Các nước thành viên trong nhóm G20 bao gồm 19 quốc gia và Liên minh Âu châu đã bàn cách đối phó vợi đại dịch và vấn đề biến đổi khí hậu.
Quốc vương Salman của Ảrập Saudi nói các nước trong khối đã đứng lên chống lại đại dịch.
"Chúng ta đã áp dụng các chính sách quan trọng để phục hồi kinh tế, biến kinh tế chúng ta bền bỉ, bền vững, bao gồm mọi người và cân bằng."
"Các chính sách đó cũng giúp duy trì sự vận hành của thương mại toàn cầu và tạo điều kiện để kinh tế tăng trưởng một cách bền vững," Quốc vương Salman nói.
Nhóm G20 được thành lập năm 1999 như một diễn đàn để các bộ trưởng tài chánh và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thảo luận kinh tế toàn cầu. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, lãnh đạo của các nước thành viên cũng tham gia các cuộc họp của nhóm luôn.
Kể từ ngày 1 tháng 12, Ý sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên kế tiếp của nhóm. Thủ tướng Ý, Giuseppe Conte cam kết diễn đàn sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho việc đối phó với đại dịch coronavirus.
"Đối phó về mặt y tế và kinh tế của đại dịch vốn đã và tiếp tục gây khổ đau cho dân chúng và tác động nặng nề đến kinh tế."
"Chắc chắn đó sẽ tiếp tục nằm cao trong nghị trình của khối, vì chúng ta duy trì quyết tâm cao của cộng đồng thế giới đối phó với COVID-19."
"Chúng tôi cam kết giải quyết những thách thức khẩn cấp bao gồm việc phân phát vacxin đồng đều và tăng cường hệ thống y tế của chúng ta," Thủ tướng Conte nói.
Các nước trong G20 chiếm 80 phần trăm kinh tế thế giới, ba phần tư thương mại toàn cầu, hai phần ba dân số của hành tinh.
Cam kết của G20 là phân phối vacxin cho tất cả các nước trên thế giới. Thủ tướng Đức, Angela Merkel nói mọi quốc gia phải góp vào một tay:
"Rất may nay hy vọng có vacxin, nhưng câu hỏi là vacxin chỉ dành cho Âu Châu như Ủy hội Âu châu đang cố gắng, hay là tất cả các nước trên thế giới cũng nên có vacxin."
"Chúng tôi đã xác nhận với các nước thành viên ở Châu Phi, tôi muốn nói với tổng thống Ramaphosa của Nam Phi,tổng thống Kagama của Rwanda, rằng Đức đã đóng góp cho Qũy COVAX, nhưng vẫn còn thiếu do đó chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp."
Thủ tướng Scott Morrison cam kết Úc sẽ đóng góp cho việc thử nghiệm và phân phối vacxin cho toàn thế giới không phân biệt giàu nghèo.
Biến đổi khí hậu cũng đã được G20 bàn tới. Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc nói các nước cần phải tăng cường các biện pháp cắt giảm khí thải thì mới có thể thực hiện được hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.
"Các bạn thân mến chúng ta cùng chung một mái nhà trái đất cho nên chúng ta có thể chia sẻ cái nhìn chung và đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu và những thách thức môi trường khác để bảo vệ hành tinh của chúng ta."
"Theo tôi những gì G20 có thể là đó là: Tăng cường các biện pháp đối phó biến đổi khí hậu, với G20 tiếp tục đi tiên phong, lắng nghe các khuyến cáo khoa học của UNFCCC, và thực thi toàn bộ hiệp ước Paris."
"Cách đây không lâu tôi đã thông báo gia tăng mục tiêu của Trung Quốc cắt giảm khí thải trước năm 2030 và đạt đến mức zero khí thải vào năm 2060. Trung Quốc sẽ giữ đúng và hoàn thành cam kết đó," ông Tập nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không đồng ý với sự đồng thuận của G20, mặc dù tổng thống đắc cử Joe Biden có ý định đưa Mỹ trở vào lại hiệp ước Paris.
Ông Trump nói kể từ khi rút ra khỏi hiệp ước Paris, nước Mỹ đã cắt giảm khí thải nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.
"Để bảo vệ nhân công Mỹ tôi đã rút Mỹ ra khỏi hiệp ước khí hậu Paris thiên vị và bất công cho Mỹ. Nó chỉ làm cho kinh tế Mỹ lụn bại. Tôi không muốn đầu hàng các nước gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới."
Vừa phát biểu xong là ông Trump bỏ đi đánh gôn chứ không nghe các nhà lãnh đạo khác phát biểu.