giả đài SBS
Hưng Việt: Từ khi anh ra trường anh làm việc ba mươi mấy năm cho nhiều cty tư vấn để thiết kế nhiều đề án xây cất đường xá, bến cảng này kia, thì thưa anh có thể kể một vài cái đề án nào mà anh nghĩ đáng nhớ mà anh đã tham gia không ạ?
Tân Phạm: Dạ tui cũng có một vài công trình mà bây giờ ngồi nghĩ lại có nhiều kỷ niệm đối với tui, thí dụ như công trình lớn nhất mà tui làm là công trình cảng số 4 ở bến cảng Townsville mới vừa xong cách đây hai ba năm khá là lớn. Giá thành của nó là khoảng năm mươi mấy sáu chục triệu đô la Úc, thiết kế cho những chiếc tàu là 220m và tổng sản lượng của một chiếc tàu đậu của bến cảng đó là 250,000 tấn. Tui đã tốn hai ba năm để làm đầu toán thiết kế và trông coi trong quá trình xây cất cũng mấy năm trời.
Ngoài ra tôi còn có đóng góp thêm một cái cảng nữa ở thành phố Gladstone. Cảng đó là cảng đặc biệt để người ta xuất khẩu khí lỏng LNG qua các nước khác.
Rồi nói về khu vực ở Brisbane thì tui có đóng góp một công trình cầu Jetty ở Redcliffe mà chắc nhiều người biết. Chúng tôi đại diện cho Redcliffe City Council sửa chửa cho nó an toàn.
Hưng Việt: Những đóng góp đó quả thật là những credentials, những thành tích đáng kể trong thời gian làm việc của anh.
Thưa anh bây giờ nói tới chuyện xây cất những công trình ở cảng và trên đất liền thì có sự khác nhau, khi thiết kế nó đòi hỏi một người kỹ sư phải nghiên cứu các yếu tố như thế nào?
Tân Phạm: Dạ công trình trên đất liền, thí dụ nhưcầu hay nhà cửa thì phải thiết kế để nó chịu được những áp lực đè lên trên công trình đó. Thí dụ, cầu thì áp lực từ xe cộ, những xe nặng, xe tải, xe truck, v.v… Nhà cửa, những nhà cao tầng thì thiết kế để chịu được gió bão là chủ yếu. Riêng công trình biển thì lại đặc biệt phải thiết kế chịu gió bão là một phần, một phần nữa là chịu những sóng đánh và những dòng thủy triều, những dòng nước chảy đi ngang qua những công trình biển đó. Và đặc biệt công trình biển thì là nền móng nằm dưới mặt nước nên khá phức tạp so với ở trên đất liền. Đất ở dưới nước mình phải có nghiên cứu như thế nào để cho nó không bị soi mòn theo dòng chảy của nước. Khi nó bị sói mòn thì nền móng không ổn định. Hoặc khi bị sóng nước thì nền móng bị ảnh hưởng rất nhiều. Mình không có thể để cho công trình có mức dao động lớn. Anh thấy khi mà trời mưa lũ lụt thì là cái cầu lắc lư quá sẽ không an toàn. Còn cây cầu mà nằm trên cạn, thì không có những vấn đề đó. Nói về vấn đề này thì tui cũng có thiết kế nhiều bến phà và những bãi đậu tàu trên sông Brisbane cũng như là những cái boardwalk là đường đi bộ cho người dân cũng khá là nhiều lần, đặc biệt sông Brisbane phức tạp. Dưới sông Brisbane khoảng hai ba metre là đất bùn không chịu lực được. Dưới đó thì nó lại là đá, mà đá dưới lòng sông Brisbane thì độ dốc nó nhiều khi tới 45 độ. Thành ra nhiều khi mà anh khoan xuống để anh đặt cọc rất là khó.
Hưng Việt: Thưa anh so với trận lũ lụt năm 2011 thì năm nay tương đối ít hơn nhưng mà chúng ta thấy ở trên truyền hình có chiếu những cái pontoon đó, mà cũng như là những cái phà đi… thì nó bị nước cuốn đi thì lý do là tại làm sao nó bị xảy ra như vậy? Thiết kế không đủ vững chắc hay tại luồng nước quá mạnh hơn là dự tính?
