Kế hoạch mới nhằm nâng cao năng lực tái chế quốc gia và khôi phục tài nguyên hậu Covid-19

Plastic waiting to be recycled

Plastic waiting to be recycled Source: AAP

Một kế hoạch tái chế mới trị giá 190 triệu đô la vừa được chính phủ liên bang công bố, để nâng cao năng lực tái chế của quốc gia. Sự đầu tư này là một phần trong chương trình quốc gia nhằm thay đổi cách quản lý rác thải. Chương trình sẽ giúp nâng cao kinh tế, bảo vệ môi sinh và bảo đảm đạt được mục tiêu khôi phục tài nguyên quốc gia lên đến 80% trước năm 2030. Biện pháp này đưa ra còn nhằm giúp nước Úc tự chủ hơn, không dựa vào các quốc gia Á Châu để xuất cảng các loại rác thải chưa qua xử lý.


Chính phủ liên bang nói sẽ cam kết gần 200 triệu đô la cho chương trình có tên gọi “Quỹ Hiện đại hóa Tái chế”.

Tổng trưởng Môi sinh Sussan Ley nói chương trình này sẽ thay đổi toàn bộ kỹ nghệ xử lý rác thải, tạo ra cơ sở hạ tầng mới nhằm tái sản xuất các nguyên liệu có thể chế tạo lại, và giúp hồi sinh 10 triệu tấn rác thải trong các bãi rác.

Bà Ley nói ước tính sẽ có 10,000 công ăn việc làm được tạo ra trong chương trình này.

‘Ý nghĩa của sự đầu tư này đối với tương lai phục hồi và tái chế của Úc là không thể đong đếm được. Đây là lần đầu tiên một chính phủ quốc gia đưa rác thải vào chương trình nghị sự. Ý nghĩa của chuyện này đối với từng hộ gia đình là từ bây giờ trở đi, mỗi khi bạn đổ rác vào thùng rác tái chế, hãy thật sự hiểu biết mình đổ những loại rác thải nào có thể tái chế được vào đó. Hành động đúng đắn của các bạn sẽ góp phần tạo ra giá trị của rác thải, tạo ra công ăn việc làm và bảo đảm nước Úc thực hiện được cam kết mà thủ tướng Morrison đặt ra hồi năm ngoái. Đó là rác thải của chúng ta thì chúng ta phải có trách nhiệm.’

Sự đầu tư này là một phần trong chương trình quốc gia nhằm thay đổi cách quản lý rác thải. Chương trình sẽ nâng cao kinh tế, bảo vệ môi sinh và bảo đảm đạt được mục tiêu khôi phục tài nguyên quốc gia lên đến 80% trước năm 2030.

Quỹ Hiện đại hóa Tái chế giúp xử lý những vật liệu như nhựa tổng hợp, giấy, lốp xe và kính.

Phụ tá Bộ trưởng về Quản lý Môi sinh và Giảm Rác thải Trevor Evans nói đây là một sự thay đổi ngoạn mục đối với kỹ nghệ rác thải.

‘Ngành tái chế ở Úc sẽ được tăng cường. Hiện nay đã có hơn 1 tỷ đô la đầu tư vào các cơ sở tái chế, cơ sở hạ tầng và có thêm nhiều kết quả về nền kinh tế tuần hoàn đã xảy ra trên cả nước, bao gồm sự đầu tư ở các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Điều này sẽ dẫn tới một kết quả tuyệt vời cho môi sinh. Chúng tôi ước đoán sự đầu tư sẽ giúp cho hơn 10 triệu tấn rác thải, được phục hồi và thu hồi giá trị, thay vì kết thúc số phận nơi bãi rác.  Giá trị của chúng sẽ sớm được khẳng định, thế hệ tương lai của chúng sẽ là những sản phẩm đẹp đẽ trên quầy hàng, góp phần vào những dự án ngoạn mục hay các cơ sở hạ tầng trên khắp quốc gia’.  

Chương trình thay đổi về rác thải và tái chế Úc còn được nhận thêm tài trợ trị giá 35 triệu đô la, nhằm thực hiện cam kết đặt ra trong Kế hoạch Hành động về Chính sách Rác thải quốc gia.

Thêm vào đó là 25 triệu đô la cam kết cải thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về rác thải, nhằm đo lường kết quả các dự án và theo dõi tiến độ thực hiện mục tiêu về rác thải đã đặt ra.

Chương trình này còn bao gồm việc tung ra một đạo luật mới, chính thức ban hành lệnh cấm xuất cảng rác thải của chính phủ, và khuyến khích các công ty có trách nhiệm hơn với những rác thải mà họ tạo ra.

