Một Ủy ban của Quốc hội sẽ sớm được thành lập để tìm hiểu thêm về việc công nhận Thổ dân và người dân đảo Torres trong hiến pháp Úc.
Thủ tướng Malcolm Turnbull cho hay Ủy ban này nhận được sự ủng hộ của phe đối lập liên bang.
Công việc của họ là tập hợp lại những công việc trước đó của Hội đồng trưng cầu dân ý và các hội đồng chuyên gia khác.
Ông Turnbull cũng nhấn mạnh rằng chính phủ cam kết đẩy mạnh việc công nhận những chủ nhân đầu tiên của Úc trong hiến pháp.
"Tôi rất hài lòng về những phản hồi của lãnh tụ phe đối lập vào thứ 6 tuần rồi. Bây giờ tôi hy vọng chúng ta có thể thực hiện những vấn đề quan trọng này và thành lập "Ủy ban tham gia bầu chọn mới"
Lãnh tụ phe đối lập, ông Bill Shorten đã hứa sẽ vận động để người Thổ dân có một tiếng nói trước quốc hội, nếu không nhận được cam kết của lưỡng đảng về tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân.
Ông cũng nói thêm là chính phủ sẽ bù đắp thỏa đáng cho những nạn nhân thuộc thế hệ bị đánh cắp, nếu đảng Lao động lên cầm quyền.
"Bồi thường ở đây không có nghĩa là đưa họ về vị trí cũ trước đây. Những gì đã qua hãy để nó qua đi. Hiện tại chúng ta phải giải quyết những việc chưa hoàn thành về lời xin lỗi đối với những người này"
Chia sẻ thêm về viễn cảnh tương lai, lãnh tụ đối lập Bill Shorten nói, trong vòng 100 ngày đầu lãnh đạo, Chính phủ Lao động sẽ triệu tập một cuộc họp quốc gia bàn về thế hệ những trẻ em đầu tiên của nước Úc.
Hội nghị này sẽ bao gồm đại diện chính phủ và các nhà nghiên cứu hàng đầu, để xác định các yếu tố dẫn đến việc chia cách trẻ em Thổ dân, cũng như những giải pháp mục tiêu để giảm bớt tỉ lệ những người Thổ dân rời khỏi nơi chăm sóc.
Năm ngoái, có hơn 17,000 trẻ em Thổ dân và dân đảo Torres đang sống bên ngoài khu chăm sóc đặc biệt, tăng gần gấp đôi so với 1 thập niên trước.
Bà Hazel Collins, đại diện những người Thổ dân đã nói với đài SBS rằng, mong muốn lớn nhất của người Thổ dân là Chính phủ Úc phải trả lại công bằng cho họ.
"Chúng tôi cần có một cuộc họp để chúng tôi có thể cất lên tiếng nói của mình. Chúng tôi muốn nói lên những mối quan tâm của mình, cũng như của con cháu mình trong tương lai, bởi chúng đã chịu quá nhiều tổn thương. Chúng đã mất đi bản sắc dân tộc, nguồn gốc xuất thân, và tổ tiên của mình"
Bà Collins cũng nói thêm, quả là một tấn thảm kịch cho những gia đình có trẻ em bị đánh cắp. Những người Thổ dân đã chịu nhiều đau khổ không gì bằng. Người mất thì đã mất, còn những người sống thì phải luôn trong tâm trạng dằn vặt, mà không nhận được sự cảm thông.
"Tôi là một người trong cuộc, một người bà bị cướp mất những đứa cháu của mình. Tôi đã bị coi là một người thừa. Cả gia đình tôi cũng vậy. Chúng tôi không đủ điều kiện chăm sóc cháu mình, cả thảy 36 đứa. Giờ không ai biết mặt nhau. Đây không phải là một hành động diệt chủng, một sự kỳ thị chủng tộc hay sao? Chúng tôi là một bí mật đáng kinh tỏm của người Úc. Giờ là lúc chúng tôi phải đứng lên để quản lý cộng đồng mình, bảo vệ và chăm sóc con cháu chúng tôi"
Một báo cáo mới nhất của chính phủ về đề án Xóa bỏ khoảng cách cho thấy, chỉ 3 trong số 7 mục tiêu của đề án là đang đi đúng hướng, bao gồm thu hẹp khoảng cách về tỉ lệ trẻ tử vong, trẻ được học mẫu giáo và trẻ học hết lớp 12.
Các mục tiêu còn lại đang bị thụt lùi như việc thu ngắn khoảng cách 10 năm tuổi thọ giữa người Thổ dân và người Úc không Thổ dân.
Bộ trưởng Y tế Thổ dân Ken Wyatt đã nói với đài ABC rằng mục tiêu chăm sóc sức khỏe người bản địa chính là điểm mấu chốt của vấn đề.
"Chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đưa mọi người đến gần nhau hơn. Những vẫn còn thách thức là làm sao để tạo sự đồng bộ. Bởi vì khi chúng ta có được sự đồng bộ, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến việc xóa bỏ khoảng cách"
Thượng nghị sĩ người Thổ dân đảng Lao động Pat Dodson cũng tỏ ra hài lòng với kết quả đạt được. Ông cho biết bất cứ sự thay đổi nào dù là nhỏ nhất vẫn đáng được trân trọng.
Thủ tướng Malcolm Turnbull một lần nữa khẳng định, vấn đề công ăn việc làm đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống người Thổ dân. Tuy nhiên, vấn đề cần phải có sự hợp tác từ 2 phía.
Cam kết của tôi là bảo đảm những người thổ dân và những chính sách ở lãnh thổ Bắc Úc sẽ đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc gia. Như tôi đã nói trước đây, những thách thức trong kế hoạch xóa bỏ khoảng cách thường được mô tả như một việc cần được giải quyết. Nhưng trên tất cả, chúng ta nên nghĩ thoáng ra, và hãy xem đây là một cơ hội cho tất cả mọi người"