Cô bé Thandar Win, 9 tuổi, muốn trở thành cô giáo trong tương lai.
Nhưng vào lúc này, em đang vất vưởng trên các con đường tại thành phố Mawlamyine ở Miến Điện, sau khi cha mẹ em bị mất hết thu nhập trong đại dịch.
‘Chúng cháu đã đi ăn xin được sáu ngày rồi, có bao nhiêu tiền cháu đều đem về cho mẹ, để mẹ đi mua thức ăn cho cháu.’
Hoàn cảnh của em cũng giống như hàng ngàn trẻ em bất hạnh khác, theo kết quả điều tra của tổ chức WorldVision, khảo sát 14,000 hộ gia đình tại chín quốc gia Á Châu.
8% người được hỏi cho biết họ phải cho con đi ăn xin và làm các công việc được mô tả là “nguy hiểm”.
70% trong số đó đã hết sạch tiền vì không còn thu nhập.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, cha của Thandar là tài xế lái xe trishaw, một loại xe ôm, còn mẹ em chuyên giặt quần áo cho các gia đình trong xóm.
Khi Covid-19 ập đến, lệnh giới hạn đi lại được áp dụng, và không còn ai gọi cha em để chở đi nữa. Sau đó người mẹ lâm bệnh.
‘Lúc đó, cha cháu phải đi tiệm cầm đồ để cầm chiếc xe trishaw vì trong nhà hết tiền. Cả nhà rất buồn. Đó là những ngày chúng cháu không có một bữa ăn nào ra hồn, mà chỉ toàn ăn cháo.’
Khi trong nhà không còn phương tiện kiếm tiền, bọn trẻ phải ra đường xin ăn.
Tại đất nước láng giềng Bangladesh, 34% trẻ em sống trong những gia đình bị mất thu nhập vì dịch bệnh cũng bị cha mẹ yêu cầu đi ra ngoài xin ăn.
Tại Cam Bốt, 28% gia đình cũng phải cho con ra ngoài đường xin ăn.
Đồng tác giả của nghiên cứu, bà Ellie Wong nói tổ chức WorldVision ước tính có tới 8 triệu trẻ em phải trở thành những người lao động nhỏ tuổi hoặc đi ăn xin trong năm nay.
Những kết quả trích ra từ nghiên cứu của tổ chức Worldvision, dựa trên dữ liệu về dân số của Liên Hiệp Quốc.
‘Chúng tôi biết khi trẻ em đi xin ăn ngoài đường, chúng sẽ phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm rình rập như bắt cóc hoặc lạm dụng.’
Bà Laila, một góa phụ 45 tuổi, và là mẹ của hai cậu con trai, cả nhà sống ở Bangladesh.
Trước đại dịch, bà đi làm thuê cho ba gia đình, nhưng lệnh phong tỏa xảy ra đã khiến bà bị mất việc.
‘Không ai mướn tôi tới nhà họ làm việc nữa. Tôi bắt đầu đi bán bánh nhưng cũng chẳng ăn thua, vì để giữ an toàn, không ai muốn tiếp xúc với tôi cả. Tôi tuyệt vọng và phải đi xin ăn hết nhà này tới nhà khác, nhiều người không thể giúp tôi được vì bản thân họ cũng ở trong hoàn cảnh tương tự.’
Bà Ellie Wong nói dịch bệnh ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, tại các nước Á Châu.
‘Tôi nghĩ Covid-19 không trung lập về giới tính, phụ nữ bị tổn thương nhiều hơn và đối mặt với nhiều trở ngại hơn nam giới. Phụ nữ thường tập trung làm các công việc không chính thống, với thu nhập ít ỏi, vì vậy gặp nguy cơ cao hơn trong khủng hoảng.’
Nghiên cứu mới nhất này là bằng chứng cho thấy những dự báo về hậu quả khủng khiếp của Covid-19 đang dần trở thành hiện thực với nhiều người dân trên thế giới.
Và quý vị có thể cập nhật tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus