Sức khỏe là vàng (54) Làm sao nâng mũi đẹp và an toàn?

Nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy

Nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy Source: thucucsaigon.vn

Lại vừa có thêm ca đột quỵ và mù mắt vì nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy ở Việt Nam, làm sao nâng mũi đẹp mà thật an toàn, một nghiên cứu mới tại Úc cho thấy người thừa cân béo phì dễ mắc các bệnh mãn tính hơn người khỏe mạnh.


Những điều cần biết về nâng mũi

SBS thực hiện cuộc phỏng vấn với BS thẩm mỹ Vũ Kim Sơn tại Úc, mời quý thính giả nghe trong phần Audio Tạp chí Sức khỏe là vàng bên trên.

Các vấn đề được BS Sơn giải thích:

+Nâng mũi phổ biến thế nào ở Việt Nam và Úc?

+Kỹ thuật nâng mũi hiện nay ra sao, xác suất xảy ra biến chứng và rủi ro thế nào?

+Các kỹ thuật nâng mũi phổ biến?

+Tại sao lại có trường hợp bị đột quỵ, mù mắt vì nâng mũi sử dụng chất làm đầy?

+Chất làm đầy là gì? Được sử dụng phổ biến ra sao ở Úc và Việt Nam?

+Nên lưu ý điều gì khi nâng mũi?

Có mối liên hệ giữa bệnh béo phì và các bệnh mãn tính

Theo một báo cáo mới tại Úc được ký giả Helen Isbister của SBS trích dẫn, thì nguy cơ từ việc ngày càng có nhiều người Úc được chẩn đoán bị thừa cân, béo phì chính là việc dẫn đến sự tăng lên rất nhanh của các chứng bệnh mãn tính và là gánh nặng cho khả năng đối phó của hệ thống y tế Úc.

Nhiều người đang phải sống chung với bệnh thận bằng việc chạy thận vài ngày một tuần.

Trong số đó có ông Peter  Slocombe ở Sydney, việc chạy thận mỗi tuần ít nhất 3 ngày tại bệnh viện Royal North Shore Hospital, khiến cho người thợ mộc này cảm giác chẳng khác gì phải làm việc cật lực khi cơ thể kiệt sức.

"Mất 6 tiếng cho việc đó, giống như làm việc một ngày full time vậy, và đến cuối ngày thì tôi thấy kiệt sức và mệt mỏi lắm, cảm giác như là mới kết thúc ngày làm việc trong khi mình ngồi đó cả ngày có làm gì đâu," ông Slocombe nói.

Ông Slocombe được chẩn đoán mắc bệnh thận cách đây 8 năm, lúc đó ông nặng hơn thời điểm hiện tại đến 50 cân.

Ông nói chính việc bị thừa cân béo phì đã ngăn cản cơ hội được ghép thận.

"Tôi có người anh em hiến tặng cho tôi một quả thận thế nhưng không thực hiện được vì họ muốn ghép thận khi cơ thể có cân nặng phù hợp mà lúc nào tôi cũng nặng hơn mức đó."

"Vì vậy, không bao giờ thực hiện ghép thận được, đến giờ thì anh em của tôi gặp vấn đề sức khỏe rồi và không thể nào hiến thận cho tôi được nữa," ông Slocombe nói.

Tuy nhiên, trường hợp của ông Peter Slowcombe còn khá may mắn khi mà bệnh béo phì của ông chưa gây thêm các bệnh mãn tính khác giống như nhiều trường hợp bệnh nhân tại Úc.

Đã có một bản phúc trình mới do Tổ chức phi lợi nhuận Sức khỏe Thận của Úc, Kidney Health Australia mang tên "Rising Obesity Rates tip Australia towards Kidney Disease Crisis" tạm dịch là “Tỷ lệ béo phì tăng lên đẩy nước Úc đến cuộc khủng hoảng vì bệnh thận”.

Theo phúc trình này, có mối liên hệ chặt chẽ giữa 2 yếu tố, béo phì và bệnh mãn tính mà ở đây trước hết là bệnh thận.

Giáo sư Carol Pollock, giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận kể trên và cũng là một chuyên gia về thận cho hay, không khó để thấy sự liên hệ giữa 2 yếu tố này.

"Bệnh Béo phì chiếm khoảng 1/3 các trường hợp bị bệnh thận mãn tính. Cơ chế của việc ghép thận là nếu ai đó to béo hơn thì những quả thận cũng cần phải làm việc vất vả hơn để làm sạch các chất độc và điều đó ngược lại gây tổn hại cho thận."

"Người bị bệnh béo phì lại còn bị cả tiểu đường hoặc cao huyết áp thậm chí là bị cả hai bệnh đó. Thật không may là con số bệnh nhân này chiến đến hơn 50% số ca bị bệnh thận nặng ở giai đoạn cuối mà chúng tôi theo dõi được," bà Pollock nói.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cứ 3 người Úc thì có đến 2 người thừa cân béo phì.

Theo phúc trình kể trên, những người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh thận cao gấp 1,5 lần người khỏe mạnh. Còn ở những người béo phì thì tỷ lệ này là gấp 2 lần.

Phúc trình cũng cho thấy trong 16 khu vực y tế trên toàn quốc có tỷ lệ béo phì cao hơn mức trung bình cả nước Úc, thì phần lớn các trường hợp có tỷ lệ bệnh thận mãn tính cũng cao hơn mức trung bình.

Giám đốc điều hành của Kidney Health Australia, bà Mikaelia Stafrace nói bà hy vọng những phát hiện này sẽ khiến mọi người chấp nhận cách sống lành mạnh hơn.

"Điều quan trọng nhất hiện nay là nếu bệnh nhân thấy mình quá cân thì làm ơn hãy đến gặp bác sĩ gia đình, GP ngay và kiểm tra thận cũng như thực hiện các xét nghiệm khác."

"Cần bảo đảm là huyết áp trong mức kiểm soát, không hút thuốc và luôn tránh xa các thức uống có đường," bà Stafrace nói.

Thậm chí trong cộng đồng người Thổ dân Úc thì tỷ lệ mắc bệnh thận cao gấp 5 lần người khác.

Và với mức độ béo phì đang gia tăng hàng năm, tổng số người bị bệnh thận cũng sẽ được dự kiến bùng nổ trong tương lai.

Đến năm 2020, con số những người điều trị và phải chạy thận sẽ vượt quá 31 ngàn người.

Giáo sư Carol Pollock nói đây sẽ là áp lực nặng nề với hệ thống y tế.

"Hiện nay, chúng ta dành khoảng 4.1 tỷ đô la mỗi năm cho việc điều trị bệnh thận mãn tính."

"Ở Mỹ người ta chi đến 20% ngân sách y tế vào việc này và chúng ta có thể tính được số tiền chi ra là bao nhiêu từ tỷ lệ đó," bà Pollock nói.


Share