Tân Phạm: Tui cũng đã thiết kế nhiều bến phà, nhiều cái pontoon ở khắp tiểu bang Queensland này và các tiểu bang khác nữa. Tất cả những công trình thiết kế ở Úc, là phải theo tiêu chuẩn của Úc. Nhiều khi tiêu chuẩn của Úc không có đủ cho nên mình phải kèm thêm tiêu chuẩn của Anh hoặc là những tiêu chuẩn bên Âu châu. Tiêu chuẩn của Úc quy định là những pontoon loại bình thường để cho người dân đậu tàu thì thiết kế với design life - tiếng Việt dịch ra đời sống thiết kế thì khoảng chừng 25 năm mà thôi. Tại vì rất khó để thiết kế cho vật liệu an toàn trên những công trình lắc lư theo sóng quanh năm như vậy. Ở dưới nước thì vật liệu không có bền như là ở trên cạn vì nước làm ảnh hưởng tới kim loại như là thép, như là nhôm hay là gì đó thì nó cũng mau hư hại.
Sau trận lụt năm 2011, thí dụ như khi thiết kế một cái pontoon, thì một trong những tiêu chuẩn thiết kế là khi mà có dòng nước lũ lụt chảy ngang với độ chảy thí dụ như là 3.1m/giây, và đồng thời là anh phải thiết kế thế nào khi mà có những cái cây khô trôi mà đậu trên đó với độ cao là của cây khô đó chỉ trên khoảng 2m thôi. Mà thí dụ như là nó xui xẻo có những tảng cây khô kéo tới dầy hơn cái đó hay là dòng nước ngay chỗ đó cao hơn 3.1m thì có thể là công trình của anh sẽ không an toàn, có thể trôi đi. Nếu như mà anh design tiêu chuẩn quá an toàn thì nó quá mắc không chịu nổi.
Hưng Việt: Tôi cũng định hỏi anh là trong trận lụt 2011 mình thấy có cái nhà hàng nổi nó trôi đi rồi kỳ đó nó không đụng vô cái pontoon nào hết. Nó đụng vô cái cầu rồi nó dính ở đó luôn. Nhưng mà lần này có một cái tháp cũng bị trôi đi, người ta hết sức lo lắng là phải chận nó lại chứ không thôi là nó đập vô những thành pontoon rất là nguy hiểm khi… thí dụ như anh nói là có một tảng cây nó đập vô một cái phà như vậy thì mình phải chịu thôi chứ kỹ sư làm sao có thể tính được trước phải không ạ?
Tân Phạm: Dạ tại vì mình phải thiết kế tính theo tiêu chuẩn của Úc viết ra bởi những chuyên gia về kỹ thuật theo kinh nghiệm lâu năm, mà đồng thời họ cũng căn cứ kiến thức kinh nghiệm các nơi trên thế giới để họ định tiêu chuẩn đó cho nó vừa phải, không làm công trình trở nên quá mắc mỏ, cho nên mình phải thiết kế theo cái đó mà xui xẻo incident nó cao hơn tiêu chuẩn của Úc thì đó là một cái may rủi mà thôi.
Anh nhắc lại năm 2011 thì cái nhà hàng nổi ở Milton trôi theo dòng sông, tại vì hồi đó tiêu chuẩn của Úc không quá cao. Thiết kế hồi trước là theo quy định thiết kế cho Q100 tức là tần suất 100 năm. Cái tần suất tức là cái probabilty của trận lụt năm 2011 là trên 120 năm lận. Cái hồi xưa là thiết kế cho phép (ASD Allowable Stress Design), bây giờ theo chiều hướng mới là thiết kế tới hạn là Ultimate design.
Bây giờ người ta tính là thiết kế tới hạn nhà cửa là ngang tới 200 năm. Cho nên trận lụt năm 2011 nó vượt quá tần suất thiết kế của những công trình như là nhà hàng nổi ở Milton. Cho nên tui cũng không ngạc nhiên khi thấy nó đã vượt khỏi cái cọc đóng, trôi đi luôn.Hưng Việt: Nhưng mà lần này nó vẫn trôi.
Kỹ sư Tân Phạm Source: Supplied
Tân Phạm: Có nhiều cái công trình là mực nước chưa dâng lên khỏi cây cọc nhưng mà nó bị những cái object trôi trên dòng nước nó quá nặng quá mạnh, nó tán vào trong pontoon làm cho cọc nó bị gãy. Pontoon nó sẽ trôi đi. Theo như tui biết đó là cái luật của Brisbane City Council là từ sau trận lụt 2011, người ta bắt buộc là anh phải có một dây thép an toàn buộc cái pontoon vô trong cái bờ sông. Nhưng mà cái gì thì cũng có thiết kế theo cái tiêu chuẩn nhất định mà thôi, không thể nào làm quá mạnh và quá sức được.
