Cuộc chiến Hamas-Israel, một năm nhìn lại

An IDF soldier tries to extinguish burning cars following a rocket attack from the Gaza Strip on southern Israel on October 7, 2023 (Getty)

An IDF soldier tries to extinguish burning cars following a rocket attack from the Gaza Strip on southern Israel on October 7, 2023 Source: Getty / AHMAD GHARABLI/AFP

Đã một năm trôi qua kể từ khi Hamas phát động một cuộc tấn công vào Israel, đẩy khu vực này vào một cuộc chiến tranh và chìn trong một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Cùng nhìn lại những gì đã xảy ra từ đó đến nay.


Vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, Hamas đã phát động các cuộc tấn công vào Israel, xâm nhập vào đất nước này từ dải Gaza bằng các cuộc tấn công từ trên không, trên bộ và trên biển.

Hamas cai quản Dải Gaza và bị một số quốc gia, bao gồm cả Úc, liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Hamas đã trả đũa lệnh phong tỏa Gaza của Israel kể từ năm 2007 khi Israel tuyên bố Hamas là một thực thể thù địch, nhưng cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 là cuộc tấn công chết chóc nhất vào Israel trong nhiều thập kỷ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết Hamas đã phạm nhiều tội ác chiến tranh, bao gồm cả giết hại thường dân và bắt cóc bạo lực.

Cuộc tấn công ngày 7/10 khiến khoảng 1200 người đã thiệt mạng, chủ yếu là người Israel, và hơn 240 người bị bắt làm con tin. Trung Tâm về Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế (Centre for Strategic and International Study) đánh giá đây là một trong những cuộc khủng bố tệ hại nhất trong lịch sử

Ngay sau cuộc tấn công, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp của Nội các Quốc gia, nói rằng ưu tiên của ông là "làm sạch" đất nước khỏi các thế lực thù địch và "bắt chúng phải trả giá đắt".

"Công dân Israel, chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, không phải trong một chiến dịch hay trong các đợt đụng độ, mà là trong chiến tranh. Sáng nay, Hamas đã thình lình phát động một cuộc tấn công giết người nhằm vào Nhà nước Israel và công dân của đất nước này. Chúng ta đã ở trong tình trạng này từ sáng sớm."

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Israel.

"Trên phố, trong nhà của họ, những người dân vô tội bị giết hại, bị thương, nhiều gia đình mà cả nhà đều bị Hamas bắt làm con tin chỉ vài ngày sau khi Israel kỷ niệm ngày lễ linh thiêng nhất trong lịch Do Thái. Thật vô lương tâm. Quý vị có biết là sáng nay khi tôi nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu, tôi nói với ông ấy rằng Hoa Kỳ ủng hộ người dân Israel trước những cuộc tấn công khủng bố này. Israel có quyền tự vệ và bảo vệ người dân của mình. Chấm hết."

Ngay sau ngày 7 tháng 10, chỉ trong một tuần, Không quân Israel đã thả 6000 quả bom xuống Gaza.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã ra lệnh bao vây toàn diện, cắt điện và chặn đường vận chuyển lương thực và nhiên liệu, bất chấp cảnh báo của Hoa Kỳ về điều này.

Đến ngày 27 tháng 10, Israel đã bắt đầu một chiến dịch trên bộ quy mô lớn ở Gaza.

Sau sáu tuần, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về nạn đói sắp xảy ra trong bối cảnh thiếu nhiên liệu và thiếu viện trợ, khi hàng ngàn xe tải xếp hàng tại cửa khẩu Rafah ở biên giới với Ai Cập.

Israel tuyên bố rằng nếu viện trợ đến được Gaza, nó sẽ rơi vào tay Hamas.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Francesco Albanese đã phủ nhận những tuyên bố đó.

"Israel không có bằng chứng nào để nói như vậy, và thêm nữa là viện trợ sẽ được Liên hợp quốc giám sát. Viện trợ là vô cùng cần thiết... Vì vậy, Liên hợp quốc đã bảo đảm rằng họ sẽ giám sát bất kỳ thứ gì đã vào, và cho đến nay chỉ có một chục xe tải vào. Nó chỉ là muối bỏ bể."

Sau một thỏa thuận do Hoa Kỳ làm trung gian, cửa khẩu Rafah đã mở lại để một số xe tải cứu trợ với các vật dụng khẩn cấp vào Gaza.

Với sự giúp đỡ của Qatar, Israel và Hamas đã đồng ý ngừng bắn tạm thời ở dải Gaza, theo đó 105 con tin được thả để đổi lấy 240 tù nhân Palestine bị giam giữ trong nhà tù của Israel.

