Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan đã cáo buộc các lãnh đạo cấp cao của cả Israel và Hamas về nhiều tội ác chiến tranh và đã đệ đơn xin lệnh bắt giữ họ.
Trong một quyết định khiến Israel và các đồng minh choáng váng, ông Khan đã công bố một danh sách dài các tội ác chiến tranh mà ông thu thập và đưa ra để cáo buộc đối với thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Israel.
"Tôi cũng có thể xác nhận rằng tôi có cơ sở hợp lý để tin rằng trên cơ sở bằng chứng do văn phòng của tôi thu thập và kiểm tra rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Yoav Gallant phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội ác quốc tế sau đây được thực hiện trên lãnh thổ của Nhà nước Palestine: bỏ đói thường dân như một phương thức chiến tranh, cố ý gây ra đau khổ lớn, làm tổn thương nghiêm trọng về cơ thể hoặc sức khỏe hoặc đối xử tàn ác, cố ý giết người hoặc sát hại, và chủ ý chỉ đạo các cuộc tấn công chống lại dân thường cũng như tội ác diệt chủng chống lại loài người và giết người, hoặc giết người, đàn áp và các cáo buộc thực hiện các hành vi phạm tội và vô nhân đạo khác."
Điều này xảy ra khi Israel tiếp tục tấn công vào Gaza, cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 35.500 người Palestine, theo các quan chức y tế địa phương.
Ba lệnh bắt giữ cũng được ban hành đối với người đứng đầu Hamas Yahya Sinwar, tổng tư lệnh phe chiến binh Mohammed Al-Masri của Hamas, và người đứng đầu Bộ Chính trị Hamas Ismail Haniyeh.
Các nhà lãnh đạo Hamas phải đối mặt với cáo buộc chịu trách nhiệm về các tội ác do phiến quân Hamas gây ra, bao gồm tiêu diệt và giết người, bắt giữ con tin, tra tấn, hãm hiếp và các hành vi bạo lực tình dục khác.
Quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri đã tố cáo quyết định của công tố viên và cho rằng nó "đánh đồng nạn nhân với kẻ hành quyết".
Các thẩm phán ICC giờ đây sẽ xem xét đơn của công tố viên trưởng để xác định liệu lệnh bắt giữ có được chính thức ban hành hay không.
Quá trình này có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.
Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phủ đầu thông báo của ICC bằng tuyên bố lên án tòa án vào tháng trước [[30 tháng 4]], ông một lần nữa lặp lại sự phẫn nộ của mình khi bị liệt kê cùng với tên những kẻ thù không đội trời chung của Israel.
"Quyết định gây phẫn nộ của công tố viên ICC Karim Khan nhằm xin lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ của Israel là một sự phỉ báng về mặt đạo đức có tầm vóc lịch sử. Nó sẽ để lại dấu ấn xấu hổ vĩnh viễn trên tòa án quốc tế. Israel đang tiến hành một cuộc chiến chính nghĩa chống lại Hamas, một tổ chức khủng bố diệt chủng Hamas đã tàn sát 1200 người Do Thái, bắt hàng trăm con tin. Giờ đây, trước những nỗi kinh hoàng này, ông Khan đã tạo ra một sự tương đương về mặt đạo đức lệch lạc và sai lầm giữa các nhà lãnh đạo Israel và tay sai của Hamas."
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đưa ra một tuyên bố đồng tình với ông Netanyahu, gọi những tuyên bố của Tòa án Hình sự Quốc tế là "thái quá" và nói rằng "không có sự tương đương...giữa Israel và Hamas."
Vì Israel đã từ chối trở thành quốc gia thành viên của ICC nên ngay cả khi lệnh bắt giữ được ban hành, ông Netanyahu và ông Gallant không phải đối mặt với bất kỳ nguy cơ bị truy tố ngay lập tức nào.
Điều này tương tự như trường hợp của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người hiện đang có lệnh truy nã ông vì cáo buộc tội ác trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga nhưng không phải đối mặt với mối đe dọa ngay lập tức.
Nhưng nhà phân tích Trung Đông Mouin Rabbani nói với chương trình tin tức độc lập Democracy Now! rằng thông báo này làm sâu sắc thêm sự cô lập của Israel với cộng đồng quốc tế và mối đe dọa bắt giữ có thể gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Israel khi ra nước ngoài.
"Giả sử một lần nữa rằng lệnh bắt giữ thực sự được ban hành, tôi nghĩ nó sẽ có tác dụng đối với Israel nhiều hơn là đối với Hamas. Chính các nhà lãnh đạo Israel sẽ cần phải đi công du ra ngoài, nơi họ sẽ phải đối mặt với viễn cảnh bị bắt giữ, và tôi nghĩ điều này cũng khiến các quốc gia khác phải đưa ra lựa chọn giữa việc Israel không bị trừng phạt và nghĩa vụ của họ theo quy định đề ra, nhất là những quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế. Điều này có nghĩa là các nhà lãnh đạo Israel bị truy tố tội phạm chiến tranh."
