"Những Điều Chúng Ta Mang Theo" – Khám phá ký ức và ý nghĩa trong cuộc sống của người Úc gốc Việt

Sheila Ngoc Pham - The Things We Carry

The Things We Carry, hosted by writer Sheila Ngoc Pham, the night will feature live music from Nostalgia, a local Vietnamese traditional music band, spoken word performances, storytelling and a panel discussion featuring poets Antoinette Luu and Annabella Luu, psychologist Chris Tran, and storyteller Thang Luong. Source: Supplied / Carolina Tangerina @casceru

Một đêm kịch, ký ức và kể chuyện liên thế hệ đầy cảm xúc do nhà văn Sheila Ngọc Phạm dẫn dắt.


Năm mươi năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, ngày Chiến tranh Việt Nam kết thúc, cộng đồng người Việt ở Úc vẫn tiếp tục chiêm nghiệm về vị trí của dân tộc mình trong câu chuyện nước Úc đương đại.

Ở một góc miền Tây Sydney, một cuộc tụ họp độc đáo đang hình thành.
LISTEN TO
vietnamese_The thing we carry_114 web.mp3 image

"Những Điều Chúng Ta Mang Theo" – Khám phá ký ức và ý nghĩa trong cuộc sống của người Úc gốc Việt

SBS Vietnamese

06:43
The Things We Carry, do nhà văn kiêm nhà sản xuất chương trình Sheila Ngoc Pham phụ trách, là sự kết hợp giữa âm nhạc, kể chuyện và những tiếng nói từ nhiều thế hệ để khám phá sức nặng của ký ức, di cư và bản sắc.

Là con gái của người Việt tị nạn và cũng là một người kể chuyện lâu năm, Sheila mang đến một góc nhìn vừa cá nhân vừa gắn bó sâu sắc với cộng đồng về thời khắc lịch sử này.

Trước sự kiện, Trinh Nguyễn đã có buổi trò chuyện cùng Sheila để tìm hiểu thêm về cảm hứng của chương trình, ý nghĩa của sự kiện đối với vùng miền Tây Sydney, và vì sao—nửa thế kỷ sau—lại là thời điểm thích hợp để cùng nhìn lại.

"Đây là một cột mốc quan trọng cần được ghi nhận – 50 năm, mà 50 năm là một khoảng thời gian rất đáng kể trong lịch sử nước Úc. Nước Úc chỉ mới hơn 230 năm tuổi thôi, và người Việt mình đã là một phần trong lịch sử đó suốt nửa thế kỷ rồi."

Tác phẩm mới nhất mà Sheila đang thực hiện – một vở kịch kể về Sài Gòn năm 1971 và Sydney sau đó 30 năm – đã trở thành chất xúc tác cho một cuộc trò chuyện rộng lớn hơn trong cộng đồng.

"Tôi cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để tập hợp mọi người lại, cùng đến nhà hát mà tôi đã cộng tác lâu nay – và cũng là cơ hội để mang tới nhiều tiếng nói khác nhau."

Sự kiện sẽ quy tụ những nghệ sĩ và người biểu diễn gốc Việt qua nhiều thế hệ – từ hai chị em thi sĩ Annabella và Antoinette Luu, tới nhà văn Chris Trần – người có gia đình gốc Hoa-Việt tới Úc sau chiến tranh – và anh Thắng Lương, một trong những người tị nạn đầu tiên đến đây năm 1975. Âm nhạc được trình bày bởi ban nhạc Nostalgia, gồm những nghệ sĩ Việt ở nhiều độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau.

"Tôi nghĩ buổi tối hôm đó là một dịp để nhìn lại, để suy nghĩ về hành trình – từ đâu, như thế nào – mà cộng đồng người Việt mình ở Sydney đã đến được vị trí hiện tại."

Nhưng đây không chỉ là một buổi biểu diễn. Đó là một nỗ lực có chủ đích nhằm thu hẹp khoảng cách.