Sau bảy ngày tạm dừng, giao tranh lại tiếp diễn. Sự phẫn nộ của quốc tế đối với cuộc xung đột đang diễn ra ngày càng tăng khi số thương vong tăng cao.

Nam Phi đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế cáo buộc Israel về những gì mà họ cho là hành vi diệt chủng ở Gaza, yêu cầu can thiệp khẩn cấp. Israel đã phủ nhận những tuyên bố này.

Vào giữa tháng 11, sau một ngày bao vây lực lượng Israel đã tiến vào bệnh viện lớn nhất Gaza, Al Shifa, tuyên bố tìm thấy vũ khí và đường hầm của Hamas.

Người phát ngôn của Hamas Osama Hamdan phủ nhận bệnh viện là trung tâm chỉ huy.

“Họ không nói về đường hầm. Họ tuyên bố rằng bệnh viện này là trung tâm chỉ huy, kiểm soát, quản lý và thống trị, một vấn đề lớn hơn hiều so với một đường hầm. Đó là gì? Không có gì như vậy cả."

Tác động của cuộc xung đột lan rộng khi các nhóm khu vực khác bắt đầu tấn công trong cái mà họ gọi là đoàn kết với người Palestine.

Phiến quân Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công các tàu thương mại ở Hồng Hải, làm gián đoạn một tuyến đường thương mại toàn cầu quan trọng

Mối quan ngại toàn cầu về một cuộc xung đột rộng lớn hơn đã gia tăng khi một cuộc tấn công bị nghi ngờ của Israel đã tấn công vào lãnh sự quán Iran ở Syria, khiến 16 người thiệt mạng.

Và căng thẳng lại gia tăng khi nhà lãnh đạo chính trị của Hamas là Ismael Haniyeh bị giết tại Tehran khi đang tham dự lễ tang của cựu tổng thống Iran.

Bộ trưởng Năng lượng Lebanon Walid Fayed đã kêu gọi Israel chấm dứt các vụ giết người trước khi quá muộn.

"Tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế đã quá kiên nhẫn với Israel, và trong nội bộ Israel, mọi người biết rằng họ cần phải chấm dứt giao tranh và giết chóc, và chúng tôi kêu gọi họ làm điều này ngay bây giờ và không lãng phí thêm công sức, tiền bạc và giết chóc vô ích. Thật lãng phí."

Iran đáp trả bằng cách bắn 300 quả rocket và hỏa tiễn vào Israel, phần lớn trong số đó đã bị đánh chặn.

Tình hình nhân đạo ở Gaza tiếp tục xấu đi.

Vào ngày 1 tháng 3, ít nhất 112 người dân Gaza đã thiệt mạng và hơn 280 người bị thương sau khi quân đội Israel nổ súng vào hàng trăm người dân tuyệt vọng đang cố gắng tiếp cận một đợt phân phối thực phẩm và viện trợ hiếm hoi.

Anwar Helewa, một nhân chứng tận mắt chứng kiến vụ việc, mô tả khoảnh khắc kinh hoàng đó.

"Chúng tôi chạy về phía nơi tiếp tế thực phẩm để lấy một ít, những người lính và xe tăng đã bắn vào chúng tôi, những người ở phía trước và phía sau bị bắn vào tay, một số người khác bị bắn vào chân, chúng tôi bỏ lại thực phẩm và viện trợ và chạy. Hàng ngày, hàng triệu người bị bắn, nó trở thành việc đổi máu để lấy thực phẩm. Viện trợ là lời nói dối, chúng tôi không cần thực phẩm."

Vào tháng 4, nhân viên cứu trợ người Úc Zomi Frankcom đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Lực lượng Phòng vệ Israel, cùng với sáu người khác làm việc cho tổ chức từ thiện World Central Kitchen.

Thủ tướng Anthony Albanese mong đợi sự giải trình đầy đủ về cái chết của cô.

"Đây là người đã tình nguyện giúp đỡ mọi người trong thời gian xảy ra cháy rừng ở Úc. Đây là người đã tình nguyện ở nước ngoài cứu trợ những người đang phải chịu cảnh thiếu thốn khủng khiếp ở Gaza thông qua tổ chức từ thiện này. Và sự giết hại này này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Úc mong muốn một sự chịu trách nhiệm hoàn toàn từ những người có trách nhiệm về cái chết của những nhân viên cứu trợ này. Những nhân viên cứu trợ và những người làm công tác nhân đạo. Và theo lẽ, tất cả thường dân vô tội cần được bảo vệ."

Các trại tị nạn được dựng lên vội vàng bằng lều bạt, một trong số đó trước đây được Israel chỉ định là vùng an toàn, đã bị tấn công, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Israel tuyên bố các chiến binh Hamas đã lẩn trong dân lấy dân làm lá chắn dân sự.

