Việc nầy diễn ra, khi các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục phản ứng, trước cuộc điều tra quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson bị cáo buộc biển thủ hàng triệu đô la cho tài sản gia đình của ông.
Những tiết lộ nầy từ công ty luật Mossack Fonseca, có trụ sở tại Panama, cho thấy ông nầy làm chủ một công ty ở ngoại quốc cùng với vợ, thế nhưng không khai báo chuyện nầy khi ông đắc cử vào Quốc hội.
Ông nầy là một trong số hàng chục nhân vật nổi tiếng toàn cầu được lưu ý đến trong 11 triệu hồ sơ mật về tài chính và luật pháp, do tổ chức cộng tác các ký giả trên thế giới công bố.
Ông nầy nhấn mạnh rằng, ông đã bán các cổ phần cho vợ và bác bỏ mọi chuyện sai trái.
Thế nhưng đối diện với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bắt đầu ló dạng và các cuộc biểu tình qua vụ được gọi là hồ sơ Panama, ông đã yêu cầu Tổng thống Iceland, Olafur Ragnar Grimsson, cho phép ông giải tán Quốc hội.
Tổng thống Grimsson cho biết, ông đã yêu cầu Thủ tướng hội đàm với các chính đảng, trước khi đi đến một quyết định như vậy.
"Thủ tướng không thể bảo đảm với tôi về lập trường của đảng Độc lập, liên quan đến yêu cầu nầy".
"Về chuyện nầy, tôi cho Thủ tướng biết rằng tôi không sẳn sàng vào lúc nầy, mà không thảo luận với lãnh tụ của đảng Độc lập hay lãnh đạo của các đảng khác, để cho ông được quyền giải tán Quốc hội".
Vài giờ sau đó, Thủ tướng từ chức.
Tại nơi khác Thủ tướng Anh, ông David Cameron cũng bị dính líu trong vụ tiết lộ tài liệu lớn lao. Ông nầy nhấn mạnh rằng, ông không làm chủ bất cứ cổ phần hay quỹ nào ở hải ngoại.
Việc nầy diễn ra khi có tin tiết lộ, người cha quá cố của ông có tên trong danh sách các khách hàng của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama.
"Tôi chẳng làm chủ cổ phần nào cả, và chỉ hưởng lương Thủ tướng mà thôi".
"Tôi để dành được ít tiền tiết kiệm mà tôi hưởng tiền lời và một ngôi nhà trước kia chúng tôi thường ở, nhưng nay cho thuê vì chúng tôi ở Downing Street".
"Vậy thôi, tôi chẳng có cổ phần, chẳng có quỹ tín thác ở ngoại quốc, chẳng có quỹ nào ở nước ngoài, không có những chuyện như vậy".
"Tôi nghĩ đó là lời giải thích rất rõ ràng".
"Tại Mỹ, có những lỗ hỗng mà chỉ có những người giàu có hay các công ty có thế lực mới có thể tận dụng".
Thế nhưng lãnh tụ đối lập Lao động tại Anh là ông Jeremy Corbyn kêu gọi mở cuộc điều tra, về các cáo buộc trong vụ tiết lộ tài liệu Panama.
"Tuần nầy việc công bố các tài liệu Panama, đã khiến ngày càng có nhiều người cảm nhận về hậu quả của nó".
"Hoàn toàn đơn giản thôi, đó là: có một qui luật cho người giàu và một qui luật cho những người khác".
"Chỉ vậy thôi, đã đến lúc chúng ta phải cứng rắn với những thiên đường trốn thuế".
Còn Thủ tướng Pakistan, ông Navaz Sharif cũng đối diện với các nghi vấn nghiêm trọng về mức độ giàu có của ông, sau vụ tai tiếng nói trên.
Tài liệu tiết lộ xác nhận rằng, gia đình ông Sharif kiểm soát một số lượng lớn lao đất đai và nhà cửa, tại Pakistan lẫn tại hải ngoại
Tuyên bố sau vụ tiết lộ tài liệu, ông Shavaz loan báo sẽ thành lập một Ủy ban điều tra các cáo buộc.
Ông cũng bênh vực cho việc kinh doanh của gia đình ông và mô tả cáo buộc tham nhũng, chỉ là những lời tố cáo cũ rích mà thôi.
"Khi nắm quyền hay lúc ở ngoài chính phủ, tôi hay bất cứ ai trong gia đình tôi, chẳng hề làm mất lòng tin của mọi người đã đặt vào chúng tôi, tôi xin tạ ơn Thượng đế".
"Tôi cũng chẳng bao giờ gắn liền quyền lực với doanh nghiệp".
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng, việc trốn thuế là một khó khăn toàn cầu, mà chính phủ ông tìm cách chấm dứt.
"Đó chẳng là điều độc nhất tại các nước khác, bởi vì thành thật mà nói, có những người tại nước Mỹ đây cũng lợi dụng tình trạng tương tự. Nhiều vụ hợp pháp, thế nhưng chính xác là chuyện khó khăn".
"Đó không phải là họ vi phạm luật pháp, chỉ vì luật lệ đề ra quá lỏng lẻo khi cho phép họ nếu có đủ luật sư và đủ các kế toán gia, để lách né trách nhiệm mà người thường phải tuân thủ".
"Tại Mỹ, có những lỗ hỗng mà chỉ có những người giàu có hay các công ty có thế lực mới có thể tận dụng. Họ có các trương mục ở ngoại quốc và chơi trò cút bắt với hệ thống thuế trong nước", ông Obama nói.
Tân Chủ tịch Liên đoàn túc cầu thế giới FIFA, cũng bị kẹt trong vụ tai tiếng.
Ông Gianni Infantino, là cựu giám đốc của Liên đoàn túc cầu Âu châu UEFA, được biết đã thương thảo hai hợp đồng ở ngoại quốc, với hai doanh nhân có tên trong tài liệu được tiết lộ Panama.
Ông Hugo và Mariano Jinkis, mua quyền trực tiếp truyền hình các trận đấu của Liên đoàn túc cầu UEFA và ngay sau đó, đã bán lại với giá gần gấp 3 lần.
Họ đã bị cáo buộc tội hối lộ, trong các tài liệu Panama được tiết lộ.
Ông Infantino bị cáo buộc ký kết hợp đồng năm 2006, khi ông nầy là Chủ tịch của UEFA.
Ông cũng ban hành một thông cáo, bác bỏ các cáo buộc nói trên.