Lao động di dân có nguy cơ bị trục xuất sau khi công ty bảo trợ ‘sập tiệm’

Wei 'Mira' Chen at work at Jamie's Italian.

Wei 'Mira' Chen at work at Jamie's Italian. Source: Supplied

Theo các nghiệp đoàn và các công ty dịch vụ di trú, việc tăng thời gian chờ đợi với lao động nước ngoài nếu muốn xin thường trú nhân đang khiến họ đối mặt với nguy cơ cao sẽ bị bóc lột và bị trục xuất. Để thành thường trú nhân, họ phải dựa vào sự bảo trợ của chủ lao động và phải sống trong 2 năm phấp phỏng lo âu, để chờ đơn xin thường trú của họ được thụ lý.


Wei Chen, còn gọi là Mira, là người TrungQuốc, đã 2 lần suýt được  trở thành thường trú nhân tại Úc, dẫu cô đã sống cùng chồng tại đây trong 5 năm.

Tuy nhiên, cả 2 lần, chuyện kinh doanh của công ty nơi cô đang làm việc đều gặp trục trặc. Điều này đã khiến cô đánh mất cơ hội của mình. Hiện Chen đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về Trung Quốc.

Mọi cánh cửa gần như đang khép lại

Chen nói: “Tôi đã sống ở đây 5 năm. Và để được ở lại Úc, điều đó giống như một cuộc đấu tranh. Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều, cả trong công việc lẫn trong việc đệ đơn xin thị thực. Chúng tôi từng hy vọng rằng, chúng tôi sẽ tìm thấy tương lai của mình ở Úc. Và giờ, tất cả chỉ còn nỗi tuyệt vọng”.

Lần đầu tiên, Chen nộp đơn thường trú với nghề đầu bếp, qua bảo trợ của các chủ sở hữu chuỗi chủ nhà hàng Ý, Jamie tại Perth. Đây là chuỗi nhà hàng được thành lập bởi đầu bếp nổi tiếng người Anh Jamie Oliver.

Và rồi, khi các chủ sở hữu của chuỗi nhà hàng này là Tập đoàn Keystone tuyên bố phá sản, chủ sở hữu mới của nhà hàng này tại Canberra đã hứa sẽ cho cô việc làm và bảo trợ cho cô xin thường trú. Vậy là, Chen chuyển đến đó và nộp đơn xin chiếu khán cùng 3.500 đô la.

Nhưng vào tháng Tư năm ngoái, cô nhận được một cuộc điện thoại từ bếp trưởng, yêu cầu cô đến nhà hàng vào ngày nghỉ.

“Ông ấy nói "không cần mang theo tạp dề làm gì”. Và tôi linh cảm rằng, sẽ có điều gì đó không ổn. Và khi tôi đến, họ nói, "chúng tôi đã dừng hoạt động kinh doanh từ hôm nay". Làm thế nào mà sau 2 năm, chuyện này lại xảy ra với tôi thêm lần nữa? “ – cô kể.

Trong khi Bộ Nội vụ vẫn chưa đưa ra quyết định về đơn xin thường trú của Chen, cô đang đối mặt với nguy cơ có thể bị từ chối visa.

Kể từ thời điểm cô Chen nộp đơn xin thị thực gần đây nhất, các quy định đã thay đổi. Và điều đó có nghĩa là, ngay cả khi cô Chen được bảo đảm bằng một công việc khác, cô sẽ không còn đáp ứng đủ các tiêu chí để xin thường trú nhân, khi mà vẫn cô còn thiếu 1 năm kinh nghiệm so với yêu cầu về 3 năm kinh nghiệm làm việc hiện nay.

Thời gian chờ quá lâu

Các công ty dịch vụ di trú cho biết rằng, cô Chen chính là nạn nhân của việc kéo dài thời gian xử lý đơn xin thị thực, với thời gian chờ đợi điển hình cho loại visa 187 mà cô nộp đơn hiện ở tầm 21 tháng.

Nicholas Houston là giám đốc dịch vụ di trú VisAustralia, trụ sở đóng tại Canberra, nói rằng, trong thời gian chờ đợi đơn xin thị thực được thụ lý, mọi người sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

“Từ góc độ của người xin thị thực, điều đó có thể tạo ra tâm trạng buồn bã, khó chịu. Nhưng ý tôi là, nếu một người không có việc làm, thì họ không thể trở thành thường trú nhân. Chuyện đó là công bằng thôi. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, khung thời gian thụ lý và các phương pháp xử lý với đương đơn, nhất là khi chẳng may họ gặp các sự cố” – ông nói.

Sống trong phấp phỏng và âu lo

Lyndal Ryan, Thư ký nghiệp đoàn những người lao động làm việc trong ngành lưu trú, của vùng lãnh thổ Thủ đô, nói rằng, có không ít các trường hợp như Wei Chen.

Bà Ryan phân tích: “Khi các doanh nghiệp đóng cửa – mà điều này vốn vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là với một số ngành nghề nhất định, hậu quả để lại là rất lớn, nhất là với những người lao động đang làm việc với chiếu khán làm việc”.

Nghiệp đoàn này tin rằng, các chủ sử dụng lao động có quá nhiều quyền lực đối với người lao động, nhất là trong thời gian họ chờ đợi thị thực để được thụ lý.
"Họ [cơ quan di trú] sử dụng thời gian xếp hàng chờ đợi như cách để kiểm soát số lượng người nhập cư"- Nicholas Houston, Giám đốc dịch vụ di trú VisAustralia
Những người làm dịch vụ di trú như ông Nicholas Houston, viện dẫn việc các loại visa bảo lãnh cha mẹ và bạn đời bị kéo dài thời giabn chờ và cáo buộc cơ quan di trú cố tình kéo dài thời gian chờ đợi để giảm bớt lượng người nộp hồ sơ.

Ông Houston nói: “Họ sử dụng sự xếp hàng chờ đợi để kiểm soát số lượng người nhập cư. Vì vậy, chẳng hạn như thay vì thay đổi luật để hạn chế khả năng bảo trợ của chủ sử dụng lao động, họ lại kéo  dài thời gian chờ ra”.

Một công ty di trú khác, có trụ sở tại Melbourne, Kirk Yan cũng đồng ý rằng, thời gian chờ đợi đã tăng đáng kể và hạn ngạch của chính phủ đã không được đáp ứng.

Ông cho biết là, thời gian chờ đợi lâu nhất với visa bảo lãnh cha mẹ và bạn đời.

Dựa theo các tài liệu mà ông Yan nắm được dựa trên quyền tự do thông tin, điều này khiến con số các hồ sơ thuộc visa bảo lãnh cha mẹ đang chờ thụ lý hiện vượt qua con số 43.000 vào tháng Hai năm nay.

Chính phủ lý giải việc thời gian chờ đợi tăng là do số hồ sơ xin thị thực tăng và việc cần phải xem xét các điều kiện và kiểm tra kỹ các hồ sơ.

Phát ngôn nhân của Bộ Di trú khẳng định với SBS News: “Thời gian thụ lý của chiếu khán là kết quả của một loạt các yếu tố, gồm khối lượng hồ sơ nhận được, điều kiện đáp ứng của các hồ sơ, và việc liệu những người nộp hồ sơ có đáp ứng kịp thời hay không, với những yêu cầu của bộ phận di trú”.

Bộ này cũng đã giới thiệu một loại visa bảo lãnh cha mẹ tạm thời, cho phép cha mẹ của người nộp đơn ở lại Úc tới 5 năm, nhằm giúp các gia đình dễ dàng hơn trong đoàn tụ.


Share