Luật lệ quanh ta (103) Khi nào hợp đồng tiền hôn nhân bị vô hiệu lực?

Chia tay làm sao với home loan?

Chia tay làm sao chia home loan? Source: wikimedia commons

Hợp đồng tiền hôn nhân ngày càng phổ biến trong các cuộc hôn nhân giúp hai bên bảo vệ tài sản, tuy nhiên nhiều lần Tòa Án đã phủ quyết tính pháp lý của hợp đồng này và phân chia lại tài sản vì cho rằng hợp đồng không công bằng. Lý do vì sao?


Vừa mới tuần trước, Tối cao pháp viện đã ra phán quyết vô hiệu hoá hợp đồng tiền hôn nhân giữa một triệu phú bất động sản người Úc và vợ cũ đến từ Đông Âu. Triệu phú này đã quen người vợ trên mạng và sau một năm hai người quyết định đi tới hôn nhân. Họ ly hôn sau 4 năm chung sống và khi ra tòa, Tòa đã hủy bỏ giá trị pháp lý của bản hợp đồng với lý do người vợ đã bị buộc phải ký hợp đồng trước ngày cưới, nếu không đám cưới sẽ không xảy ra.

Hợp đồng tiền hôn nhân ngày càng trở nên phổ biến hơn trong các cộng đồng, đa số là những trường hợp liên quan đến người đàn ông ở Úc cưới vợ từ ngoại quốc. Nhiều người cho rằng hợp đồng tiền hôn nhân là điều quá tính toán và rạch ròi, nhưng cũng chính sự  rạch ròi ấy cũng nhằm bảo vệ tài sản của cả hai bên trong trường hợp xảy ra tranh chấp khi ly hôn.

Tuy nhiên, nếu không được soạn thảo và sử dụng đúng đắn thì hợp đồng tiền hôn nhân có thể bị mất giá trị pháp lý.

Mời quý vị nghe toàn bộ phần trình bày của Luật sư Nguyễn Văn Thân ở Sydney trong phần audio để tìm hiểu những vấn đề pháp lý xoay quanh việc hủy bỏ một hợp đồng tiền hôn nhân.

A/Những lý do nào khiến hợp đồng tiền hôn nhân bị cho là không có giá trị pháp lý?

1. Người ký bị ép buộc

Trong vụ kiện của nhà triệu phú bất động sản, trước ngày diễn ra lễ cưới 10 ngày, ông đã thuê luật sư thảo ra bản hợp đồng đưa cho người vợ với điều kiện nếu không ký thì đám cưới sẽ bị hủy bỏ. Khi đó đám cưới đã được định ngày, người vợ đã bán hết tài sản ở quê nhà để sẵn sàng cuộc sống tại Úc, và tất nhiên nếu đám cưới bị huỷ thì người vợ sẽ bị mất visa. Ở vào hoàn cảnh của người vợ lúc đó, Toà đã cho rằng người vợ không còn cách nào khác là phải ký hợp đồng.

2. Lợi dụng hoàn cảnh của đối phương

Theo câu chuyện trên, người chồng lợi dụng hoàn cảnh của người vợ đang ở trong thế kẹt, không thể huỷ đám cưới để trở về quê nhà khi gia đình đã sang chuẩn bị dự đám cưới, và người vợ cũng không có cơ hội để xem xét kỹ và thương lượng hợp đồng trước khi ký.

3. Những yêu cầu trong hợp đồng quá bất công

Nhà triệu phú đã đưa ra điều kiện, nếu ly hôn trong 3 năm đầu thì sẽ không được chia một đồng tài sản nào, nếu ly hôn sau 3 năm thì sẽ được $50,000, trong khi tổng tài sản của ông này là khoảng $18,000 - $24,000. Đây là một con số hết sức vô lý và bất công cho người vợ.

Dựa vào những yếu tố trên Toà đã bác bỏ tính pháp lý của hợp đồng tiền hôn nhân.

B/Việc phân chia tài sản dựa trên yếu tố gì?

1. Tài sản phải được liệt kê: toàn bộ tài sản của hai người phải được kê khai đầy đủ dù cho là ai đứng tên và không được giấu giếm tài sản riêng.

2. Thẩm định sự đóng góp của hai bên:bao gồm đóng góp về tài chính và đóng góp về công sức.

3. Điều chỉnh phần tài sản đã được chia: Toà sẽ xem xét hoàn cảnh của hai bên vợ và chồng sau khi ly hôn, ví dụ khả năng tìm việc, tình trạng sức khoẻ, có nằm trong hoàn cảnh đặc biệt nào hay không. Nếu một người vì lý do nào đó không thể tìm việc hoặc thu nhập quá thấp thì Toà sẽ điều chỉnh lại phần tài sản được chia.

4. Xem xét lần cuối liệu sự phân chia đã công bằng chưa: ở đây rất khó để đưa ra một số cụ thể thế nào là công bằng. Toà chỉ có thể xem xét tình huống và dựa vào những án lệ để hướng dẫn cho các vụ kiện sau này.

C/Tài sản bị đem cho, tặng thêm trong quá trình chung sống thì phân chia như thế nào?

Theo Luật gia đình, tài sản của hai vợ chồng phát sinh trong quá trình chung sống đều là tài sản chung dù là ai đứng tên, và khi ly hôn, toàn bộ phần tài sản đó phải được kê khai.

Có những trường hợp cha mẹ tặng thêm tài sản nhưng không viết giấy ghi rõ là tặng riêng cho con mình, khi ly hôn, phần tài sản đó vẫn được tính là tài sản chung của hai người.

Nếu cha mẹ đã ghi rõ tặng riêng tài sản cho con, thì người con đó sẽ đứng tên phần tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình vợ chồng chung sống, người vợ hoặc chồng có đóng góp công sức để giúp tăng giá trị khối tài sản đó, thì khi ly hôn vẫn được tính vào tài sản cần phân chia.

Đối với trường hợp người chồng hoặc vợ giấu tài sản riêng để lén tặng cho cha mẹ, hoặc người tình, khi ly hôn, tài sản bị cho đi vẫn được tính gộp vào tài sản chung để phân chia.

Trong cộng đồng cũng đã xảy ra nhiều vụ tẩu tán tài sản, hoặc giấu tài sản để đem tặng người thứ ba. Trong trường hợp này, người trong cuộc phải có trách nhiệm thu thập bằng chứng như các khoản chuyển tiền, rút tiền, nhân chứng... để trình lên Toà án trong quá trình phân chia tài sản.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share