Mark Myerson nhớ lại khoảnh khắc anh nhận được lời mời đến tham gia cùng với các nhân viên cứu trợ ở Gaza.
Anh đang trên đường trở về nhà sau chuyến cắm trại, anh dừng lại để ăn trưa với vợ mình là Katrina Elliot, cũng là một nhân viên cứu trợ đồng nghiệp.
"Và một tin nhắn vang lên trong điện thoại của tôi. Tôi nhìn vào tin nhắn. Và ngay lập tức tôi nói: đó là Hội Hồng Thập Tự. Katrina chỉ nhìn tôi sau khi tôi đọc tin nhắn. Cô ấy nói: Nhìn vào mặt anh là em biết ngay. Anh thực sự muốn đi, phải không? Còn tôi thì, tôi vừa nhắn trả lời đồng ý, tôi thực sự, thực sự muốn đi.”
Katrina nói cảm xúc của cô mâu thuẫn nhau.
"Tôi thú nhận, bụng tôi cồn cào không yên khi nghĩ đến việc anh ấy sẽ đến Gaza. Nhưng tôi biết nhu cầu được hỗ trợ và chăm sóc y tế ở đó rất lớn."
Trong vòng hai tuần, Mark đã đi vào cuộc hành trình đầy thử thách đến vùng chiến sự.
Từ Ai Cập, anh đi vào Gaza qua cửa ngõ Rafah.
Với chuyên môn về nước và an toàn vệ sinh, anh đã tham gia cùng các nhân viên cứu trợ là thành viên của Ủy ban Hồng Thập Tự quốc tế.
Nhiệm vụ của họ là xây dựng một bệnh viện dã chiến trong vòng 5 tuần, tại khu vực mà nơi có hàng chục ngàn người Gaza di tản.
"Mọi việc thực sự gấp gáp. Làm thôi, Làm thôi, Làm thôi! Trong bảy ngày, chúng tôi thức dậy khi mặt trời mọc. Và sau đó bắt tay vào công việc, mọi thứ từ lắp đặt hệ thống cung cấp điện, nước và vệ sinh cho khu vực bệnh viện, và các lều trại."
Những người có mặt tại hiện trường luôn phải cảnh giác với những nguy hiểm.
Theo Cơ sở dữ liệu An ninh Nhân viên Cứu trợ, 255 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng tại Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng kể từ ngày 7 tháng 10.
Đối với Mark, cuộc xung đột là người bạn đồng hành thường xuyên trong công việc của anh.
"...Cảm nhận được luồng sóng từ các vụ nổ, chúng tôi thường nghe thấy tiếng máy bay không người lái, nghe thấy máy bay phản lực, âm thanh của pháo kích và vũ khí nhỏ, hay thấy lửa cháy. Tất cả những thứ đó liên tục... nhắc nhở thính giác và thị giác chúng tôi. Chỉ có hai bệnh viện dã chiến khác ở cùng một địa điểm rộng lớn đang hoạt động. Họ đang phải chịu áp lực nặng nề về nhu cầu phục vụ dân số. Và vâng, chúng tôi thường xuyên nhận được câu hỏi: khi nào các bạn sẽ mở cửa?”
Khi ngày bệnh viện mở cửa cuối cùng cũng đến - đã có rất nhiều người xếp hàng dài bên ngoài để được chăm sóc.
Bệnh viện dã chiến mở cửa với sức chứa 200 bệnh nhân, trong đó có một bà mẹ đang mang thai.
Mark nói anh nhớ rất rõ khoảnh khắc đó và những gì xảy ra sau đó, với sự ra đời của đứa con của cô.
"Tôi nghĩ rằng ai cũng phấn khởi và niềm vui thực sự trong đội ngũ y tế và kỹ thuật có mặt tại bệnh viện vào thời điểm đó, nó như một lời nhắc nhở về lý do tại sao chúng tôi có mặt, và lợi ích cho cộng đồng ."
Khi thảm họa và xung đột leo thang, các cơ quan viện trợ Úc cho biết họ nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ các thiện nguyện viên.
Thế nhưng Adrian Proust, người đứng đầu các chương trình quốc tế tại Hội Hồng Thập tự Úc chỉ ra, hầu hết những người ở tuyến đầu đều là dân địa phương.
"Phần lớn những người cứu trợ nhân đạo là người địa phương. Họ sống trong cộng đồng của mình, họ là thiện nguyện viên. Họ là những nhân viên đang ứng phó với những thảm họa quy mô nhỏ, những thảm họa mang tính địa phương hơn, mà cộng đồng của họ cần được hỗ trợ để ứng phó”.
Đối với Mark, việc bỏ những người đó lại phía sau không hề dễ dàng.
Trong những ngày sau khi anh trở về quê nhà ở Brisbane, các đồng nghiệp tại bệnh viện mà anh giúp xây dựng đã ứng phó với một sự kiện gây thương vong hàng loạt.
Cuộc tấn công vào trại tị nạn Rafah.
Hội Hồng Thập Tự cho hay chỉ riêng đêm đó bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân, trong đó có 7 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
"Thật sự rất khó để rời đi - bởi vì bạn không chỉ bỏ rơi mọi người trong một môi trường đầy thách thức với cuộc xung đột đang diễn ra. Người dân địa phương đang phải đối mặt với điều này từ ngày này qua ngày khác - và bạn phải trở về nhà. Đó là một thử thách. Những người đó luôn ở trong tâm trí bạn khi bạn quay về nhà."
Mark thừa nhận anh cảm thấy lo lắng trước chuyến đi.
Gaza là lần cứu trợ quốc tế thứ ba của anh. Lần đầu tiên anh thực hiện vai trò này là vào năm 2014 tới Malaysia sau trận lũ lụt nghiêm trọng.
Sau đó, vào năm 2018, anh được cử sang Myanmar làm việc 12 tháng ở bang Rakhine đầy nguy hiểm.
Với những chuyến đi kéo dài, gia đình có thể như ở rất xa.
Anh luôn nhận được sự ủng hộ từ vợ mình là Katrina - cũng là một nhân viên cứu trợ từng chia sẻ kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài.
"Tôi đến Rwanda và sau đó khi tôi quay về Úc, thì Mark rời đi Malaysia - còn tôi đến Afghanistan. Vì vậy, rất nhiều lần... chúng tôi hơi giống với những con tàu lênh đênh trong đêm. Nhưng như tôi đã nói, tôi nghĩ tôi hiểu được lý do tại sao chúng tôi làm điều này, vì nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn."
Mark cho biết động lực của anh chưa bao giờ thay đổi - và nếu có thì chỉ càng tăng lên theo năm tháng.
"Tôi nhận thấy nhu cầu rất lớn ở những khu vực này trên thế giới, khu vực có xung đột và thảm họa. Đối với tôi, đó chính là động lực. Nhu cầu cứu trợ và nhìn thấy việc làm của những người khác, đã truyền cảm hứng cho tôi tiếp tục muốn làm công việc đó."