Quyết định của Ủy ban sẽ khiến cho nhiều công nhân mất đi mức lương được trả gấp đôi, nếu làm việc vào ngày chủ nhật và thay thế bằng một mức thấp hơn.
Phía nghiệp đoàn cho rằng, chính phủ nên làm nhiều hơn để ngăn chận những việc, được xem là tấn công vào các công nhân có mức thương thấp nhất tại Úc và cũng kêu gọi Thủ tướng can thiệp.
Thế nhưng những người ủng hộ cho việc cắt giảm nói rằng, các doanh nghiệp nay có thể mở cửa với thời gian hoạt động lâu dài hơn và thu dụng nhiều nhân công hơn.
Ủy ban Công bằng Làm Việc hôm thứ năm, đã đề ra việc cắt giảm mức lương phụ trội vào ngày chủ nhật và việc nầy đã được nhiều doanh nghiệp chờ đợi từ lâu.
Hồi năm rồi, Ủy ban Năng xuất tranh luận rằng, Chủ nhật không phải là một ngày thiêng liêng và dành cho giải trí, như trước đây đã từng qui định.
Ủy ban công bố bản phúc trình, là lương phụ trội ngày chủ nhật sẽ bị hạ giảm bằng với mức lương ngày thứ bảy.
Chủ tịch Ủy ban Công bằng Làm Việc, ông Iain Ross cho rằng việc cắt giảm không đi quá xa.
“Chúng tôi không giảm mức lương phụ trội ngày chủ nhật, bằng với mức lương ngày thứ bảy. Đối với nhiều công nhân, làm việc ngày chủ nhật bất tiện hơn ngày thứ bảy, mặc dù mức độ bất lợi ngày càng kém hơn qua thời gian”.
Việc trả lương gấp đôi vào ngày chủ nhật, nay trở thành một việc trong quá khứ đối với các công nhân ngành bán lẻ và làm việc tại các dược phòng.
Khi việc thay đổi nầy có hiệu lực, những người làm việc toàn thời hay bán thời, sẽ hưởng lương gấp một rưỡi hay 150 phần trăm cho ngày chủ nhật, trong khi công nhân casual hay phù động, nhận được mức lương phụ trội là 175 phần trăm, nếu làm việc vảo ngày chủ nhật.
Trong khi đó, không có thay đổi nào đối với các công nhân làm việc phù động, trong các ngành chiêu đãi.
Thế nhưng các nhân viên toàn thời hay bán thời, thì mức lương phụ trội làm việc ngày chủ nhật sẽ bị giảm từ 175 xuống còn 150 phần trăm.
Các công nhân casual làm việc trong các cửa hàng bán thức ăn nhanh, sẽ bị giảm lương phụ trội, từ 175 xuống còn 150 phần trăm, nếu làm trong ngày chủ nhật.
“Công nhân trong ngành chiêu đãi và bán lẻ phần lớn là những người trẻ, các công nhân di dân, người cao tuổi và những người tìm cách chen chân vào thị trường lao động và con đường để tạo dựng sự nghiệp, vì vậy quả thật hết sức độc ác, khi các công nhân nầy bị nhắm đến một cách bất công, qua việc cắt giảm lương phụ trội của họ”, bà Joane Schofield đứng đầu của United Voice, nghiệp đoàn đại diện cho công nhân các ngành chiêu đãi nói.
Người đứng đầu Tổng Công Đoàn Úc châu ACTU, bà Ged Kearney nói rằng, những cắt giảm sẽ là điều tệ hại đối với những công nhân có lợi tức thấp.
“Quyết định nầy sẽ có ảnh hưởng lớn lao đối với ngân sách của rất nhiều gia đình, gần nửa triệu công nhân sẽ bị ảnh hưởng vì việc cắt giảm nầy, nên gia đình, ngân sách và các sống của họ đều chịu ảnh hưởng”.
“Ông Malcolm Turnbull có thể điều chỉnh chuyện nầy ngay bây giờ, nếu ông hành động ngay để bảo vệ cho khoản thu nhập của mỗi người, bị ảnh hưởng bởi quyết định nầy”, bà Ged Kearney chủ tịch Tổng Công Đoàn Úc châu ACTU nói .
Chính phủ liên bang cáo buộc, nghiệp đoàn đã thi hành chiến dịch hù dọa.
Tổng trưởng Nhân dụng Michaelia Cash nói rằng, bà đã thấy các điện thư lan truyền những nội dung sai lạc cho rằng, mức lương phụ trội sẽ bị cắt giảm hết.
“Đó là một hành động hết sức hổ thẹn và họ nên tự cảm thấy xấu hổ, về việc kích động một chiến dịch hù dọa về mức lương phụ trội vào ngày chủ nhật, vốn đã được qui định hẳn hoi”.
Trong khi các nghiệp đoàn đã tổ chức biểu tình, thì những tổ chức doanh nghiệp lại hoan nghênh quyết định nói trên.
Họ tranh luận rằng, số tiền họ tiết kiệm được trong ngày chủ nhật, sẽ được dùng vào việc thuê mướn công nhân mới, cùng với một tỷ lệ cao hơn những người công nhân làm việc toàn thời.
Ông Peter Strong là Chủ tịch của Hội đồng các Tiểu thương Úc châu.
Ông cho biết, nhiều công nhân trong các ngành bị ảnh hưởng, hiện được các khế ước của doanh nghiệp qui định, vì vậy sẽ không bị ảnh hưởng.
“Hầu hết những người làm việc vào ngày chủ nhật, sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định nầy, do họ là công nhân của các doanh nghiệp lớn như Coles, Woolies, Big W, MacDonalds, Red Rooster, đại loại những hạng như vậy”.
“Hầu hết những người làm việc ngày chủ nhật tại các doanh nghiệp đó, sẽ không bị ảnh hưởng chút nào và họ sẽ nhận thấy chẳng có thay đổi chút nào hết”, ông Peter Strong là Chủ tịch của Hội đồng các Tiểu thương Úc nói.
Tuy nhiên về điểm nầy, cũng có các tranh luận.
Bà Joane Schofield là người đứng đầu của United Voice, Tiếng nói Thống nhất, vốn là nghiệp đoàn đại diện cho công nhân các ngành chiêu đãi.
Bà cho biết, hầu như mọi người trong ngành chiêu đãi đều được hưởng lương phụ trội và việc cắt giảm sẽ có ảnh hưởng khó khăn, cho những công nhân bị thiệt thòi.
“Công nhân trong ngành chiêu đãi và bán lẻ phần lớn là những người trẻ, các công nhân di dân, người cao tuổi và những người tìm cách chen chân vào thị trường lao động và con đường để tạo dựng sự nghiệp, vì vậy quả thật hết sức độc ác, khi các công nhân nầy bị nhắm đến một cách bất công, qua việc cắt giảm lương phụ trội của họ”, bà Joane Schofield đứng đầu của United Voice, nghiệp đoàn đại diện cho công nhân các ngành chiêu đãi nói.