"Con lớn rồi nặng hơn nhiều rồi"
Tại một thị trấn hẻo lánh xa xôi ở bờ biển phía tây của Nam Úc, một phụ nữ Wirangu bế đứa cháu gái ba tuổi của mình lên để ôm.
Bé đã bị tách khỏi sự chăm sóc của bà ngoại và đưa vào nhà chăm sóc chính phủ dành cho thanh thiếu niên khi chỉ mới hai tuổi.
Cô bé được trả lại cho bà ngoại cùng với ba người anh trai của mình ngay trước sinh nhật lần thứ ba của bé.
Bà ngoại - người mà chúng ta sẽ gọi là Susan, vì lý do pháp lý nên không tiết lộ tên thật - hiện là người chăm sóc chính thức cho cả bốn đứa cháu của bà.
Vào tháng 7 năm ngoái, các nhà chức trách của Bộ Bảo vệ Trẻ em - Department for Child Protection gọi tắt là DCP - đã tách những đứa trẻ khỏi cha mẹ chúng vì một vấn đề liên quan đến việc sử dụng ma túy bất hợp pháp.
Bà ngoại Susan đã đứng ra nuôi các cháu.
"Tôi đã trải qua hệ thống này và nó nhiêu khê lắm. Cái điều để tôi đi đến cùng là vì chúng là máu mủ của tôi. Tôi phải đứng ra giành quyền chăm sóc chúng, chúng là niềm tự hào và niềm vui của tôi, chúng là thế giới của tôi."
Theo yêu cầu của D-C-P, Susan đã tìm được một ngôi nhà mới để sống cùng các cháu tại một cộng đồng Thổ dân.
“ Tôi đã may mắn có được một ngôi nhà lớn thuận tiện. DCP thậm chí không bao giờ thử đến thăm nhà tôi. Họ không giúp tôi bất cứ điều gì."
Susan đã tiến hành việc nộp đơn để trở thành người chăm sóc chính cho các cháu của mình.
Nhưng lúc đó D-C-P nói Susan là người mà họ gọi là "người bị cấm" - và họ đưa những đứa trẻ đi.
Susan không bao giờ quên khoảnh khắc bà bước ra khỏi văn phòng D-C-P địa phương để báo tin cho những đứa trẻ đang chờ ở khu vực dành cho khách viếng thăm .
“Chúng tôi chỉ biết run rẩy và khóc. Ngày hôm đó, tôi biết rằng tôi đã mất những đứa cháu của mình rằng tôi phải chiến đấu để giành lại chúng và tôi phải mạnh mẽ vì chúng. Tôi để đứa nhỏ ở góc phòng và nó chỉ đứng im đó không nhúc nhích, và tôi kêu 'đến với 'Nanna'. Tôi đã để ba đứa con trai ngồi trên đùi khóc."
Susan kể lại cách bà dặn dò đứa cháu trai 11 tuổi chăm sóc ba đứa em nhỏ như thế nào khi chúng phải xa bà.
“Nó nói 'Con không làm được Nanna', tôi nói, 'Được, con làm được, con biết là con làm được'. Tôi đã thấy một đứa trẻ mười một tuổi biến thành một người đàn ông vào ngày hôm đó. Nó nói, 'Nanna, con hứa với Ngoại là con sẽ chăm sóc các em.' Tôi nói, 'Con phải chă sóc các em, nếu các con ở cùng một nhà, thì hãy luôn ngủ với một mắt mở, một mắt nhắm.' Họ cho bốn đứa trẻ ở chung một nhà, và tất cả ngủ chung một phòng trên một chiếc giường đôi. Và thằng anh trai ấy đã làm như vậy, nó ngủ với một mắt mở, một mắt nhắm để trông chừng những đứa em của mình."
Bốn đứa trẻ - nhỏ nhất là hai tuổi lớn nhất là 11 tuổi - đã được đưa đến một nhà trẻ ở một thị trấn lớn hơn, cách cộng đồng của họ hàng trăm km.
Bọn trẻ ở đó trong hai tháng rưỡi.
Bộ Bảo vệ Trẻ em DCP sau đó đã đảo ngược quyết định của mình, trả lại những đứa trẻ cho Susan với một báo cáo tích cực về ngôi nhà và sự chăm sóc yêu thương mà bà đã dành cho chúng.
Susan vẫn không biết vì sao bà lại bị coi là 'người bị cấm' - "prohibited person".