Trong khi các cáo buộc của Công tố viên trưởng I-C-C chống lại các nhà lãnh đạo Israel đã bị người Israel và các đồng minh thân Israel lên án rộng rãi, thì các cáo buộc chống lại Hamas cũng gây tranh cãi đối với một số người Palestine.
Mohammad Abdel-Al, người đã phải rời bỏ nhà cửa do cuộc tấn công của Israel vào Gaza, nói rằng ông tức giận trước việc làm tương đồng những gì ông coi là phản kháng chống lại sự chiếm đóng của Israel với hành vi bạo lực của Israel.
"Làm sao Hamas có thể trở thành tội phạm chiến tranh khi chúng tôi là những người bị chiếm đóng? Những người đang bảo vệ đất đai của họ - những người này có bị coi là tội phạm chiến tranh không? Những người đáng bị trừng phạt là Mỹ và Israel. Israel đã chiếm đóng chúng tôi vào năm '48. Vì vậy, nếu ai đó vào nhà tôi, tôi không được tự vệ sao? Tôi phải tự bảo vệ mình bằng tất cả những nguồn lực mà Chúa tạo ra trên thế giới này - bằng vũ khí, bằng hòa bình - tôi nên lấy lại những gì là của tôi. ICC là phe cánh những kẻ chiếm đóng, phe cánh với nước Mỹ."
Một thành viên Ban điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng, Wasel Abu Youssef, cảnh báo rằng ICC không nên sử dụng tiêu chuẩn kép với Israel, cho thấy tòa án đã hành động nhanh hơn trong các trường hợp quốc tế khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Công tố viên trưởng Karim Khan đã bảo vệ quyết định truy tố cả quan chức Israel và Hamas.
"Đây là thời điểm mà chúng ta nhìn thấy trong cái bóng của Ukraine, một tạp âm ngày càng lớn của tiếng ồn, của tiêu chuẩn kép và sự chọn lựa. Và những gì chúng tôi đang cố gắng làm không phải là đi theo làn sóng cảm xúc mà được hướng dẫn bởi bằng chứng. Đó là áp dụng luật một cách bình đẳng. Mỗi mạng sống của con người, mọi em bé bị giết, cho dù đó là một em bé bị Hamas bắt cóc và giết hại một cách tàn nhẫn, hay một em bé bị đánh bom, bị giết, hoặc đã chết trong lồng ấp vì lý do không có điện, nước hay thực phẩm ở Gaza cho họ - đối với gia đình họ và nhân loại, đó là một thảm kịch."
Ông Khan đệ đơn bắt giữ các nhà lãnh đạo hai bên Hamas và Israel sau khi một nhóm gồm 12 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Hoa Kỳ gửi thư cho ông vào ngày 24 tháng 4 đe dọa sẽ có hậu quả nếu tòa án ban hành lệnh bắt giữ đối với Benjamin Netanyahu và các quan chức Israel khác.
Trong tuyên bố của mình, ông Khan dường như nhắm vào các thượng nghị sĩ này cũng như bất kỳ chủ thể chính trị nào khác đang tìm cách đe dọa hoặc gây ảnh hưởng đến I-C-C.
"Tôi nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực cản trở, đe dọa hoặc gây ảnh hưởng không đúng đắn đến các quan chức của tòa án này sẽ chấm dứt ngay lập tức. Văn phòng của tôi sẽ không ngần ngại hành động theo các quy định tại Điều 70 của quy chế Rome nếu hành vi đó tiếp tục và kéo dài. "
Điều 70 của Quy chế Rome chỉ ra rằng ICC có thẩm quyền theo đuổi việc kết án những người tìm cách đe dọa tòa án và áp dụng thời hạn phạt tù không quá năm năm hoặc phạt tiền.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ không phải tuân theo phán quyết của tòa án vì đây là một trong số ít quốc gia cùng với Israel, Nga và Sudan đã ký Quy chế Rome, thành lập ICC, nhưng hiện tuyên bố họ từ chối phê chuẩn nó.
Sau những cáo buộc của ông Khan chống lại các nhà lãnh đạo Israel, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Tom Cotton đã viết trên trang mạng X rằng ông mong muốn từ rày trở đi mãi mãi "cả Khan, các cộng sự của ông và gia đình của họ sẽ không bao giờ đặt chân đến Hoa Kỳ nữa."