Vào tháng 7, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã phán quyết rằng việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine là vi phạm luật pháp quốc tế.

Thẩm phán chủ tọa Nawaf Salam nói rằng Israel nên chấm dứt những gì họ gọi là chiếm đóng bất hợp pháp tất cả các khu vực, bao gồm cả Dải Gaza, càng sớm càng tốt.

"Những chính sách và hoạt động này được thiết kế để duy trì vô thời hạn và tạo ra những tác động không thể đảo ngược trên thực tế. Do đó, Tòa án cho rằng những chính sách và hoạt động này tương đương với việc sáp nhập phần lớn lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng."

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết tòa án đã đưa ra "quyết định dối trá".

Tòa án Công lý Quốc tế ICJ có trụ sở tại The Hague ở Hà Lan và phán quyết của tòa không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Bệnh tật đã trở thành mối đe dọa thường trực đối với dân thường ở Gaza khi tình trạng vệ sinh nằm ngoài tầm kiểm soát.

Vào tháng 8 năm nay, trường hợp bại liệt đầu tiên được ghi nhận trong vòng 25 năm.

Kể từ khi các con tin bị bắt, gia đình của họ không ngừng yêu cầu một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.

Vào ngày 1 tháng 9, quân đội Israel đã tìm thấy thi thể của sáu con tin trong một đường hầm; Israel tuyên bố rằng họ đã bị những kẻ bắt giữ họ hành quyết.

Điều đó đã khơi dậy lại các cuộc biểu tình quần chúng thường xuyên ở Israel, với nửa triệu người xuống đường.

Những người biểu tình yêu cầu một thỏa thuận về con tin, cáo buộc Thủ tướng Netanyahu kéo dài xung đột vì lợi ích chính trị.

Đến giữa tháng 9, Israel tuyên bố mục tiêu mới của cuộc chiến, đó là đưa khoảng 60.000 công dân Israel phải di dời do các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Hezbollah ở phía bắc đất nước.

Vài ngày sau, một cuộc tấn công phối hợp vào máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah trên khắp Lebanon đã giết chết 37 người và làm bị thương gần 3000 người.

Chính quyền Lebanon đổ lỗi cho Israel, nhưng Israel không bình luận trực tiếp về cuộc tấn công.

Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres cho biết động thái này có nguy cơ leo thang.

"Rõ ràng là động cơ của việc kích nổ tất cả các thiết bị này là để tấn công phủ đầu trước một chiến dịch quân sự lớn. Vì vậy, quan trọng như chính sự kiện này, là dấu hiệu cho thấy những sự kiện này xác nhận rằng có nguy cơ nghiêm trọng về một sự leo thang mạnh mẽ ở Lebanon, và cần phải làm mọi cách để tránh sự leo thang đó."

Các vụ đánh bom và không kích trên khắp Lebanon dẫn đến hàng trăm người thiệt mạng, bao gồm cả thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.

Nasrallah, người lãnh đạo nhóm chính trị và chiến binh Hezbollah của Lebanon trong hơn ba thập kỷ, đã bị ám sát vào ngày 29 tháng 9 trong một cuộc không kích của Israel vào thủ đô Beirut của Lebanon, một cuộc không kích khiến nhiều thường dân bị chết và bị thương.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết vụ giết chết thủ lĩnh Hezbollah là một bước ngoặt lịch sử.

"Vụ ám sát Nasrallah là điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra. Đưa người dân miền bắc trở về nhà an toàn và thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực trong nhiều năm qua. Bởi vì chừng nào Nasrallah còn sống, ông ta sẽ nhanh chóng khôi phục lại những năng lực mà chúng ta đã tước đoạt khỏi Hezbollah, và do đó tôi đã ra lệnh, và Nasrallah không còn bên chúng ta nữa."

Iran đã trả đũa vụ giết hại Nasrallah bằng cách bắn hàng trăm hỏa tiễn vào Israel.

Vào đêm trước lễ kỷ niệm một năm ngày 7 tháng 10, các cuộc không kích của Israel vào các vùng ngoại ô phía nam của Beirut là cuộc ném bom dữ dội nhất vào thủ đô Lebanon trong nhiều năm.

Một năm sau, 97 con tin bị bắt từ Israel vào ngày 7 tháng 10 vẫn chưa được tìm thấy ở Gaza.

Số người chết đã lên tới hơn 44.000 - hầu hết là thường dân ở Gaza.

Và tròn một năm, vào lúc cuộc chiến đang mở rộng thì cơ hội hòa bình càng thu nhỏ.

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay  


Share