Nỗi lo cho loài tôm nhỏ ở Nam Đại Dương

krill.jpg

Nam Cực thường được coi là vùng hoang dã lớn cuối cùng của Trái đất, nhưng mối lo ngại ngày càng tăng đối với một trong những loài quan trọng trong hệ sinh thái Nam Đại Dương. Loài nhuyễn thể hay tôm nhỏ krill ở Nam Cực rất quan trọng, để duy trì sự sống của hành tinh chúng ta và hoạt động như một bể chứa carbon trị giá hàng tỷ đô la. Nhưng sự nóng lên của đại dương và các báo cáo về việc đánh bắt loài nhuyễn thể nầy quá qui mô, đang đe dọa sự tồn vong của chúng.


Chúng là một trong những động vật nhỏ nhất trong đại dương.

Thế nhưng loài nhuyễn thể ở Nam Cực đóng một vai trò lớn lao, trong việc giữ cho lượng khí thải carbon của thế giới đi đúng hướng.

Ăn thực vật phù du và hấp thụ khí nhà kính trên bề mặt đại dương, loài nhuyễn thể lắng đọng chất thải của chúng sâu trong đại dương.

Như ông Rob King, một nhà sinh vật học về nhuyễn thể thuộc ngành Nam Cực của Úc giải thích, tiến trình này ước tính loại bỏ 23 megaton lượng thán khí carbon dioxide khỏi khí quyển mỗi năm, tương đương với việc đưa 5 triệu xe hơi ra khỏi các con đường.

"Có 4 hoặc 5 trăm triệu tấn nhuyễn thể di chuyển 200 mét, lên và xuống đại dương phía nam".

"Đây là một máy bơm sinh học khổng lồ, một băng chuyền carbon xuống đại dương và hết sức quan trọng, để duy trì sự cân bằng và đẩy carbon vào các đại dương trên thế giới",Rob King .

Với chiều dài chỉ 6 phân, khối lượng của chúng tạo nên một trong những sinh khối lớn nhất thế giới và củng cố toàn bộ hệ sinh thái Nam Cực.

"Mọi thứ từ những con cá voi to lớn có cái hàm rộng để lùa chúng vào miệng, cho đến chim cánh cụt bắt từng loài nhuyễn thể, thậm chí là một con hải cẩu mà hầu hết mọi người chỉ biết nó là một kẻ săn mồi phàm ăn của chim cánh cụt và các loài hải cẩu khác".

"Điều đó cho bạn một số ý tưởng về tầm quan trọng của loại nhuyển thể đối với hệ sinh thái", Rob King.

Nhận thức được tầm quan trọng của nhuyễn thể đối với hành tinh của chúng ta, năm rồi chính phủ liên bang đã chi hơn 25 triệu đô la, để xây dựng một cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới và hồ lớn nuôi nhuyễn thể ở Hobart.

Bà Tanya Plibersek, Tổng trưởng Môi trường Úc cho biết.

"Trong nhiều năm Úc đã dẫn đầu lập luận rằng, chúng ta cần nhiều khu bảo tồn biển hơn chung quanh Nam Cực, vì chúng ta lo lắng về việc đánh bắt quá mức nhuyễn thể và tất nhiên chúng ta lo lắng về tác động của biến đổi khí hậu đối với vòng đời của loài nhuyễn thể".

"Loài tôm nhỏ Krill là căn bản xây dựng của sự sống trên hành tinh này”, Tanya Plibersek.

Mặc dù loại nhuyễn thể rất quan trọng đối với các mục tiêu Net Zero toàn cầu, ước lượng trị giá khoảng 23 tỷ đô la lưu trữ carbon mỗi năm, nhưng chúng cũng rất nhạy cảm với khí hậu thay đổi, về bản chất liên quan đến băng biển ở mọi giai đoạn trong vòng đời của chúng.

Ông David Greene từ Viện Nghiên cứu Biển và Nam Cực giải thích.

"Nam Băng Dương trải qua sự thay đổi cực kỳ nhanh chóng, chúng ta vừa thấy mức độ băng biển thấp nhất được ghi nhận".