Bà Ley nói các sáng kiến này đã đưa chương trình cải tiến rác thải lên một tầm cao mới.

‘28,000 tấn nhựa dạng viên sẽ được tái tạo thành bao bì. Vì vậy hãy suy nghĩ đến việc đóng gói với các loại bao bì. Bạn cần biết khi bạn nhặt một bình nhựa lên, thì ngoài việc nghĩ rằng nó từng là nhựa, bạn cũng cần nghĩ về nó một cách có trách nhiệm, lâu dài, quá trình nó sẽ được tái chế và tái sản xuất. Đặt cùng suy nghĩ như vậy với các rác thải kính sẽ trở thành một phần của đường nhựa. Những loại nhựa bất thường và khó tái chế sẽ trở thành dạng thép “xanh” và góp phần vào sự vận hành của các máy in 3D ba chiều. Đó là kết quả của sáng tạo, nghiên cứu và phát triển lớn lao. Đó là sáng kiến sẽ tận dụng hiệu quả 1 tỷ đô la.’

Các tiểu bang, vùng lãnh thổ và các ngành kỹ nghệ dự kiến sẽ thúc đẩy và gặt hái những thành quả từ sự đầu tư này.

Giám đốc phát triển Garth Lamb, thuộc công ty xử lý rác thải Re-Group có trụ sở đặt tại Canberra nói sự đầu tư này sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao trong lĩnh vực xử lý rác thải, tuy nhiên ông cảnh báo thị trường nội địa cũng cần phải phát triển.

‘Chúng ta cần nhìn thấy thị trường này phát triển thì mới có thật nhiều người mua vật liệu tái chế. Chúng tôi rất thích cơ hội này nhận được sự đầu tư nhiều hơn, tuyển dụng nhiều nhân viên hơn và làm được nhiều điều cho nước Úc.’

Hồi năm ngoái Indonesia đã gởi trả 100 containers rác thải nhựa bị ô nhiễm về lại cho Úc kèm theo lời nhắn rằng nước này không phải là bãi rác của Úc.

Malaysia, Vietnam, Thailand và Philippines cũng có hành động tương tự.

Giám đốc điều hành công ty Cleanaway ông Vik Bansal nói nước Úc cần tự chủ và tự túc hơn, cũng như Úc cần gánh trách nhiệm về số rác thải của chính mình.

‘Là công ty lớn nhất trong lĩnh vực quản lý rác thải của Úc, chúng tôi hoan nghênh sự đầu tư này, đây là một điều thật tốt cho quốc gia. Khi một kỹ nghệ đi qua sự biến đổi lớn lao, chúng ta thường thấy chính phủ mất một thời gian dài để ứng phó. Hàng triệu containers giờ đây không cần phải hạ cánh ở bãi rác, cũng như sẽ không trôi dạt vào sông ngòi, hay rặng san hô Great Barrier Reef nữa, mà chúng sẽ được tái chế thành các loại nguyên vật liệu. Đây chính là một nền kinh tế tuần hoàn. Úc, với tư cách là một quốc gia, cần phải sở hữu nguồn vật liệu của chính mình. Không còn thích hợp để gởi rác thải tới các nước Á Châu, đây là lúc chúng ta phải sở hữu rác thải’.

Phe đối lập cho rằng tuyên bố của chính phủ đến quá muộn, còn thượng nghị sĩ đảng Xanh Peter Whish-Wilson nói chính phủ nên tập trung vào việc sản xuất ít rác thải nhựa hơn.

Giám đốc điều hành Ủy hội tái chế Úc ACOR, ông Pete Schmigel nói sự phát triển này rất quan trọng trong giai đoạn hậu Covid-19.

‘Vô cùng quan trọng cho quá trình phục hồi sau đại dịch. Thật dễ dàng nếu ai ngồi gõ vài câu trên bàn phím cũng có việc ngay, nhưng không phải người nào cũng vậy. Có một nguồn nhân lực trên đất nước này chỉ bao gồm những người lao động chân tay và họ cũng đang cần việc làm. Đây chính xác là cách thức đầu tư có thể cung cấp loại việc làm này, khi chúng ta phục hồi từ Covid và những chuyện khác.’

Bà Ley thừa nhận vấn đề đóng cửa biên giới sẽ gây ảnh hưởng tạm thời đến sự hợp tác của các tiểu bang, tuy nhiên bà sẽ nghe theo tư vấn của chuyên gia y tế về việc khi nào có thể tiến hành kế hoạch mới này.

Share