"Tôi nghĩ một trong những khó khăn của cộng đồng người Việt là... đôi khi mình không nói chuyện được với nhau giữa các thế hệ. Rồi cũng có sự khác biệt giữa người Việt lớn tuổi – những người đến Úc theo diện tị nạn – với lớp người Việt mới tới trong 20 năm trở lại đây. Theo tôi thấy, cộng đồng mình có vẻ bị chia rẽ ở một vài khía cạnh."

Như một chiếc cầu nối– giữa các thế hệ, giữa người tị nạn và người di dân mới, giữa những người đã im lặng và những người vẫn mong được lên tiếng.

"Tôi mong rằng một sự kiện như thế này có thể tập hợp được nhiều nhóm người khác nhau – những người có thể không thấy thoải mái ở các không gian khác – nhưng lại có quan tâm, nhất là người Việt muốn tìm hiểu thêm về lịch sử và nguồn gốc gia đình mình."

Tên gọi của buổi tối hôm đó—The Things We Carry (Những điều chúng ta mang theo)—lấy cảm hứng từ tiểu thuyết nổi tiếng của Mỹ The Things They Carried (Những điều họ mang theo) của Tim O’Brien. Nhưng theo Sheila, phiên bản lần này chuyển hướng tiêu điểm.

"Khi tôi lên ý tưởng cho chương trình và tìm một cái tên, tôi nghĩ đến cuốn sách đó... Trong các câu chuyện về chiến tranh, góc nhìn của người Việt – đặc biệt là người miền Nam – thường bị lu mờ. Vì vậy, tôi mượn tên “Những điều họ mang theo” và đổi thành “Những điều chúng ta mang theo” – chúng ta’ ở đây là cộng đồng người Việt tại Úc."

Và không chỉ có tựa đề là mang ý nghĩa—mà chính khái niệm “carry” cũng mang sức nặng riêng của nó. Sheila muốn thử thách cách hiểu thông thường về từ “carry”—“mang theo” rằng nó luôn gợi cảm giác nặng nề, như trong tác phẩm của Tim O’Brien. Chị muốn tái định nghĩa lại cách hiểu đó.

"Khi nói về chuyện này, tôi muốn nhấn mạnh là... đó không phải đã ở trong quá khứ với chúng ta. Nó là ‘những điều ta đang mang theo’, không phải ‘đã mang’. Và những điều mình mang theo không phải lúc nào cũng là gánh nặng – đó là lịch sử, là câu chuyện của gia đình, và những điều đó cũng rất mạnh mẽ, rất quý giá nữa. Không chỉ là thử thách, mà với tôi, đó là một vinh dự lớn – được mang theo những câu chuyện về hành trình đến Úc, và góp phần giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về điều đó, bởi vì người Việt giờ đây là một phần rất quan trọng trong câu chuyện nước Úc."

Chữ “we – chúng ta” đó không chỉ nói về những người từng chạy trốn chiến tranh, mà còn là những thế hệ sau – có người sinh ra ở đây, có người mới tới gần đây – tất cả đều đang đi tìm bản sắc, ký ức, và ý nghĩa của việc là người Việt sống ở Úc ngày nay.

Còn khán giả? Không chỉ là người Việt tại Úc. Sheila mong rằng sẽ có thêm nhiều người khác đến nữa – những ai mà gia đình họ cũng từng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến theo nhiều cách khác nhau.

"Dù nhiều người không muốn nghĩ tới chiến tranh, muốn để quá khứ lại phía sau, nhưng đây thật sự là một phần lịch sử rất quan trọng của thế giới. Chiến tranh Việt Nam cũng đã ảnh hưởng rất lớn tới nước Úc, và cả các thế hệ đang sống ở đây."

Khi ánh đèn bật sáng tại Nhà hát Riverside ở Parramatta vào tối thứ Ba, ngày 15 tháng 4 năm 2025, mời gọi tất cả chúng ta – bất kể có phải người Việt hay không – cùng dừng lại một chút, suy ngẫm và lắng nghe.
Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ hay 

Share