Hưng Việt: Thưa anh, làm sao mà mình có thể tiên đoán được trước tất cả mọi diễn tiến hay mọi cái trường hợp phải không anh? Bởi vì thiên nhiên là thiên nhiên. Có thể một hôm nào đó trời đùng đùng mà mưa bão thật lớn hay tornado chẳng hạn. Nó chưa xảy ra ở Brisbane nhưng mà rủi mà nó xảy ra thì các công trình thiết kế đó có đã dự liệu một cái tornado chưa anh?
Tân Phạm: Theo tui biết là chưa vì lý do là ở Brisbane của mình là không có bị cyclone mà phải từ Bundaberg trở lên hướng Bắc mới bị. Cho nên Brisbane là theo tiêu chuẩn của nước Úc là mình không có phải thiết kế để chịu đựng những trận cyclone lớn. Thí dụ ở Townsville là phải thiết kế chịu cyclone với vận tốc ở tâm điểm là khoảng 270 - 280km/h, mà ở Brisbane với vận tốc khoảng 180km/h thôi. Khi mà xui xẻo có những cái tai ương hơn cái mức quy định tiêu chuẩn Úc là đành phải chịu.
Hưng Việt: Thưa anh, chúng ta thấy có những vùng như là Rosalie nè, Oxley nè, Rocklea nè lần trước bị thiệt hại rất nặng nề rồi lần này họ cũng phải gánh chịu nữa, theo anh nghĩ thì có cách gì hay luật lệ về kiến trúc, cấu trúc có thể thay đổi được không để không có gặp thảm họa như vậy lần nữa anh.
Tân Phạm: Dạ, nói ra thì đôi khi người dân mình không tưởng tượng được, nhưng trong ngành kỹ thuật thì cũng như các ngành khác thì càng ngày người chuyên viên kỹ thuật càng học hỏi thêm, càng có nhiều kinh nghiệm hơn. Thí dụ như trong vấn đề tiêu chuẩn thiết kế mà tui nói với anh là được viết ra bởi chuyên gia của nước Úc thì họ học hỏi những kinh nghiệm của các nước ngoài và nước Úc càng ngày càng nhiều hơn. Số liệu và data càng ngày càng nhiều hơn, tiêu chuẩn thiết kế sẽ thay đổi để phù hợp, thành ra một người kỹ sư thiết kế thì lúc nào cũng phải update học hỏi kiến thức. Tiêu chuẩn của nước Úc cứ vài năm là thay đổi một lần để update với những dữ kiện xảy ra.
Theo như tui biết những vùng thấp đó là hồi xưa chánh phủ quy hoạch cho cất nhà vì hồi đó người ta chưa hiểu là những vùng đó nó sẽ bị lụt, xác suất lụt là bao nhiêu. Bây giờ đã quá trễ rồi không thể đuổi họ đi được hay là phá sập những cái đó được, mà chánh phủ chỉ tìm những cái biện pháp để giảm thiểu mối nguy hại đó đi. Thí dụ như là khuyến khích người ta xây nhà cao lên, hay là vét những con kênh rạch để khi mưa bão đến thoát nước nhanh hơn để cho những trận flash flood nó càng ngày càng ít đi mà thôi.
Nói về phương diện kỹ thuật thì lúc nào cũng có lời giải hết. Thí dụ bây giờ anh xây cái đập Wivenhoe cho nó lớn hơn gấp 2 lần thì cái trận lụt năm 2011 cũng sẽ cũng giảm xuống 3m, 4m cũng được nhưng mà cái số tiền và công trình đó người dân có chịu nổi không. Theo tui biết là khoảng năm 1800 mấy thì có trận lụt lớn hơn ngay cả trận lụt 2011. Hồi đó Brisbane này là mực nước dâng lên tới sáu bảy mét lận, chứ không phải là bốn metre mấy vừa rồi như hồi năm 2011 đâu tại vì hồi đó chưa có cái Wivenhoe Dam. Sau khi họ xây cái Wivenhoe Dam thì cũng trận lụt tương tự như vậy mà mực nước dâng lên chỉ có 4.4m, 4 mét mấy thôi.
Hưng Việt: Thưa anh, anh nói đúng là qua những kinh nghiệm đó thì người ta học hỏi thêm những biện pháp kỹ thuật khác để làm giảm thiểu nó đi nếu không muốn nói là ngăn chặn. Thí dụ như chỗ tui biết kỳ này BCC Hội đồng thành phố Brisbane có những cái gọi là reverse pump để pump nước ngược trở ra thì nó cũng giúp được một phần nào.
