Kế hoạch thôn tính Gaza của Trump gây tranh cãi, các quốc gia Ả Rập thẳng thừng từ chối

PM Netanyahu President Trump

US President Donald J. Trump (L) and Prime Minister of Israel Benjamin Netanyahu (R) Source: EPA

Tổng thống Donald Trump cho biết ông mong muốn Hoa Kỳ chiếm đóng, sở hữu và tái phát triển Dải Gaza thành một khu vực giống như Riviera của Châu Âu. Nhưng các quốc gia láng giềng phần lớn đã lên án đề xuất này.


Tổng thống Donald Trump đã ra tín hiệu cho ý định Hoa Kỳ chinh phục Dải Gaza và tái định cư vĩnh viễn 1,8 triệu người Palestine bị di dời nội bộ.

Đây là một đề xuất đã bị các quốc gia Ả Rập, bao gồm Ai Cập và Jordan từ chối một cách thẳng thừng, những quốc gia mà ông Trump hy vọng sẽ tiếp nhận những người bị di dời này.

Những lời bình luận này được đưa ra sau một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tòa bạch ốc.

"Tôi không nghĩ rằng mọi người nên quay trở lại Gaza. Tôi nghĩ rằng Gaza là nơi bất hạnh đối với họ. Họ đã sống như trong địa ngục. Gaza không phải là nơi để con người sinh sống, và lý do duy nhất khiến họ muốn quay trở lại là vì họ không có lựa chọn nào khác. Lựa chọn khác là đi đâu? Không có lựa chọn nào khác; nếu họ có lựa chọn khác tốt đẹp và an toàn, họ sẽ mong muốn không phải quay trở lại Gaza."

Ông Trump cho rằng toàn bộ dân số nên được “tái định cư ở những khu vực mà họ có thể sống một cuộc đời tươi đẹp và không phải lo lắng về việc bị giết chóc hàng ngày”.

Ông cũng nói rằng Hoa Kỳ sẽ “tiếp quản” và “phát triển” lãnh thổ đó.

"Tôi thực sự thấy một vị trí sở hữu lâu dài, tôi thấy điều đó mang lại sự ổn định lớn cho phần Trung Đông này, và có thể cho toàn bộ Trung Đông, với mọi người mà tôi đã nói chuyện.
Đây không phải là quyết định được đưa ra một cách nhẹ nhàng, mọi người tôi đã nói chuyện đều thích ý tưởng Hoa Kỳ sở hữu mảnh đất đó, phát triển và tạo ra hàng nghìn việc làm, với một điều gì đó thật huy hoàng trong một khu vực không ai có thể nhận ra. Vì tất cả những gì họ thấy chỉ là cái chết, sự hủy diệt, các đống đổ nát và các tòa nhà bị phá hủy khắp nơi – tất cả chỉ là cảnh tượng khủng khiếp.
Tổng thống Donald Trump
Cựu ông trùm bất động sản này đã phác thảo cách mà Hoa Kỳ có thể dọn dẹp đống đổ nát của một cuộc chiến kéo dài 15 tháng và tạo ra một điều gì đó giống như một điểm nghỉ dưỡng lý tưởng.

"Chúng ta có cơ hội làm điều gì đó phi thường. Và tôi không muốn tỏ ra khôi hài, tôi không muốn tỏ ra là một kẻ thông minh, nhưng Riviera của Trung Đông, điều này có thể là một điều gì đó thật huy hoàng."

Benjamin Netanyahu đã ra dấu bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng này và ca ngợi ông Trump là “người bạn vĩ đại nhất mà Israel từng có ở Tòa bạch ốc”.

"Tôi nghĩ rằng đây là điều có thể thay đổi lịch sử. Thật xứng đáng khi theo đuổi con đường này."

Thủ tướng Israel đã mỉm cười khi cảm ơn ông Trump cho phép cung cấp thêm vũ khí cho nhà nước Do Thái, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với những người định cư ở Bờ Tây, và thu hồi kinh phí cho cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc hỗ trợ dân số Palestine ở Dải Gaza, nơi các cơ quan y tế cho biết hơn 47.000 người đã bị giết kể từ khi chiến tranh bùng nổ.

Thêm 14.222 người nữa được cho là vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát hoặc trong những khu vực mà lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận, hoặc được cho là đã chết, theo người đứng đầu Văn phòng Thông tin Chính phủ Gaza.

Phản ứng quốc tế lại rất khác biệt.

Donald Trump lần đầu tiên nêu ý tưởng về việc giảm dân số ở Gaza và tái định cư dân số Palestine như những người tị nạn vào ngày 25 tháng 1.

Vào thứ Hai [3 Tháng 2], các bộ trưởng ngoại giao của Ai Cập, Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi đã từ chối kế hoạch này trong một bức thư chung gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Marco Rubio.

Hamas cũng đã phát hành một tuyên bố bằng văn bản hôm nay, quan chức cấp cao Sami Abu Zuhri nói:

"Chúng tôi coi đây là một công thức tạo ra hỗn loạn và căng thẳng trong khu vực. Người dân của chúng tôi ở Dải Gaza sẽ không cho phép những kế hoạch này được thông qua. Điều cần thiết là chấm dứt sự chiếm đóng và sự xâm lược đối với người dân của chúng tôi, chứ không phải là trục xuất họ khỏi đất đai của họ."

Một phản ứng tương tự đã được Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Hakan Fidan, đưa ra vào ngày hôm qua, trước khi ông Trump trình bày kế hoạch sở hữu Dải Gaza của Hoa Kỳ.
Vấn đề Palestine bắt đầu từ việc người Palestine bị di dời. Mặc dù chúng tôi ủng hộ ý tưởng giải quyết triệt để vấn đề này, người Palestine nên được trao quyền thành lập một quốc gia trên đất của họ và xung đột này nên được chấm dứt bằng giải pháp hai nhà nước, việc đưa ra một đề xuất trái ngược nghĩa là không đọc hiểu lịch sử một cách đúng đắn.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Hakan Fidan
Quốc gia khu vực quan trọng và chiến lược nhất, Ả Rập Saudi đã nhắc lại lời chối kế hoạch của ông Trump, nói rằng giải pháp hai nhà nước vẫn là điều kiện tiên quyết cần thiết để thiết lập quan hệ bình thường hóa với Israel. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến Tổng thống Trump, người không giấu giếm tham vọng đưa hai quốc gia này đến gần nhau.

Thủ tướng Anthony Albanese cũng đã nêu rõ quan điểm của Úc, sau khi được hỏi về những bình luận của ông Trump hôm nay.

"Những gì tôi muốn nói là lập trường của Úc vẫn như sáng nay, như năm ngoái, như mười năm trước, và dưới thời chính phủ Howard, chính phủ Úc ủng hộ trên cơ sở lưỡng đảng về một giải pháp hai nhà nước ở Trung Đông."

Nhưng khi các cuộc đàm phán cho giai đoạn thứ hai của việc ngừng bắn ở Gaza bắt đầu, dường như triển vọng của giải pháp hai nhà nước càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay 

Share