Đại diện pháp lý của bà đã gởi yêu cầu về quyền tự do thông tin đến D-C-P về vấn đề này nhưng vẫn không được làm rõ.
Tuy nhiên Suzan cũng nói rằng bà đã có một số đụng chạm với cảnh sát trong thời gian con gái và các cháu sống với bà vào đầu năm 2023.
Luật Nam Úc yêu cầu những người chăm sóc gia đình phải thông qua các cuộc kiểm tra 'Làm việc với trẻ em' và Người bị cấm - Working with Children and Prohibited Persons checks - do đơn vị sàng lọc bảo vệ trẻ em của Bộ thực hiện.
Mặc dù mục đích là để giữ an toàn cho trẻ em, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng quy trình này đã loại trừ những người chăm phù hợp để sóc gia đình như Susan, vì có thể là nó đã thu thập các hồ sơ cũ không liên quan.
"Là bà ngoại, người yêu thương cháu của mình, và có lẽ là người phù hợp nhất nhưng đã bị tách rời khỏi cháu và không được tham dự vào các quy trình, bị coi là một người không an toàn vì đủ mọi lý do sai trái."
Đó là April Lawrie, một phụ nữ Kokatha, Ủy viên về Trẻ em và Thanh thiếu niên Thổ dân ở Nam Úc.
Trong Thế hệ bị đánh cắp, ước tính cứ mười trẻ em Thổ dân thì có từ một đến ba trẻ bị tách khỏi gia đình.
Những người ủng hộ ở Nam Úc cho biết số lượng trẻ em bị tách khỏi gia đình hiện nay đang tiến gần đến mức lịch sử đó.
April Lawrie đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết những gì bà cho là việc đưa trẻ em vào nhà chăm sóc là "không cần thiết" "unnecessary", mà bà gọi đó là quyết định "phân biệt chủng tộc có hệ thống" - "institutionally racist" - ở Nam Úc.
"Nếu chúng ta không hạn chế tỷ lệ trẻ em Thổ dân bị đưa đi, chúng ta có thể nhìn thấy trước mắt là trong bảy năm nữa - vào năm 2031, cứ 100 trẻ em thổ dân ở Nam Úc thì có 14 trẻ sẽ phải vào nhà chăm sóc chính phủ. Chúng ta cần phải nỗ lực thực sự để thay đổi quỹ đạo đó và bảo đảm rằng chúng ta làm mọi thứ có thể với việc thực hiện một cách đầy đủ nhất 'Nguyên tắc sắp xếp trẻ em Thổ dân' để đảm bảo rằng con em chúng ta lớn lên trong cộng đồng gia đình và văn hóa, bởi vì ngay bây giờ, nếu chúng ta không làm gì cả, chúng ta sẽ thấy một thế hệ trẻ em Thổ dân khác bị bắt cóc."
Nguyên tắc sắp xếp trẻ em Thổ dân - Aboriginal Child Placement Principle là làm sao để cố gắng sắp xếp trẻ em sống với người thân gia đình của mình, và nếu không thể, thì với những người chăm sóc trong cộng đồng hoặc với gia đình Thổ dân.
Nguyên tắc này được các nhà lãnh đạo Thổ dân xây dựng vào những năm 1970 để tránh các thế hệ bị bắt cóc trong tương lai.
Nguyên tắc này đã dần dần được đưa vào các chính sách của chính phủ, như Ủy viên Lawrie giải thích.
“Điểm chính yếu của Nguyên tắc sắp xếp trẻ em Thổ dân là làm sao để bảo đảm rằng con em chúng ta lớn lên trong sự gắn kết với gia đình, văn hóa cộng đồng một cách an toàn. Và thật không may, cách mà luật pháp thực hiện nguyên tắc và đặt sự an toàn là trên hết, thì nó nó gần như tách sự an toàn và văn hóa là hai điều kiện riêng biệt trong khi trên thực tế, nguyên tắc chính khi sắp xếp trẻ em của Thổ dân và người dân đảo Torres Strait là phải bao hàm cả cả hai điều đó: an toàn trong gia đình, cộng đồng và gắn kết văn hóa. Khi hệ thống chỉ tập trung vào một vấn đề duy nhất và không có cái nhìn toàn diện về lợi ích tốt nhất cho trẻ em thì trong trường hợp này chúng ta thấy mọi thứ trở nên rất sai trái."
Sáu tháng trước, Ủy viên đã công bố những phát hiện của cuộc điều tra rộng rãi kéo dài hai năm và chỉ trích gay gắt việc chính quyền tiểu bang thực hiện Nguyên tắc sắp xếp trẻ em Thổ dân.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy gần một trong mười trẻ em Thổ dân hiện đang sống trong nhà chăm sóc chính phủ.
Chỉ có 30% trẻ em bị đưa đi được giao cho những người chăm sóc có quan hệ họ hàng với các em ở Nam Úc và chỉ có 8% được giao cho những gia đình Thổ dân khác.
Trong số 48 phát hiện và 32 khuyến nghị được đưa ra, báo cáo Holding on to Our Future - Nắm Lấy Tương Lai của Chúng ta - phát hiện ra rằng các cuộc kiểm tra Làm việc với trẻ em và Người bị cấm - Working with Children and Prohibited Persons checks - là rào cản chính đối với việc giữ các em ở lại với người thân trong gia đình.
Báo cáo phát hiện ra rằng các thành viên trong gia đình thường bị loại không thể tham gia kiểm tra đánh giá người chăm sóc có quan hệ họ hàng, lý do bị loại là vì những vấn đề không có liên quan gì đến khả năng chăm sóc an toàn và phù hợp của họ.
Câu chuyện của Susan không được đưa vào báo cáo, và Ủy viên Lawrie cho biết nhiều gia đình Thổ dân khác đồng cảm với chuyện của Suzan.
"Những điều đã xảy ra trong quá khư không liên quan gì đến con người họ ngày nay. Và hệ thống cần hiểu và thừa nhận rằng con người thay đổi, rằng câu chuyện của mọi người ngày nay khác với những gì họ đã từng có trong quá khứ, và những điều thực sự khiến bạn trở thành cha mẹ tốt hoặc ông bà tốt và tốt cần được hiểu theo cách mà chúng ta coi trọng chúng, như gia đình."
Chính quyền tiểu bang vẫn chưa phản hồi báo cáo.
Một phát ngôn viên cho biết họ đang dành thời gian thích hợp để cân nhắc cẩn thận các khuyến nghị.
Đối với Susan, cái ngày mà các cháu được trả về lại cho bà cũng là một ngày đáng nhớ trong ký ức của bà.
Bà và một người anh em họ đã lái xe bốn tiếng đồng hồ đến thị trấn nơi những đứa trẻ đang sống trong nhà dành cho thanh thiếu niên.
Các nhân viên của Sở đã gặp họ và thả từng đứa trẻ ra khỏi một chiếc xe đang đậu.
Có một đoạn video ghi lại khoảnh khắc đó.
"Nanna đang ở đây, đợi các con!"
Đứa trẻ lớn nhất chạy đến chỗ bà.
Nhưng đứa nhỏ nhất thì do dự.
"Họ giao bọn tụi nhỏ, và điều khiến tôi đau lòng là đứa nhỏ ba tuổi chỉ nhìn tôi và khóc như thể nó không biết tôi là ai, nhưng được gặp lại các cháu là mừng rồi, rất mừng, và tôi đã đưa chúng trở về nhà."
Sau khi mất quyền chăm sóc các cháu, Susan đã tìm kiếm lời khuyên pháp lý và liên hệ với Ủy viên Lawrie thông qua một người quen trong gia đình.
Những đứa trẻ đã được trả lại sau khi Ủy viên viết một lá thư vận động (advocacy letter) để bảo vệ quyền lợi của trẻ em và khi người quản lý chính thức của văn phòng D-C-P địa phương được bổ nhiệm trở lại , thay thế cho các vị trí quản lý tạm thời trước đó
Sau đó, DCP đã nộp đơn lên tòa án dành cho thanh thiếu niên để xóa lệnh giám hộ.
Susan nhẹ nhõm khi có những đứa trẻ sống cùng mình, nhưng bà tin rằng toàn bộ thử thách này có thể tránh được.
SBS đã hỏi DCP về trường hợp của Susan và một người phát ngôn cho biết họ không bình luận về các vấn đề riêng lẻ.
Về phía Susan, bà bày tỏ:
"Tôi cho rằng có thể tránh được nếu ông phụ trách ban đầu có mặt tại văn phòng vào thời điểm đó. Nhưng vào thời điểm đó, văn phòng đang có những người tạm quyền và họ đưa ra quyết định. Họ không biết về hoàn cảnh của tôi, họ chỉ biết những gì tôi đã trải qua."
Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ hay