Uốn ván, một căn bệnh hiếm gặp nhưng có thể phòng ngừa được đã cướp đi một sinh mạng ở New South Wales.
Một cụ bà ngoài 80 tuổi là người đầu tiên chết vì căn bệnh này sau 30 năm.
Hai trường hợp khác cũng đã được ghi nhận tại NSW trong năm nay, gồm một phụ nữ ở độ tuổi 80 và một phụ nữ khác ở độ tuổi 70.
Đó là những trường hợp bệnh uốn ván được ghi nhận đầu tiên ở New South Wales kể từ năm 2019.
Phó chủ tịch Đại học Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Úc [RACGP] tại New South Wales, Tiến sĩ Michael Wright nói rằng tiêm chủng là cần thiết để phòng ngừa uốn ván.
"Thật đáng lo ngại khi chứng kiến các trường hợp mắc bệnh uốn ván trong cộng đồng, thật buồn khi nghe tin về cái chết của người phụ nữ ở Sydney. Tôi nghĩ đó thực sự là lời nhắc nhở quan trọng đối với tất cả chúng ta để luôn cập nhật vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin ngừa uốn ván, căn bệnh mà chúng ta biết là nguy hiểm chết người."
Uốn ván - đôi khi được gọi là phong đòn gánh - là bệnh do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Các bào tử của vi khuẩn này thường được tìm thấy trong đất hoặc phân động vật, đặc biệt là phân ngựa.
Vi khuẩn có thể xâm nhập vào vết thương hở và tạo ra độc tố tấn công hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng uốn ván như cứng cơ, co giật, khó thở.
Nhiễm trùng có thể xảy ra sau chấn thương nhẹ hoặc nặng. Và không giống như các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin khác, bệnh uốn ván không lây truyền từ người sang người.
Sau các trường hợp tử vong gần đây, các quan chức y tế đã đưa ra một cảnh báo sức khỏe khẩn cấp với lời nhắc nhở cập nhật tiêm vắc-xin uốn ván.
Giám đốc Y tế NSW về các bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Christine Selvey mô tả uốn ván là bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong.
Bà tuyên bố rằng tiêm phòng là cách bảo vệ tốt nhất chống lại nhiễm trùng.
"Chúng ta biết rằng tiêm phòng uốn ván có thể phòng bệnh hiệu quả. Và đó là sự bảo vệ tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Ai cũng dễ bị một vết xước nhỏ hay một vết thương nhỏ nào đó bị dính chút bụi bẩn. Nếu điều đó xảy ra, và nếu người đó không được tiêm phòng, thì họ có nguy cơ bị uốn ván."
Bộ Y tế New South Wales cho biết căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở những người lớn tuổi không được chích ngừa đầy đủ.
Hai trong số ba trường hợp được báo cáo không có hồ sơ tiêm chủng, còn trường hợp thứ ba được ghi nhận đã chích ngừa từ hơn 30 năm trước.
Tỷ lệ lây nhiễm uốn ván trên toàn cầu cao hơn ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em thấp hơn.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Giám sát và Nghiên cứu Chủng ngừa Quốc gia [NCIRS] Nicholas Wood, cho biết vết thương không nghiêm trọng cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
"Các vết thương dễ bị nhiễm khuẩn uốn ván là vết thương dính bụi bẩn hoặc dính rỉ sét, vết thương sâu. Nhưng không chỉ vết thương nặng mới bị như vậy. Trên thực tế, theo Cảnh báo về Sức khỏe của New South Wales, có vẻ như những vết thương mà các trường hợp vừa này mắc phải là vết thương khá nhỏ, mặc dù họ đều đã lớn tuổi. Vì vậy vết thương không quá nghiêm trọng vẫn có thể nhiễm trùng."
Tiến sĩ Selvey cũng đồng ý rằng những vết thương nhỏ cũng nên được coi là vết thương dễ bị uốn ván.
Mọi người nghĩ rằng những vết thương lớn, vết đứt sâu cần phải may lại thì mới cần tiêm phòng uốn ván, nhưng thực tế, bệnh có thể xảy ra từ một vết thương khá nhỏ, đôi khi chỉ là một vết xước hoặc bị gai nhọn đâm vào dưới da và chỗ đó đã tiếp xúc với đất hoặc bụi bẩn.Tiến sĩ Selvey
Tiến sĩ Selvey tin rằng lời nhắc nhở quan trọng đối với người Úc là nên cập nhật tình trạng tiêm phòng uốn ván và bảo đảm khả năng miễn dịch của mình.
Bà nói thêm rằng các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm chăm sóc vết thương đúng cách, cho dù vết thương lớn hay nhỏ.
"Ngoài việc chích ngừa, bạn nên rửa kỹ tất cả các vết thương bằng nước sạch để bảo đảm không có chất bẩn trong đó và sử dụng một chút thuốc sát trùng. Hãy chăm sóc vết thương và băng kín lại."
Uốn ván là bệnh rất hiếm xảy ra ở Úc, bởi vì việc tiêm chủng được phổ biến rộng rãi.
Mặc dù người lớn tuổi thường dễ nhiễm trùng hơn, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến nghị mọi lứa tuổi đều nên chích ngừa.
Các mũi tiêm uốn ván nhắc lại cũng được khuyến nghị 10 năm một lần để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Nicholas Wood cho biết vắc-xin an toàn cho tất cả mọi người.
"Tiêm vắc-xin rất hiệu quả và an toàn. Vì vậy, chúng tôi chích ngừa cho tất cả trẻ sơ sinh như một phần của vắc-xin kết hợp, khi trẻ được hai tháng, bốn tháng, sáu tháng tuổi. Sau đó, trẻ được tiêm một liều tăng cường khi được khoảng 18 tháng tuổi, và sau đó tiêm một liều tăng cường khác khi trẻ bắt đầu đi học. Những người nên tiêm nhắc lại là người trên 50 tuổi. Và nếu đã hơn 10 năm kể từ lúc tiêm liều gần nhất, thì họ nên tiêm liều tăng cường”.
Ông Wood khuyên mọi người nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình để biết khi nào cần chích ngừa và liệu họ có cần tiêm nhắc lại để tăng cường khả năng miễn dịch hay không.
Phó chủ tịch RACGP Michael Wright nói thêm rằng vắc-xin uốn ván an toàn nhưng cũng có thể có những tác dụng phụ nhỏ.
"Vắc xin rất an toàn. Tôi nghĩ với tất cả các loại vắc-xin, bạn có thể bị một số phản ứng nhẹ như đau cánh tay. Hầu hết bệnh nhân thường cảm thấy đau khá nhiều ở cánh tay sau khi tiêm nhắc lại thuốc ngừa uốn ván. Nhưng đó chắc chắn là chuyện nhỏ, và hãy hỏi bác sĩ của bạn về bất kỳ tác dụng phụ nào khác mà rất hiếm xảy ra."