Hôm thứ Hai 13/2 chính là ngày đánh dấu kỷ niệm năm thứ 9 từ ngày cựu Thủ tướng Kevin Rudd bày tỏ lời xin lỗi đầy cảm xúc trước quốc hội liên bang đối với những thế hệ bị đánh cắp.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, ông Rudd than thở về thất bại trong việc giảm số lượng trẻ em Thổ dân bị tách khỏi cha mẹ.
Trong năm 2006, trên toàn nước Úc có đến gần 6,500 em phải sống trong các trung tâm chăm sóc cộng đồng. Đến giữa năm 2015, con số này đã tăng lên đến gần 15 ngàn em.
“Bậc học cao hơn thì khoảng cách trong vấn đề công ăn việc làm giữa người Thổ dân và không phải Thổ dân sẽ thu hẹp lại. Với những người thổ dân theo học bậc đại học trở lên thì không còn khoảng cách nào nữa,” Thủ tướng Malcolm Turnbull
Đừng để Úc chứng kiến thêm một 'Thế hệ bị đánh cắp'
Ông Kevin Rudd đã kêu gọi những trẻ em bị tách khỏi cha mẹ này cần được đưa đến với những người chăm sóc là Thổ dân nhằm tránh điều mà ông gọi là thêm một thế hệ bị đánh cắp nữa.
“Hãy nhìn vào con số trẻ em bị bỏ rơi đang cần được chuyển đến những nơi phù hợp, lần đầu tiên trong một thập niên qua.”
“Hãy sống và không quên giữ lời hứa mà tôi đã từng bày tỏ trong lời xin lỗi trước đây để những điều như thế này không bao giờ còn xảy ra một lần nữa,” ông Rudd nói.
Hôm 14/2, Thủ tướng Malcolm Turnbull có bài phát biểu trước quốc hội về tiến trình thu hẹp khoảng cách giữa xã hội Úc và cộng đồng Thổ dân nhằm giải quyết được những thiệt thòi của người Thổ dân Úc.
Trước đó, ông Turnbull đã chào đón các đại diện người Thổ dân đến với một sự kiện ở Canberra bằng lễ đón tiếp truyền thống.
Theo ông Turnbull thì nhóm đại diện Thổ dân là một ví dụ tuyệt vời cho sự thành công của người Thổ dân Úc.
“Những đại diện của các bạn đã cho thấy sự can đảm và kiên cường phi thường.”
“Chúng tôi ghi nhận những thành quả đáng chú ý của nhiều người Úc gốc Thổ dân và dân đảo Torres trong các lĩnh vực mà họ lựa chọn.”
“Những câu chuyện của các bạn không lu mờ mà còn nổi bật hơn, không có sự chán nản nào mà thay vào đó là sự lạc quan, quyết tâm không ngừng nghỉ.”
“Chính các bạn minh chứng cho khả năng dẫn dắt và truyền cảm hứng,” ông Turnbull nói.
Kết quả khác thực tế
Tuy nhiên, bản phúc trình lại cho thấy những kết quả không mấy tích cực trong vấn đề phẩm chất đời sống của người Thổ dân, khi mà kết luận tổng quát nói lên rằng những nỗ lực nhằm giảm bớt sự thiệt thòi bất lợi của người Thổ dân vẫn là chưa đủ.
Thế nhưng, ông Malcolm Turnbull thì nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục khi cho rằng có sự cải thiện trong cộng đồng Thổ dân ở bậc học lớp 12 và đại học.
“Trong vòng 7 năm tính đến 2015, khoảng cách trong các học sinh Thổ dân và học sinh Úc khác đã được cải thiện 15%.”
“Trong 10 năm tính đến 2015, số lượng học sinh đăng ký theo học các cấp giáo dục cao hơn tăng gần gấp đôi.”
“Bậc học cao hơn thì khoảng cách trong vấn đề công ăn việc làm giữa người Thổ dân và không phải Thổ dân sẽ thu hẹp lại.”
“Với những người thổ dân theo học bậc đại học trở lên thì không còn khoảng cách nào nữa.”
“Chúng tôi muốn rằng chúng ta phải có một quốc gia nơi chỉ có trí tưởng tượng mới giới hạn được các trẻ em thổ dân mà thôi,” ông Turnbull nói.
Nói về các mục tiêu thu hẹp khoảng cách, bản phúc trình viện dẫn một số tin tức tốt lành trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ hút thuốc lá, tăng tuổi thọ và giảm tình trạng tử vong vì các bệnh mãn tính.
Tuy nhiên, thực trạng giam giữ nhiều người Thổ dân vẫn là vấn đề nhức nhối khi mà Lãnh thổ Bắc Úc báo cáo về mức tăng đáng báo động về số lượng phạm nhân Nữ người Thổ dân.
Bỏ việc viếng thăm thường niên Thổ dân ở vùng xa xôi hẻo lánh
Cũng trong buổi phúc trình trước quốc hội này, một vị cựu thủ tướng khác cũng đã lên tiếng chỉ trích các khía cạnh trong chính sách của người kế nhiệm.
Ông Turnbull gần đây đã cải tổ Hội hội đồng tư vấn các vấn đề Thổ dân bản địa vốn được chính người tiền nhiệm Tony Abbott thành lập.
Trong cuộc cải tổ này nhiệm kỳ của ông chủ tịch Warren Mundine đã không được gia hạn thêm ngày nào.
Trả lời phỏng vấn của ABC, ông Abbott đã gợi ý rằng theo ông thì ông Mundine đã bị đối xử bất công.
Ông Abbott cũng than thở rằng ông Turnbull đã không tiếp tục thực hiện thông lệ trước đây, đó là mỗi năm dành ra 1 tuần để tới thăm viếng các cộng đồng Thổ dân ở vùng xa xôi hẻo lánh.
“Tôi thấy hơi thất vọng khi không còn có một chuyến hành hương thường niên đến các vùng xa xôi hẻo lánh của người Thổ dân tại Úc nữa,” ông Abbott nói.
Theo ông Abbott, các chuyến viếng thăm này không chỉ đơn thuần là cơ hội để chụp hình quảng bá mà đây thật sự là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết về các vấn đề thực tế đang diễn ra ở địa phương, từ đó khai triển các chính sách tốt hơn.