Tân Phạm: Dạ đúng rồi anh. Nói chung về phương diện kỹ thuật thì cũng có nhiều cách để làm giảm thiểu nó lắm, nhưng phải so sánh cost và benefit. Thành ra chánh quyền quyết định là có nên làm hay không mà thôi.
Hưng Việt: Hỏi thêm anh một câu nữa là trong quá trình làm việc ba mươi mấy năm của anh, sau khi thiết kế một công trình xây dựng rồi có khi nào anh nhìn lại quá khứ, anh nói cái công trình đó tôi có thể đã làm khá hơn được hông?
Tân Phạm: À có, có chứ anh.
Hưng Việt: Anh không cần phải nêu tên cái đó ra. Anh cảm thấy sao? Anh có những cái hành động gì để thay đổi nó hay không?
Tân Phạm: Khi làm một công trình nào mình cũng có áp lực thời gian và áp lực về tiền bạc cho người chủ đầu tư. Thì mình phải thiết kế thế nào mà nó an toàn đương nhiên là trên hết, thứ hai là phải nhanh và đúng thời gian và kỳ hẹn với người khách hàng, đúng ngân sách. Đương nhiên khi mà chịu những áp lực đó nhiều lúc anh làm hơi quá an toàn, tốn tiền người ta mà sau này anh nghĩ lại anh biết cái đó không cần thiết nhưng mà nó đã qua rồi. Chỉ có khi nào anh làm mà anh nghĩ nó không an toàn thì cái đó nó không tốt. Nó rất là lo lắng. Thì tôi cũng có một hai cái công trình như vậy nhưng mà may mắn một cái là ở Úc này thì vấn đề an toàn là quan trọng hàng đầu. Cho nên dù rằng anh bị áp lực thế nào, nhưng mà anh cũng phải làm cho nó an toàn là trước nhất.
Trong ngành công chánh xây dựng đôi khi công trình mình nó ảnh hưởng tới sức khỏe của rất là nhiều người. Thí dụ một cây cầu lớn thì hàng ngày có khoảng mấy chục ngàn xe chạy ngang mà nếu mà nó bị ảnh hưởng, bị hư hại thì tai nạn khá là lớn, chết người là như chơi chứ không có đơn giản, cho nên may mắn là tiêu chuẩn của Úc khá là an toàn.
Tôi chỉ nhớ là có một hay công trình gì mà mình có thể làm rẻ hơn chút đỉnh, tiết kiệm tiền nhiều hơn chút xíu nhưng mà chưa làm được vì những cái áp lực như vậy thôi.
Hưng Việt: Nhưng mà chắc không sao đâu anh. Thà mắc nhưng mà an toàn, còn hơn rẻ mà nguy hiểm cho dân chúng.
Tân Phạm: Sẵn đây tui kể anh một câu chuyện cũng khá là vui. Hồi tui còn trẻ khoảng chừng năm, bảy năm kinh nghiệm thôi. Lúc đó tui làm công trình cho một cái bến đậu tàu ngay Eagle Street Pier phía sau đó, mà bến tàu đó cho tàu Kookaburra Queen đậu.
Lúc tui thiết kế chỗ mối nối của cây cầu và cái bến phía trong có những bù lon hơi khá là nhỏ, rất là sát mí, tui cũng rất là lo. Rồi tui báo cáo cho người sếp của tui lúc đó, sếp của tui nói: ”thôi vậy là được rồi tại vì tất cả mọi tiêu chuẩn của Úc này đều có hệ số an toàn trong đó hết. Tại you còn trẻ quá, you lo lắng quá nhiều, không sao hết. Nhưng mà từ năm 1988 - 89 tới giờ là nó cũng vẫn an toàn. Không biết kỳ lụt này có sao không tui chưa ra city chưa biết.
Hưng Việt: Nhưng mà trong bao nhiêu năm đó anh cũng mất ngủ từng đêm phải không ạ…
Tân Phạm: Một hai đêm đầu
Hưng Việt: Dạ cám ơn anh Tân rất là nhiều đã dành thì giờ quý báu của anh để giải thích về những kỹ thuật xây cất, ngoài ra anh còn kể lại những câu chuyện, những kinh nghiệm làm việc của anh. Xin cám ơn anh Tân rất là nhiều ạ.
Tân Phạm: Dạ cám ơn anh Việt rất nhiều và cám ơn quý thính giả của đài SBS.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung