Đối với nhà hoạt động khí hậu Cynthia Houniuhi, việc nhìn ra biển là lời nhắc nhở về hòn đảo quê hương của cô.
Nhưng mực nước biển dâng cao và sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã khiến biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đến cá nhân.
"Tôi lớn lên ở Quần đảo Solomon, bạn đi đến một số nơi và thấy là mọi người đã phải di dời . Đó là một cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng đó còn là một cuộc khủng hoảng nhân quyền. Tính cấp bách của vấn đề là có thật đối với chúng tôi, vì vậy các hành động chúng tôi thực hiện nói lên điều đó."
Sự ủng hộ của Cynthia là công cụ thúc đẩy một nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên Tòa án Công lý Quốc tế để có thể buộc các quốc gia phải chịu trách nhiệm về hồ sơ khí hậu của họ.
Lượng khí thải carbon do Quần đảo Thái Bình Dương tạo ra chiếm chưa đến 0,03% tổng lượng khí thải của thế giới.
"Chúng tôi cũng muốn có con trong tương lai, chúng tôi muốn các con mình có một tương lai bền vững, một tương lai mà chúng tôi vẫn đứng trên đất của mình để thể hệ tương lai có thể thực hành văn hóa mình, để chúng có cùng tuổi thơ với chúng tôi. Tôi sợ cái viễn cảnh đến một ngày nào đó tôi phải chỉ vào một bức tranh và nói với các con tôi rằng đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên."
Tiến sĩ Wesley Morgan làm việc với Hội đồng Khí hậu:
"Chiến dịch của Tòa án Công lý Quốc tế ICJ khiến Úc cần phải lưu ý rằng Úc cần phải làm nhiều hơn để cắt giảm lượng khí thải trong thập kỷ này và nhanh chóng rời xa nhiên liệu hóa thạch."
Úc đã đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ giảm lượng khí thải trong nước xuống 43% so với mức năm 2005, và đạt mức 0 vào năm 2050.
Nhưng trước Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, các nhà hoạt động khí hậu như Joseph Sikulu, giám đốc 350 Pacific, nói rằng điều đó là chưa đủ.
"Chúng tôi luôn nói rằng Úc là một quốc gia đàn anh ở Thái Bình Dương, Úc thực sự cần phải nên hành động như vai trò của đàn anh lớn. Một trong những điều khó khăn về sự hiện diện của Úc, đặc biệt là trong một diễn đàn như Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, là họ có rất nhiều quyền lực và họ tận dụng nó. Úc nên làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự cải thiện ở khu vực và sự tốt đẹp hơn của tất cả người dân chúng ta."
Trong một tuyên bố với SBS, Tổng trưởng phụ trách về Thái Bình Dương của Úc là Pat Conroy cho biết:
"Chính phủ Albanese đang có hành động mạnh mẽ về vấn đề biến đổi khí hậu và sát cánh cùng Thái Bình Dương trong việc nhận ra tính cấp thiết của việc giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Chính phủ đã thành lập mới một tổ phụ trách về Đối tác tài trợ cơ sở hạ tầng khí hậu Thái Bình Dương - Pacific Climate Infrastructure Financing Partnership, và đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống đỡ sự biến đối khí hậu tốt hơn, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ ngoài lưới điện trên khắp Thái Bình Dương, đồng thời tăng tài trợ tài khí hậu cho các nước đang phát triển từ 2 lên 3 tỷ đô la."
Hơn 60 nhà hoạt động Thái Bình Dương trẻ đã tập trung tại Fiji vào Thứ Tư, 25 tháng 10 để gặp gỡ với Tổng thư ký Diễn đàn và trình bày các yêu cầu về khí hậu của họ.
"Ở Thái Bình Dương, họ nói chúng tôi là những con chim hoàng yến trong mỏ than bởi vì chúng tôi sẽ báo động những gì nhìn thấy và chúng tôi đã nhìn thấy nó từ lâu. Tôi lo lắng cho cộng đồng của mình rất nhiều ... nhưng tôi không bao giờ lo lắng về tinh thần nỗ lực mà chúng tôi cần có để xây dựng tương lai như chúng ta mong muốn."
Một tinh thần được cộng đồng Pasifika ở Úc hoan nghênh.
Người điều hành của Uniting Church, Mục sư Mata Havea Hiliau.
"Tôi là đứa con gái đến từ Thái Bình Dương. Tôi hiểu các gia đình, họ hàng và các hòn đảo đã bị ảnh hưởng trực tiếp, đó không phải là chuyện đùa, không phải căng thẳng, mà là một cuộc khủng hoảng."