"Nó ấm lên với tốc độ chưa từng có và chúng ta đang thấy những thay đổi về số lượng thực vật phù du", David Greene.

Lo ngại về sự suy giảm khối lượng nhuyễn thể ở Nam Cực, một nhóm các nhà nghiên cứu do ông David Greene dẫn đầu, đã phát triển một công cụ dữ liệu mới, khi lập bản đồ sự phong phú của nhuyễn thể ở Nam Đại Dương và sự phân bố của chúng.

Một số nhà khoa học cho rằng, nhuyễn thể Nam Cực sẽ mất 30% môi trường sống trong thế kỷ này.

"Chúng tôi không biết mức độ loại nhuyễn thể nầy sẽ bền vững như thế nào trước những thay đổi đó, vì vậy chúng tôi thực sự cần biết những tác động đó có thể trông như thế nào trong vài năm tới, trong thập niên tới, hay trong 78 năm tới".

"Một trong những khía cạnh quan trọng của mô hình sẽ là hiểu được sự cạnh tranh giữa động vật ăn thịt, nhuyễn thể và nghề đánh bắt cá", David Greene.
Vấn đề là họ đánh bắt chúng ở đâu và đánh bắt bao nhiêu, Alistair Allan.
Được biết ngành công nghiệp đánh bắt nhuyễn thể Nam Cực trị giá hàng triệu đô la, được quy định bởi một công ước quốc tế, với các quốc gia đánh bắt chính là Na Uy, Trung Quốc, Chile, Hàn Quốc và Ukraine.

Ủy ban Bảo tồn Tài nguyên Sinh vật Nam Cực đặt ra giới hạn đánh bắt hàng năm và yêu cầu có các quan sát viên trên tất cả các tàu săn bắt nhuyễn thể.

Thế nhưng các cảnh quay được do Quỹ Bob Brown và Sea Shepherd Global cho thấy, những tàu đánh cá nhuyễn thể giữa những đàn cá voi, đã làm dấy lên lo ngại về việc quản lý bền vững nghề đánh bắt cá.

Trong khi đó ông Alistair Allan là một nhà vận động Nam Cực với Quỹ Bob Brown, nói rằng hầu hết các tàu đánh bắt nhuyễn thể, nhắm vào các khu vực tìm kiếm thức ăn giống như sinh vật biển ở Nam Cực và lo ngại về nhu cầu đánh bắt nhuyễn thể ngày càng tăng.

Điều này phần lớn được thúc đẩy bởi các chất bổ sung sức khỏe, thức ăn cho vật nuôi và cho cá nuôi tại các trang trại.

"Thật khó để tin rằng loài nhuyễn thể, vốn là nền tảng của hệ sinh thái Nam Cực, lại kết thúc ở đây trong vùng nước nhỏ này ở Tasmania".

"Thế nhưng loài nhuyễn thể nầy được làm mồi cho những con cá hồi phát triển và biến thịt của chúng thành màu hồng tươi”, Alistair Allan.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, việc nuôi trồng thủy sản là ngành công nghiệp thực phẩm phát triển nhanh nhất thế giới.

Một nhà cung cấp thức ăn cho một số nhà sản xuất cá hồi Úc, đã bảo vệ việc sử dụng nhuyễn thể Nam Cực, trích dẫn giá trị dinh dưỡng từ một nguồn con mồi tự nhiên.

Nhưng các nhà bảo tồn như ông Allan nói rằng, đó không phải là một phần cần thiết trong chế độ nuôi ăn của cá hồi.

“Khi ngành công nghiệp này phát triển và khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn ở Nam Cực, thì mối quan tâm đối với loài nhuyễn thể là, nếu chúng giữ toàn bộ hệ sinh thái lại với nhau, tại sao chúng ta lại bắt chúng mà chúng ta thực sự nên bảo vệ nó".

"Vấn đề là họ đánh bắt chúng ở đâu và đánh bắt bao nhiêu", Alistair Allan.

Việc quản lý bền vững nghề đánh bắt cá, trong đó có loài nhuyễn thể là nền tảng, để bảo tồn sinh vật được gọi là 'cường quốc' của Nam Đại Dương.

Share