"Nếu chúng tôi không nói sự thật, thì ai sẽ nói sự thật?"

Dr Li Wenliang,  the whistleblowing doctor in Wuhan who first warned of the outbreak of the coronavirus.

Dr Li Wenliang, the doctor in Wuhan who first warned of the outbreak of the coronavirus. Source: The New York Times

Đó là câu nói của bác sỹ nhãn khoa 34 tuổi Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người bị cảnh sát câu lưu vì lên tiếng báo động về dịch coronavirus ở Vũ Hán. ABC cho hay anh đã qua đời tối qua 6/2 sau một thời gian nhiễm coronavirus khi chăm sóc bệnh nhân. Anh ra đi để lại một người vợ đang mang thai và người mẹ già. Cả hai đều được cho là đã nhiễm coronavirus.


Từ giường bệnh thuộc khu chăm sóc đặc biệt ở thành phố Vũ Hán, bác sĩ Li nói với đài CNN là anh đã bị nhiễm virus.

Vào ngày 30/12/2019, bác sĩ Li Wenliang, 34 tuổi, làm việc tại Vũ Hán, đã nhắn tin đến nhóm bạn y khoa của anh trên mạng xã hội WeChat. Anh tiết lộ có 7 bệnh nhân từ một chợ hải sản đã bị nhiễm một loại virus giống như virus gây bệnh SARS và họ đang được bí mật cách ly trong bệnh viện của anh.

Bác sĩ Li nói, theo những dấu hiệu của bệnh nhân mà anh phát hiện, thì bệnh này hoạt động giống như đã nhiễm một loại coronavirus – thuộc gia đình của loại virus đã gây ra đại dịch SARS. Li nói bạn bè hãy cảnh báo cho người thân một cách bí mật thôi. Tuy nhiên chỉ trong vài giờ, hình ảnh tin nhắn của anh đã phát ra khắp mạng xã hội Trung Quốc. Anh nói:

“Tôi muốn nhắc nhở bạn học y khoa với mình hãy thật cẩn thận. Nhưng khi tôi thấy tin nhắn của mình đã lan rộng trên mạng, tôi biết câu chuyện đã vượt quá tầm kiểm soát và tôi nghĩ chắc là mình sẽ bị trừng phạt”.

Chẳng bao lâu sau,Li bị cảnh sát Vũ Hán kết tội tung tin đồn nhảm, còn giới chức bệnh viện nơi anh làm việc cũng cho gọi anh đến để giải thích tại sao anh biết được các tin tức của bệnh nhân.

Chỉ 3 ngày sau, anh bị câu lưu tại một đồn cảnh sát địa phương vì hai tội danh ‘tung tin đồn nhảm trên mạng’ và ‘phá hủy trật tự xã hội’. Anh nhớ lại:

“Gia đình tôi sẽ lo lắng đến chết mất nếu tôi bị giam giữ. Tôi không thể làm gì cả. Mọi hành động của tôi đều phải trung thành với cấp trên”.

Vào ngày 10/1, sau khi chữa trị cho một bệnh nhân bị nhiễm virus, Li bắt đầu ho và sốt cao. Các điều kiện sức khỏe ngày càng tệ hơn, đến nỗi bản thân anh phải được chăm sóc đặc biệt và thở oxy, ngày 31/1, anh viết trên trang Weibo:

 “Tôi tự hỏi tại sao những thông báo của chính quyền đều vẫn nói không có sự lây lan giữa người và người đối với đại dịch này. Và tại sao họ dám nói không có một nhân viên y tế nào bị nhiễm virus cả.”

Vào ngày 1/2, kết quả thử nghiệm cho thấy anh đã bị nhiễm coronavirus.

Trên trang Weibo của bác sĩ Li, hàng chục ngàn người đã để lại comments, cảm ơn anh đã dũng cảm lên tiếng, và mong anh nhanh chóng hồi phục. Một bình luận viết:

“Nếu chính quyền quan tâm hơn nữa và có những phương pháp phòng ngừa sớm và tích cực, thì tình trạng hiện nay có thể là một bức tranh hoàn toàn khác”.

Một bài viết của nhà báo Trung Quốc Mã Thiên Kiệt cho biết:

 “Theo nhiều mốc thời gian được tái dựng bởi người dùng phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ngay từ ngày 8 tháng 12, nhưng phải đến ngày 30 tháng 12, các cơ quan y tế Vũ Hán mới thừa nhận sự tồn tại của ca "viêm phổi không rõ nguyên nhân" thông qua thông báo lưu hành nội bộ mà sau đó bị rò rỉ”.

Theo tin tức dần tiết lộ, 8 công dân Vũ Hán bị khiển trách vào tháng 12 vì đã lan truyền "tin đồn" về dịch bệnh chính là các bác sĩ đã cảnh báo cho đồng nghiệp và bạn bè của họ về căn bệnh đáng ngờ thông qua WeChat, trong đó có bác sỹ  Li Wenliang. Chính quyền Vũ Hán đã chủ động bịt miệng những người dũng cảm lên tiếng vì lợi ích của cộng đồng.

Sự im lặng và kiểm soát thông tin của nhà cầm quyền Trung Quốc, đã dẫn đến hàng trăm y tá và bác sỹ lâm vào nguy cơ nhiễm coronavirus, khi trực tiếp cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi ngày, trong điều kiện y khoa thiếu thốn, đã dẫn đến một đại dịch mà đến 4 giờ chiều ngày 6/2 tước đi mạng sống của 565 người dân vô tội.

Tạp chí Hạt Giống Yêu Thương kể chuyện về những nhân viên y khoa đang đấu tranh ở tuyến đầu, trong một “sứ mệnh tự sát”, không khác gì những thiện nguyện viên đến giải cứu trong tai nạn Chernobyl, theo lời chính trị gia Mỹ Solomon Yue.


Share